Aditi Bharade (Singapore), cây viết từ Business Insider, chuyên viết về hành vi tiêu dùng, chi tiêu bán lẻ và xa xỉ, đã bật cười khi xé bao bì của “Lafufu”, bản sao của Labubu, nhân vật đồ chơi nổi tiếng đến từ hãng Pop Mart (Trung Quốc).
Cô mua món hàng này với giá 9,77 SGD (khoảng 7,6 USD) trên sàn thương mại điện tử Shopee.
“Lafufu” là biệt danh mà cộng đồng mạng, đặc biệt trên TikTok, đặt cho những phiên bản nhái của Labubu.
So với Labubu chính hãng, đồ chơi này có các lỗi như khuôn mặt méo, nụ cười kỳ quái, đôi tay gắn ngược, lông thô ráp, “đầu hói”, và khớp chân tay kém linh hoạt. Trong khi bản gốc có lớp sơn mịn màng, chất liệu chắc chắn và mái lông dày dặn, Lafufu trông như một “người anh em họ” được sản xuất vụng về.
Dù vậy, theo Aditi Bharade, bao bì của Lafufu lại trông khá “xịn”, thậm chí còn được tặng kèm một sticker Labubu.
Sức hút kỳ lạ của Lafufu
Trên các sàn thương mại điện tử, đồ chơi bản sao này được bán với giá khoảng 0,6-9,77 SGD (khoảng 0,5-7,6 USD), thấp hơn nhiều so với mức 24,9 SGD (khoảng 19,4 USD) của Labubu chính hãng.
Bên cạnh đó, việc mua Lafufu chỉ mất vài phút, khác xa cảnh xếp hàng dài tại các cửa hàng Pop Mart. Năm 2024, dòng đồ chơi The Monsters của Pop Mart, với Labubu là ngôi sao, đạt doanh thu 3,04 tỷ NDT (khoảng 426 triệu USD), đưa cổ phiếu công ty tăng hơn 530 %.
Trong khi một số người chọn Lafufu như một lựa chọn thay thế rẻ tiền, không ít người lại cố ý săn lùng phiên bản giả vì tính độc lạ và hài hước.
Đồ chơi Lafufu được người chơi sưu tầm vì các lỗi sản xuất. Ảnh: Aditi Bharade, Reddit.
“Trong khi ai cũng có thể mua Labubu thật nếu đủ tiền, việc sở hữu một con Lafufu độc lạ, với trang phục hay biểu cảm lạ lùng, lại đòi hỏi gu thẩm mỹ, sự kiên nhẫn và đôi khi là chút ‘mánh khóe’ để tìm được", Joey Khong, quản lý xu hướng tại công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh), chia sẻ.
Miabella Rivera, sinh viên năm nhất tại San Diego (California, Mỹ), mua Lafufu với giá 12 USD vì Labubu thật quá khó để mua.
“Con của tôi còn không có mắt, tôi phải tự dán thêm. Nhưng kết quả lại dễ thương bất ngờ", cô chia sẻ.
Tại Los Angeles (Mỹ), Renn Lazzerin, chuyên viên phân tích hành vi trẻ em, đã mua tới 2 đồ chơi Lafufu. Con đầu tiên là kết quả của một lần bị lừa mua hàng giả, nhưng sau đó, cô cố ý mua thêm con thứ hai vì “nó xấu xí đến mức gây nghiện”.
“Mắt thì lồi ra, má bị tô lem, răng thì in sai vị trí. Nhưng cảm giác có một món đồ xấu đến mức kỳ quặc lại khiến tôi thấy vui", cô nói.
Bản sao thúc đẩy hàng thật
Dù là hàng nhái, Lafufu lại góp phần giúp Labubu thật được chú ý nhiều hơn.
“Việc chia sẻ, chế ảnh và đùa giỡn về Lafufu trên mạng xã hội đã khiến nhiều người biết đến Labubu chính hãng hơn", Kanaprach nhận xét.
Một số người thậm chí còn chuyển từ Lafufu sang mua đồ thật vì không hài lòng. Kimberly Hernandez, trợ giảng tại Los Angeles, nói rằng cô chỉ cảm thấy thỏa mãn sau khi mua thêm Labubu chính hãng.
Tuy nhiên, sự phổ biến của hàng giả cũng mang đến rủi ro. Kanaprach cảnh báo rằng nếu thị trường tràn ngập hàng nhái chất lượng cao, Pop Mart có thể mất dần sự độc quyền và niềm tin từ người hâm mộ.
Lafufu giúp thương hiệu Pop Mart luôn “nóng” trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Pop Mart Australia.
“Pop Mart cần giữ sự độc đáo bằng cách liên tục ra mắt thiết kế mới, giới hạn số lượng và nhắc nhở người tiêu dùng tại sao Labubu chính hãng vẫn đáng giá", cô nói.
Austin D'Souza Giám đốc điều hành cửa hàng sưu tầm Ozzie Collectables tại Australia cho biết đồ chơi Labubu chính hãng được sản xuất bằng vật liệu chất lượng cao và thiết kế sáng tạo. Trong khi đó, hàng nhái thường có đóng gói kém tinh tế và nhiều sai sót dễ nhận ra.
Riêng Aditi Bharade, dù chưa từng sở hữu Labubu thật, cô vẫn hài lòng với Lafufu giá rẻ nhưng có diện mạo vui vẻ.
Như Phương