Học sinh ở TP. Phan Thiết về thăm Khu di tích
Từ TP. Phan Thiết ngược lên Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ thuộc địa bàn xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc khoảng 65 km, vừa bước xuống xe, mọi người trong đoàn tham quan đều có chung cảm nhận yên bình của một sớm mai trong lành ngày cuối tuần. Giữa không gian rộng hơn 10 ha, trên đầu những tán cây đan cài xòe che ánh nắng nên có đi tới góc nào cũng thấy dễ chịu. Có lẽ vì điều này mà trong năm 2024, các đoàn khách đến thăm, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm tại Khu di tích không ngừng tăng. Theo Ban Quản lý Khu di tích, trong năm đã đón 215 đoàn với hơn 17.000 lượt khách (đạt 171% chỉ tiêu). Ngoài học sinh, học viên, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh còn có các công ty du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng…
Các cơ quan, đoàn thể tổ chức về nguồn
Ông Võ Cáp – Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cho biết: Đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên tại Khu di tích luôn cố gắng không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và những phương pháp đổi mới để du khách có thể tham quan được nhiều loại hình. Cụ thể năm 2024, Khu di tích thay đổi, bổ sung hình ảnh, hiện vật trưng bày, gia cố đai trưng bày tại Nhà tưởng niệm - Trưng bày Khu di tích. Đồng thời, sưu tầm thêm 20 hiện vật của cán bộ, chiến sĩ Cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là các hiện vật gắn bó với đời sống sinh hoạt, tinh thần của cán bộ chiến sĩ nơi chiến trường, như chiếc Radio và đồng hồ Selko của đồng chí Lê Ngọc Liên (xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh), nguyên là cảnh vệ Cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1961-1975; chiếc võng dù, bi đông đựng nước, ca US và chiếc muỗng inox của bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận từ năm 1968-1975; dao cạo râu của Mỹ, là chiến lợi phẩm ông Lê Văn Liêu thu được trong trận đánh chống càn năm 1972 tại hồ Biển Lạc - Tánh Linh…
Du khách xem các hình ảnh được trưng bày trong Nhà tưởng niệm - trưng bày
Ngoài ra, Ban quản lý còn sưu tầm được 2 mẩu chuyện kể về liệt sĩ Võ Dân - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và kể về giai đoạn sau năm 1970 đói khổ, để phục vụ công tác thuyết minh.
Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin và thuyết minh các điểm di tích, Ban quản lý đã nghiên cứu tài liệu, biên tập viết bài giới thiệu tổng thể, cụ thể về nội dung trưng bày để tạo mã QR. Thực hiện thuyết minh tự động tại Nhà trưng bày, các hầm trú ẩn, lán trại của đồng chí bí thư, phó bí thư, chánh văn phòng, bếp Hoàng Cầm, hội trường vào các thời điểm thích hợp. Song song đó, tạo địa chỉ google business Khu căn cứ Tỉnh ủy và trang bị màn hình cảm ứng trưng bày tư liệu hình ảnh phục vụ du khách tham quan được thuận lợi.
Đoàn viên thanh niên trồng cây ăn trái tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ
Cũng theo ông Võ Cáp, hiện dự án đầu tư một số hạng mục phục vụ hoạt động của Ban Quản lý Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ đã được trình Sở Kế hoạch và Đầu tư và đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương. Trong đó sẽ đầu tư xây dựng mới hệ thống đường dây trung thế 1 pha, trạm biến áp từ xã Đông Giang vào Khu di tích và một số hạng mục phụ trợ, cung cấp lắp đặt thiết bị tại Khu di tích như tường rào bảo vệ di động, nhà bảo vệ, hệ thống thuyết minh tự động, camera giám sát, xe điện trung chuyển… với tổng mức đầu tư dự án hơn 27 tỷ đồng, thời gian triển khai dự kiến trong năm 2024 và 2025. Khi công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý hoạt động và du khách di chuyển, tương tác.
Với ý nghĩa văn hóa, lịch sử của Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh và Ban quản lý khu di tích đang tiếp tục quảng bá, tuyên truyền, đầu tư tôn tạo với hy vọng Khu di tích trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh tìm về.
THÙY LINH