Bản làng Nghệ An hoang tàn sau lũ dữ

Bản làng Nghệ An hoang tàn sau lũ dữ
16 giờ trướcBài gốc
Quốc lộ 7 sạt lở khiến giao thông bị tê liệt.
Lũ cuốn sập nhà, chỉ kịp chạy thoát thân
Tính đến ngày 25/7, nhiều xã miền núi phía Tây Nghệ An vẫn đang bị chia cắt, cô lập do lũ. Giao thông tê liệt khiến việc tiếp cận các vùng ngập lụt, lũ quét gặp nhiều khó khăn. Tại xã Mỹ Lý, các bản Xốp Dương, Cha Nga, Nhọt Lợt, Piêng Pèn và Phà Chiếng đang bị cô lập.
Bà Kha Thị Lý trú tại bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý thẫn thờ nhìn về khoảng đất trống nơi từng là ngôi nhà của gia đình. Giọng nghẹn lại, bà nói: "Trôi hết cả rồi... Nhà cửa, đồ đạc, quần áo cũng không còn. Giờ không còn gì để mặc, để dùng nữa…".
Xiềng Tắm (Mỹ Lý) nhìn từ trên cao.
Bà Kha Thị Lý trú tại bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý bật khóc khi nói về trận lũ kinh hoàng.
Cùng cảnh ngộ, hàng xóm của bà Lý là bà Lô Thị Tặm bật khóc: "Nước lên nhanh quá, không kịp trở tay. Chạy thoát thôi chứ không mang theo được gì… mất trắng hết rồi".
Bản Cò Hạ, nằm cách trung tâm xã biên giới Nhôn Mai khoảng 10km, có hơn 30 hộ dân sinh sống. Lũ bất ngờ đổ về cuồn cuộn khiến người dân hoảng loạn tháo chạy, không kịp mang theo tài sản. Toàn bản có 5 ngôi nhà bị đánh sập hoàn toàn.
Chị Seo Thị Tuyết, một người dân trong bản vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại giây phút kinh hoàng: "Lúc đó mưa rất to. Chồng đi vắng, chỉ có hai mẹ con ở nhà. Đang loay hoay thì nghe tiếng hàng xóm gọi thất thanh: ‘Tuyết ơi, chạy đi, sập nhà rồi!’. Tôi chỉ kịp nắm tay con chạy ra ngoài thì đất đá ào ào từ trên núi đổ xuống, cuốn phăng cả căn nhà ngay trước mắt…".
Bản làng Nghệ An hoang tàn sau lũ dữ.
Sau ba ngày mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), đến sáng 25/7, tuyến Quốc lộ 7, trục giao thông huyết mạch nối vùng đồng bằng lên các huyện miền Tây Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Mường Xén đã cơ bản được thông tuyến trở lại.
Người dân vùng lũ cần hỗ trợ để tái thiết cuộc sống
Ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết, toàn xã có 162 ngôi nhà bị cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn; 184 căn bị ngập sâu, bùn đất phủ kín từ nền lên tới mái; 12 nhà khác nằm trong khu vực sạt lở.
Trực thăng mang hàng vào vùng lũ Nghệ An ngày 24/7.
Nhiều hộ dân lâm cảnh trắng tay, mất toàn bộ lương thực, quần áo và nhu yếu phẩm. Hiện xã đang bị cô lập hoàn toàn: không điện, không sóng điện thoại, không thể tiếp cận bằng đường bộ. Cuộc sống của gần 1.000 hộ dân bị đảo lộn nghiêm trọng.
Tại xã Nhôn Mai (Tương Dương) giáp ranh xã biên giới Mỹ Lý, tình hình thiệt hại do lũ cũng hết sức nghiêm trọng. Ông Lê Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết, xã đã bị cô lập suốt 3 ngày qua do Quốc lộ 16 bị chia cắt bởi sạt lở nghiêm trọng. Lũ đã cuốn trôi hoàn toàn 28 ngôi nhà, làm hư hại nặng 15 căn khác và đe dọa 12 hộ đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Một người dân đã thiệt mạng, nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy.
"Trước mắt, bà con rất cần nhu yếu phẩm. Về lâu dài, cần nguồn lực để tái thiết cuộc sống, vì nhiều gia đình đã mất trắng tất cả", ông Thái nói.
Lãnh đạo UBND xã Mỹ Lý cho biết, sau lũ đêm 22/7, đường sá, cầu cống hư hỏng nặng khiến nhiều bản, trong đó có bản Cha Nga, bị chia cắt, giao thông lên bản này hiện đã tê liệt hoàn toàn.
Chiều 25/7, nước lũ rút dần khỏi các xã ven sông Lam như Mường Xén, Tam Quang, Tương Dương và Con Cuông (Nghệ An), để lại khung cảnh tan hoang. Nhiều ngôi nhà, tài sản của người dân bị vùi lấp trong lớp bùn đất dày đặc.
Ông Lê Văn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương cho biết, trận lũ lịch sử ngày 22/7 gây thiệt hại nặng nề cho địa phương, khiến gần 3.000 hộ dân bị ngập sâu, tài sản bị cuốn trôi, cuộc sống đảo lộn.
"Qua khảo sát, hiện bà con đang rất cần nhu yếu phẩm, lương thực, và cả tiền mặt để sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống", ông Lương chia sẻ.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, hiện người dân vùng lũ đang rất cần một số nhóm nhu yếu phẩm thiết yếu để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Trong đó, ưu tiên gồm: gạo, mì tôm, lương khô, bánh ngọt, thực phẩm đóng hộp, đồ ăn liền, sữa và các loại rau củ dễ bảo quản.
Một em bé cùng thùng mì vừa được phát cứu trợ.
Nguồn nước sạch cũng là vấn đề cấp bách, bao gồm nước uống đóng chai, thiết bị lọc nước. Các vật dụng phục vụ sinh hoạt như bếp gas mini (phòng trường hợp mất điện, nước), cùng thuốc men cơ bản như thuốc cảm, đau bụng, thuốc sát trùng, đau mắt và các loại thuốc trị bệnh ngoài da do tiếp xúc nước lũ, cũng rất cần thiết.
Về lâu dài, người dân cần hỗ trợ tiền mặt để có thể sửa chữa nhà cửa, mua sắm lại đồ dùng thiết yếu, khôi phục sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp. Đồng thời, cần nguồn lực để tái thiết các công trình công cộng như trường học, đường giao thông, trạm y tế...
Các loại thực phẩm khô, dễ vận chuyển và bảo quản, không cần chế biến cầu kỳ nên được ưu tiên trong giai đoạn hiện tại. Việc tổ chức hỗ trợ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các tổ chức thiện nguyện để đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng thời điểm.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, trong hai ngày 23 và 24/7, hơn 20.000 tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 13,5 tỉ đồng, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão lũ.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến chiều 25/7, nhiều xã bị thiệt hại nặng do mưa lũ vẫn chưa thể gửi báo cáo vì mất điện, mất sóng điện thoại.
Thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ đã khiến 4 người thiệt mạng, 1 người mất tích, 4 người bị thương. Thiên tai cũng gây tổn thất lớn về tài sản người dân và cơ sở hạ tầng của Nhà nước.
Toàn tỉnh ghi nhận 1.170 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 15 điểm trường bị ngập hoặc thiệt hại; gần 9.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng bị ảnh hưởng. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống thông tin liên lạc và nước sinh hoạt cũng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Hiện còn 24 xã trên địa bàn đang bị cô lập hoàn toàn hoặc một phần, ảnh hưởng đến 196 thôn, bản với 18.087 hộ dân (tương đương 79.683 nhân khẩu). Trong đó, có 2 xã bị cô lập hoàn toàn, gồm 41 thôn, bản với 3.518 hộ và 16.474 người dân.
Đến chiều 24/7, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Trung đoàn Không quân 916 triển khai tổ bay vào Nghệ An thực hiện nhiệm vụ cứu trợ. Trực thăng đã đáp xuống sân bay Vinh (Nghệ An) nhận lương thực thực phẩm tiếp tế từ Quân khu 4, sau đó bay đến thả hơn 18 tấn hàng hóa cứu trợ tại các xã Tương Dương, Mường Xén, Mường Típ, Nhôn Mai, Mỹ Lý, Bắc Lý...
Một số hình ảnh do mưa lũ gây ra:
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính thăm hỏi người dân xã Con Cuông bị ngập nhà do lũ.
Một đoạn Quốc lộ 7 dài 300-400m qua xã Tương Dương.
Nhà cửa tan hoang sau cơn lũ ở xã Mỹ Lý.
Mưa lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã làm 5 người chết, mất tích; 24 xã bị cô lập với 18.087 hộ dân.
Hiện, Nghệ An vẫn còn 24 xã bị cô lập hoàn toàn và cô lập một phần với 196 thôn, bản; 18.087 hộ; 79.683 nhân khẩu.
Người dân di chuyển vì nhà cửa đã bị cuốn trôi.
Những gì còn lại khi lũ dữ quét qua...
Hoàng Trinh - V. Đồng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ban-lang-nghe-an-hoang-tan-sau-lu-du-16925072516292889.htm