LTS: Thực tiễn sống động tại TPHCM tạo nên những đột phá, lan tỏa và khơi nguồn cho các quyết sách quan trọng cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới. Truyền thống anh hùng, tinh thần khai phóng và sáng tạo là sợi dây kết nối giữa con người trong quá khứ và hiện tại, để TPHCM luôn là ngọn cờ đầu của cả nước. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" lại được vực dậy mạnh mẽ với kỳ vọng đưa TP và cả nước phát triển trong giai đoạn mới.
Loạt bài “Khơi dậy bản lĩnh tiên phong của người Sài Gòn-TPHCM” cùng nhìn lại chặng đường đổi mới gần 40 năm, nhằm phát huy sức mạnh sáng tạo của Thành phố mang tên Bác cho hiện tại và tương lai.
Bài viết đầu tiên trong loạt bài có tiêu đề: “Bài học từ làm “trái quy định” của Dệt Thành Công!"
Thay đổi để tồn tại, hoặc là chết
Phòng truyền thống của Dệt Thành Công, nay là Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, nằm tại sảnh chính của công ty, trang trọng trưng bày những huân chương, huy chương, minh chứng cho những đóng góp của công ty qua 5 giai đoạn phát triển cùng đất nước, như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Huân chương Chiến Công hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Nhất….
Phòng truyền thống của Dệt Thành công giữ một góc trang trọng, ghi lại hành trình phát triển của công ty từ sau giai đoạn giải phóng miền Nam đến nay.
Đặc biệt, nổi bật trong phòng truyền thống là tấm bảng nhựa lớn đóng kính cẩn thận, bên trong treo những tấm hình đen trắng và những tấm hình màu thời đầu.
Chỉ tay vào từng giai đoạn lịch sử, người đàn ông đã gắn bó với Dệt Thành Công từ năm 1991, Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Nhân sự không khỏi xúc động. Thước phim về những giai đoạn khó khăn nhưng hào hùng của Dệt Thành Công cứ thế ùa về.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ: “Đây là giai đoạn 1976-1982, gọi là giai đoạn “đêm trước đổi mới”. Giai đoạn này, công ty đặt tên là “nỗ lực để tồn tại”, không nỗ lực là chết. Đây là giai đoạn đi đầu trong đổi mới. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2006 là giai đoạn mình đầu tư để phát triển”.
Dệt Thành Công, tiền thân là Xưởng dệt Tái Thành, được chủ xưởng hiến tặng cho Nhà nước sau năm 1975. Ngày 16/8/1976, nhà máy chính thức trở thành doanh nghiệp Nhà nước, mang tên Nhà máy Dệt Thành Công. Thời điểm tiếp nhận, nhà máy có 136 máy dệt và khoảng 400 công nhân. Giai đoạn đầu, nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có, nhà máy hoạt động khá tốt.
Tuy nhiên, đến năm 1978, khi nguồn nguyên liệu dự trữ cạn kiệt, Nhà nước không thể cung cấp đủ, cùng với tình trạng thiếu phụ tùng và máy móc hư hỏng, Dệt Thành Công rơi vào tình trạng khó khăn. Đến năm 1979, một nửa số máy móc của nhà máy phải ngừng hoạt động. Bế tắc của Dệt Thành Công phản ánh khó khăn chung của TPHCM sau chiến tranh và cơ chế bao cấp.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Nhân sự Công ty Dệt Thành Công
Ông Nguyễn Hữu Tuấn nhớ lại: "Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên được các cô chú kể lại rằng: Đó là giai đoạn khó khăn, tạo áp lực lớn đối với lãnh đạo công ty, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Đồng, Bí thư Đảng ủy Công ty. Để tìm phương án, đã có những buổi làm việc căng thẳng. Bà Đồng thậm chí đã có lúc lên cơn đau tim, suýt đột quỵ. Những lúc đồng chí Võ Văn Kiệt về Dệt Thành Công, ông làm việc đến tận khuya và cùng ăn cơm với công nhân. Những điều này khiến thế hệ sau vô cùng nể phục và ngưỡng mộ”.
"Thay đổi để tồn tại, hoặc là chết", thực tế buộc lãnh đạo nhà máy quyết định "vượt rào" cơ chế bằng mô hình "xuất khẩu tam giác", đồng thời triển khai phương án kinh doanh A và phương án kinh doanh B.
Theo đó, ngoài sản xuất theo kế hoạch nộp sản phẩm cho Nhà nước, nhà máy còn khuyến khích công nhân sản xuất một phần để bán ra thị trường.
Để có vốn, Dệt Thành Công vay 1,8 triệu USD từ Vietcombank, nhập khẩu phụ tùng, thay thế thiết bị hư hỏng, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vải. Số vải sản xuất theo kế hoạch B được bán cho các công ty du lịch, Cảng Sài Gòn và công ty thủy sản. Các công ty này trả lại ngoại tệ cho Dệt Thành Công để mua sắm, thay thế thiết bị, nguyên liệu, khôi phục sản xuất.
"Công ty, bên cạnh việc sản xuất và bàn giao sản phẩm theo kế hoạch cho Nhà nước, còn tiến hành bán một phần sản phẩm ra thị trường tự do. Hành động này, mặc dù không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành lúc bấy giờ, lại là một bước tiến phù hợp với xu thế thị trường. Ban lãnh đạo công ty phải đối mặt với áp lực nặng nề và nguy cơ rủi ro cá nhân cao nếu thất bại. Trong quá trình triển khai, công ty đã phải làm việc với nhiều đoàn thanh tra từ Chính phủ. Với mục tiêu khôi phục hoạt động sản xuất của nhà máy, đảm bảo lợi ích cho người lao động và Nhà nước, ban lãnh đạo đã không ngần ngại gánh vác trách nhiệm và rủi ro, quyết tâm thuyết phục cấp trên phê duyệt phương án”, ông Nguyễn Hữu Tuấn kể.
Sản xuất gắn với thị trường "đêm trước đổi mới"
Từ thành công ban đầu, Dệt Thành Công tiếp tục tiên phong thử nghiệm mô hình sản xuất kinh doanh gắn với thị trường. Lãnh đạo nhà máy kiến nghị và được chấp thuận cơ chế hoạt động riêng: không nhận nguyên liệu từ Nhà nước, sản phẩm làm ra được bán theo giá công ty quy định. Công ty cũng được phép xuất khẩu, thu ngoại tệ và quyết định mức lương cho nhân viên.
Ông Nguyễn Văn Linh thăm nhà máy Dệt Thành Công (Ảnh: Dệt Thành công cung cấp)
Khi phương án được các nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới ủng hộ, Dệt Thành Công hoàn toàn tự chủ trong mua nguyên phụ liệu, hóa chất, vực dậy sản xuất. Năm 1981, nhà máy thu về 3 triệu USD ngoại tệ, lương công nhân cao hơn nhiều so với các công ty khác.
Dệt Thành Công tạo bước đột phá trong cơ chế sản xuất kinh doanh và đầu tư, tự trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại theo phương thức tự vay tự trả. Thành công của Dệt Thành Công thu hút sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Dệt Thành Công chỉ là một trong những câu chuyện điển hình về việc dám "vượt rào", "phá rào" chính sách của doanh nghiệp ở TPHCM giai đoạn "đêm trước đổi mới". Từ Dệt Thành Công, Dệt Phong Phú, Dệt Thắng Lợi, Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp Thuốc lá… đến các hoạt động "giao thương chui" ở chợ Dân Sinh, chợ Nhật Tảo, mở đường cho đất nước bước vào giai đoạn đổi mới.
Trong thời điểm, khi Trung ương chưa có giải pháp thích hợp, những con người ở TPHCM "đêm trước đổi mới " đã "xé rào" để tìm đường đi, tìm giải pháp, cách thức mới, với mục tiêu cao nhất là người dân ấm no, đất nước phát triển.
Tiến sĩ Lê Hữu Phước, Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM
Tiến sĩ Lê Hữu Phước, Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phân tích: "Yếu tố quan trọng nhất của những con người này là dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Họ có kinh nghiệm thực tiễn, đã trải qua và thấu hiểu nền kinh tế thị trường cùng các quy luật vận hành của nó. Chính sự am hiểu đó đã giúp họ mạnh dạn phá bỏ rào cản của cơ chế quan liêu bao cấp. Như ông Nguyễn Văn Linh từng nói, 'Chúng ta trong 10 năm đó, thừa nhiệt tình, nhưng thiếu kiến thức'. Những con người này, với kiến thức nhất định về kinh tế thị trường, đã góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới."
"Vượt rào", "xé rào", dám đi ngược dòng chảy chính sách để tìm kiếm lối đi mới là con đường Dệt Thành Công chọn. Chìa khóa thành công của Dệt Thành Công và doanh nghiệp ở TPHCM trong "đêm trước đổi mới" là nhờ những con người can đảm, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Chợ Nhật Tảo, dấu tích xưa của thời bao cấp nay đã thay đổi rất nhiều
Tố chất của người Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh là sự sáng tạo, phóng khoáng, nghĩa tình. Chính nơi đây đã tạo nên những phát kiến, mở đường cho nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, sau đó lan rộng ra, đưa đất nước vào giai đoạn đổi mới.
Bài hai của loạt bài “Khơi dậy bản lĩnh tiên phong của người Sài Gòn-TPHCM” sẽ kể về câu chuyện này.
Việt Đức-Hà Khánh-Vinh Quang/VOV-TP.HCM