Mường Lát nỗ lực xóa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết, những hủ tục từng khiến bao phận người chịu thiệt thòi, giờ đang dần bị đẩy lùi nhờ sự vào cuộc bền bỉ, kiên trì của cả hệ thống chính trị, từ những chiến sĩ biên phòng cho đến các già làng, trưởng bản.
Câu chuyện ở Pá Búa, Suối Hộc… không chỉ là hành trình vượt sông, vượt núi mà còn là hành trình vượt định kiến, vượt nghèo khó để tìm đến tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ.
Vượt sông tìm chuyện bản
Chiếc đò của anh Phàng A Thầy tròng trành vượt dòng sông Mã đưa chúng tôi vào Pá Búa - một bản với 100% đồng bào Mông sinh sống thuộc xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Ngồi cùng chuyến đò là Thiếu tá Lê Xuân Lâm - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Thiếu tá Cao Văn Lượng - Đội trưởng Đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Trung Lý), những người lính biên phòng gắn bó hàng chục năm với đồng bào nơi đây.
Pá Búa nằm dọc triền đồi, chia thành ba khu dân cư. Con đường duy nhất đổ bê tông dẫn vào trung tâm bản, còn lại là đường đất pha cát gập ghềnh. Nhà văn hóa bản, nơi đón khách cũng là nơi tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt cộng đồng, trở thành điểm dừng chân đầu tiên.
Bí thư chi bộ Giàng A Này (sinh năm 1993) và Trưởng bản Sùng A Thể (sinh năm 1990) chào đón chúng tôi bằng những cái bắt tay rắn chắc. Giữa tiếng gió hun hút đầu núi và ánh nắng biên cương hanh hao, câu chuyện về hành trình đẩy lùi tảo hôn ở Pá Búa bắt đầu.
Bên hiên nhà sàn, Cứ Thị Giang đang cặm cụi thêu tấm vải thổ cẩm. Bé con nằm ngoan trong chiếc chõng tre. Sinh năm 2000, Giang học hết lớp 12 rồi ở nhà lấy chồng khi mới 19 tuổi. Điều đáng nói, chồng của Giang kém cô hai tuổi và chưa đủ tuổi kết hôn vào thời điểm đó.
Suốt buổi trò chuyện, Giang ít nói, mắt luôn dõi theo từng đường kim mũi chỉ. Tôi cũng không hỏi nhiều, và tự nhủ “nếu Giang không lấy chồng sớm, biết đâu giờ này em đã là sinh viên ở thành phố, đang viết ước mơ đời mình trên giảng đường, thay vì cả ngày lo cơm nước và bỉm sữa cho hai đứa nhỏ”.
Trưởng bản Sùng A Thể thẳng thắn: “Trước kia tảo hôn nhiều lắm, 14-15 tuổi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện vợ chồng. Nhưng giờ bà con hiểu rồi, biết hại cái thân, hại con cháu, nên đã giảm đi nhiều”.
Sự chuyển biến này là kết quả quá trình tuyên truyền kiên trì của chính quyền, thầy cô giáo, cán bộ biên phòng và cả những người con của bản như anh Giàng A Lâu - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý, hay anh Sùng A Páo - cán bộ thống kê xã. Vai trò của những người có uy tín như Phàng A Lồng, Giàng A Nênh… không thể không kể đến.
Rời Pá Búa, chúng tôi tiếp tục hành trình đến bản Suối Hộc, nơi có 54 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu, phần lớn là hộ nghèo. Đi cùng Bí thư chi bộ Lù A Chu, chúng tôi ghé thăm nhà anh Lù A Dính (sinh năm 1983) - ông bố 6 con.
Anh Dính kể, năm 2016, con gái thứ hai của anh là bé Lù Thị Dung khi đó mới 11 tuổi, đã bị một thanh niên ở bản khác dụ dỗ đưa đi làm vợ. May mắn thay, anh kịp báo cho cán bộ bản và xã, phối hợp chặn đường ngăn chặn kịp thời. “May mà mình biết mà báo, chứ không nó đã làm mẹ từ lúc chưa học xong lớp 6 rồi…”, anh Dính trầm giọng.
Mường Lát là huyện biên giới vùng cao với hơn 8.800 hộ dân thuộc 6 dân tộc, trong đó đồng bào Mông chiếm số đông. Với đặc thù địa bàn rộng, giao thông cách trở, trình độ dân trí không đồng đều, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết từng là vấn nạn nhức nhối.
Từ năm 2021-2023, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng, tỷ lệ tảo hôn đã giảm rõ rệt. Nếu năm 2021, toàn huyện có 105 cặp tảo hôn trong tổng số 545 cặp kết hôn (chiếm 19,2%), thì đến năm 2023, con số này chỉ còn 50 cặp/412 (chiếm 12%); hôn nhân cận huyết thống đã không còn.
Tuyên truyền tận nhà, pháp luật đến từng bản
Bà Trương Thị Huyên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: Trong những năm qua, Phòng đã tổ chức hơn 30 buổi tuyên truyền tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, thu hút gần 4.000 lượt học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, còn có hàng chục hội nghị cộng đồng, hàng trăm tờ rơi, pano, sổ tay pháp luật được phát tới từng bản, từng trưởng thôn, già làng…
Đặc biệt, việc triển khai các mô hình điểm ở xã Nhi Sơn và Trung Lý, tổ chức hội thi tuyên truyền, các đợt tham quan học tập mô hình tại tỉnh bạn như Sơn La, Hòa Bình… đã tạo động lực thúc đẩy nhận thức và hành vi của cộng đồng thay đổi.
Hướng tới mục tiêu ngăn chặn hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào năm 2025, huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, kết hợp xử lý vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Các hương ước, quy ước của bản cũng được bổ sung chế tài răn đe rõ ràng.
Cán bộ biên phòng, công an, y tế, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… đồng hành trong từng bước, từng việc nhỏ nhất: Từ tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý miễn phí, tư vấn, giải quyết các tình huống khẩn cấp.
Từ con đò nhỏ trên sông Mã cho đến nhà văn hóa bản giữa sườn đồi, câu chuyện của những đứa trẻ như Cứ Thị Giang, Lù Thị Dung… không còn bị nhấn chìm trong dòng xoáy tảo hôn như trước.
Rời Pá Búa trong chiều muộn, nắng xiên ngang rừng núi, những đứa trẻ chạy theo đò cười giòn giã, ánh mắt sáng trong, với tôi, biên giới vẫn còn gian khó, nhưng khi tri thức được gieo mầm, khi những hủ tục bị đẩy lùi, một thế hệ mới sẽ lớn lên, mạnh mẽ, tự tin bước qua ranh giới số phận.
NGUYỄN LINH