Tham gia buổi giám sát có lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh; Thường trực HĐND, UBND huyện Nguyên Bình.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng phát biểu tại buổi giám sát.
Nguyên Bình là huyện có thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, đa dạng về chủng loại như: chì, kẽm, floorit-cao lanh, thiếc, vonfram, quặng sắt, vàng sa khoáng và khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Giai đoạn 2021 - 2024, huyện có 12 mỏ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 5 mỏ đã hết hạn khai thác nhưng chưa hoàn thiện hồ sồ sơ đóng cửa mỏ và 7 mỏ còn thời hạn khai thác và đang thực hiện khai thác.
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện được tập trung cao và có nhiều chuyển biến tích cực; UBND huyện đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản; ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành việc quản lý khoáng sản theo thẩm quyền; có nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ khoáng sản và đạt được nhiều kết quả; việc xử lý vi phạm tương đối nghiêm góp phần ổn định tình hình chung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Các đơn vị được cấp giấy phép khai thác cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về khai thác, chế biến khoáng sản; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng hồ sơ bảo vệ môi trường của công trình, dự án đã được phê duyệt; thực hiện quan trắc, báo cáo môi trường đúng quy định. Ngoài việc thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật và thực hiện việc kê khai, báo cáo sản lượng và nộp các loại thuế, phí, các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện đều đã thực hiện việc nộp quỹ bảo vệ môi trường; thường xuyên có những đóng góp cho cộng đồng, người dân khu vực nơi có khai thác khoáng sản bằng những hoạt động thiết thực như: đóng góp vật liệu xây dựng, tiền… để xây dựng các công trình công cộng và hỗ trợ an sinh xã hội, tặng quà tết, thuốc men, lương thực thực phẩm cho người dân… tuy nhiên, một số khu vực khoáng sản chưa khai thác xong nên việc khôi phục lại môi trường chưa được hoàn chỉnh; công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về khoáng sản của huyện có lúc chưa thật sự sâu rộng; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, chặt chẽ, vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép…
Tại buổi giám sát, huyện kiến nghị với đoàn giám sát một số vấn đề như: Đôn đốc các đơn vị hết thời hạn khai thác thực hiện nghiêm công tác đóng cửa mỏ theo quy định, hoàn phục cải tạo môi trường; xây dựng quy định chi mới đối với việc hỗ trợ công tác trực bảo vệ, giải tỏa khai thác khoáng sản trái pháp luật thay thế cho Quyết định số 561/QĐ-UBND ngày 15/4/2010 về việc quy định tạm thời về chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia làm nhiệm vụ giải tỏa khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh; không xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với những mỏ được đánh giá có trữ lượng nhỏ, khai thác khó khăn, sản xuất không hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến nhân dân và môi trường sống…
Các thành viên đoàn giám sát thảo luận, phân tích những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế của địa phương; đề nghị huyện Nguyên Bình giải trình rõ một số vấn đề liên quan đến thủ tục chi cho công tác bảo vệ đối với khoáng sản chưa khai thác; làm rõ dự toán kinh phí bảo vệ khoáng sản hằng năm; nguyên nhân chưa đóng cửa mỏ đối với một số cơ sở đã hết hạn khai thác; công tác phối hợp với các sở ban ngành liên quan, địa phương giáp ranh trong công tác bảo vệ khoáng sản trên địa bàn.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng đề nghị huyện khắc phục những tồn tại mà các thành viên đoàn giám sát đã nêu ra; rà soát, đánh giá tình hình chung về việc thực hiện quy hoạch để có định hướng cho việc quản lý trước mắt và lâu dài; tiếp tục tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo từ việc nắm các quy định của pháp luật đến việc thực hiện bài bản trong quản lý khai thác, nâng cao hơn nữa trách nhiệm chính quyền các cấp; quan tâm chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn tình trạng khai thác trái phép, không phép trên địa bàn; bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát trong thười gian sớm nhất. Đối với những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách, pháp luật trong quản lý Nhà nước khoáng sản huyện, đoàn sẽ tiếp thu và gửi đến cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
Đoàn giám sát tại Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng.
Trước đó, đoàn công tác giám sát thực tế tại các cơ sở hoạt động khoáng sản: Mỏ sắt Bản Luộc - Bản Nùng thuộc Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam (Mirex) tại thị trấn và xã Thể Dục (Nguyên Bình); Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng; Nhà máy chế biến quặng chì - kẽm thuộc Hợp tác xã Thanh Kỳ, xóm Lũng Cam, xã Phan Thanh.
Nông Hậu