Băn khoăn về điều chỉnh ngưỡng xét tuyển ngành sức khỏe

Băn khoăn về điều chỉnh ngưỡng xét tuyển ngành sức khỏe
3 giờ trướcBài gốc
Đề xuất nâng chuẩn đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD&ĐT có nhiều điểm mới liên quan đến tuyển sinh ngành Sư phạm và ngành Y. Theo dự thảo, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề phải có kết quả học tập (trong cả 3 cấp THPT) xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.
Đối với các ngành: Giáo dục thể chất; Sư phạm âm nhạc; Sư phạm mỹ thuật; Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng; Điều dưỡng; Y học dự phòng; Hộ sinh; Kỹ thuật phục hình răng; Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học; Kỹ thuật phục hồi chức năng thì kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT chia thí sinh thi vào các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe thành hai nhóm. Điều kiện về học bạ chỉ áp dụng với nhóm không xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với nhóm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, Bộ sẽ công bố điểm sàn hàng năm. Dự thảo không còn phân chia mức sàn theo phương thức xét tuyển.
Đề xuất nâng chuẩn đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe. Ảnh minh họa
Sau khi dự thảo được ban hành, nhiều học sinh và phụ huynh bày tỏ băn khoăn nếu điều chỉnh này được ban hành sẽ tác động lớn đến người học.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng ngay quy định này năm nay cho tất cả học sinh sẽ thiệt thòi và thiếu công bằng với các học sinh đã tốt nghiệp các năm trước. Bởi với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước muốn thi lại để xét tuyển vào ngành bác sĩ năm sau sẽ không thực hiện được bởi các em chỉ học tập trung vào 3 môn thi đại học. Nếu muốn thay đổi, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình phù hợp để không chỉ học sinh mà cả phụ huynh và giáo viên nắm được thông tin ngay khi vào lớp 10 có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Yêu cầu học lực tốt cả 3 năm THPT cho mọi phương thức xét tuyển có hợp lý?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về dự thảo thông tư mới, PGS.TS Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhất trí với Dự thảo và cho rằng: "Việc quy định thống nhất ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trong quy chế tuyển sinh mục đích là để bảo đảm sự công bằng cho thí sinh ứng tuyển, không phân biệt tuyển sinh theo phương thức nào".
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Đình Tùng, dự thảo quy định ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề phải có kết quả học tập (trong cả 3 cấp THPT) xếp mức Tốt trở lên là một thay đổi lớn. Nếu dự thảo được ban hành, học sinh không chỉ cần học lực tốt trong lớp 12 mà cả 3 năm THPT, gây áp lực lớn cho cả học sinh hiện tại và những người thi lại. Điều băn khoăn này của học sinh và phụ huynh là chính đáng. "Quy định mới sẽ ảnh hưởng đến cả học sinh tốt nghiệp từ năm 2024 trở về trước nhưng thi lại đại học. Những học sinh này không biết trước thay đổi và có thể đã không tập trung vào học lực cả 3 năm dẫn đến tâm lý lo lắng".
PGS.TS Lê Đình Tùng cho biết, học sinh sẽ phải duy trì học lực tốt trong cả 3 năm THPT, thay vì chỉ tập trung vào lớp 12 như trước. Điều này có thể làm tăng áp lực học tập ngay từ đầu cấp. "Với các em học sinh có năng lực thiên về một số môn nhưng các môn khác không đạt mức tốt, điều này có thể hạn chế cơ hội xét tuyển, đặc biệt ở khối ngành đặc thù như Sức khỏe và Sư phạm.
Bên cạnh đó, với học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập hạn chế có thể gặp khó khăn trong việc duy trì học lực tốt trong cả 3 năm THPT, dẫn đến mất cơ hội xét tuyển vào các ngành đặc thù.
Do vậy, cần phân biệt giữa phương thức xét tuyển. Việc yêu cầu học lực tốt cả 3 năm THPT cho mọi phương thức xét tuyển có thể không hợp lý. Các phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vốn đã mang tính cạnh tranh trực tiếp, nên việc bổ sung thêm yêu cầu học lực 3 năm là một rào cản không cần thiết".
Về đề xuất điều chỉnh, PGS.TS. Lê Đình Tùng cho rằng nên áp dụng yêu cầu học lực tốt 3 năm THPT cho các phương thức xét tuyển sử dụng học bạ hoặc chứng chỉ quốc tế. Đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chỉ nên giữ ngưỡng đầu vào dựa trên điểm thi (ví dụ, điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên). Quy định áp dụng học lực 3 năm chỉ nên có hiệu lực với học sinh đang học THPT từ năm 2025 trở đi, không áp dụng hồi tố với thí sinh đã tốt nghiệp. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù hoặc linh hoạt cho học sinh ở khu vực khó khăn (ví dụ, giảm yêu cầu về mức học lực hoặc chỉ yêu cầu học lực giỏi trong lớp 12). "Đối với giai đoạn chuyển đổi này, Bộ GD&ĐT nên quy định thời gian áp dụng chính thức là năm 2026 để các trường phổ thông, đại học và thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị".
Chia sẻ thêm về vấn đề này, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng bày tỏ băn khoăn nếu dự thảo quy định học lực tốt cả 3 năm THPT với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi từ trước nay, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp đã có quy định điểm sàn, học sinh cần đạt mức điểm tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định mới được xét tuyển vào các ngành quy định. Về mặt nguyên tắc không cần khống chế hai hàng rào.
Hơn nữa, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, có thể một số học sinh chỉ tập trung vào một số lĩnh vực mà không đồng đều tất cả các môn, nhưng các lĩnh vực cần thiết để theo học khối ngành các em đạt học lực tốt. PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi cho rằng điều kiện này với các phương thức xét tuyển ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT cần thiết nhưng cần xem xét thêm với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ban-khoan-ve-dieu-chinh-nguong-xet-tuyen-nganh-suc-khoe-169241212142925069.htm