HĐND thành phố Hải Phòng thông qua chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đàm Thanh
Với tỷ lệ tán thành tuyệt đối, HĐND thành phố Hải Phòng đã thông qua chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Hải Dương và diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Hải Phòng. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, thành phố Hải Phòng.
Giữ bản sắc, khai phóng động lực công nghiệp vùng
Về cơ sở đề xuất phương án, lựa chọn tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh sau sắp xếp, đáng chú ý: cả hai tỉnh, thành phố đều là các địa bàn công nghiệp trọng điểm. Tỉnh Hải Dương hiện có 542 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn hơn 10,3 tỷ USD, nhiều khu công nghiệp lớn đang thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư; tỉnh đặt mục tiêu đến 2030 phát triển 33 khu công nghiệp và một khu kinh tế chuyên biệt dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong khi đó, thành phố Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục 10 năm, cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm tới ~53% GRDP, thu hút nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, ô tô, thiết bị điện.
Theo đánh giá, việc lựa chọn tên gọi ĐVHC sau hợp nhất là thành phố Hải Phòng kế thừa lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời; gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng. Theo đó, Hải Phòng có nhiều yếu tố lịch sử - văn hóa quan trọng để trở thành tên gọi chung, như: có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là cửa ngõ quân cảng từ thời phong kiến, có vai trò chiến lược trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ; là đô thị lớn từ thời Pháp thuộc được quy hoạch theo mô hình thành phố cảng hiện đại; là biểu tượng của ý chí kiên cường, gắn liền với những dấu ấn lớn của dân tộc (Bạch Đằng Giang, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không...). Do vậy, việc giữ tên Hải Phòng cho tỉnh mới sẽ giúp duy trì bản sắc lịch sử - văn hóa, tạo ra sự tự hào và gắn kết tinh thần cho người dân.
Hải Phòng là địa danh có tính thương hiệu cao, nổi tiếng cả trong nước và quốc tế với các Danh xưng “Thành phố Cảng”, Thành phố hoa Phượng đỏ”, “Thành phố du lịch biển”,...: Thành phố Hải Phòng là 1 trong 6 thành phố trực thuộc trung ương, nằm ở vị trí chiến lược có thể kết nối trực tiếp với các thị trường quốc tế thông qua đường biển và hàng không; với hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc (đặc biệt là cảng nước sâu Lạch Huyện), đồng bộ, hiện đại, nổi bật trong giao thương quốc tế, hậu cần (logistics), thương mại, là huyết mạch xuất nhập khẩu của miền Bắc. Đồng thời, là trung tâm công nghiệp, logistics, hàng không, du lịch biển giúp Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng trọng điểm, không chỉ của Bắc Bộ mà còn của cả quốc gia. Với quy mô kinh tế vượt trội, thành phố Hải Phòng có GRDP trên 445.000 tỷ đồng (2024). Do vậy, đặt tên thành phố mới với tên gọi khác sẽ không phản ánh đúng bản chất kinh tế của khu vực sau sáp nhập.
Kỳ họp thứ 25 diễn ra trong thời điểm đặc biệt quan trọng, khi toàn hệ thống chính trị thành phố đang tập trung triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh Hải Dương với thành phố Hải Phòng. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính đặt trọng tâm vào nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy nguồn lực địa phương, tạo điều kiện xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Các địa phương trên toàn thành phố đã rà soát, tổ chức lấy ý kiến cử tri dân chủ, công khai và minh bạch, với kết quả đồng thuận rất cao - nhiều nơi đạt trên 99% cử tri nhất trí phương án sắp xếp.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập
Trung tâm hành chính mới, động lực kinh tế tương lai
Khu đô thị Bắc Sông Cấm nằm ở vị trí trung gian giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, phía Đông giáp với đô thị trung tâm Hải Phòng, tận dụng tối đa hạ tầng hiện đại và các khu công nghiệp lớn; phía Tây kết nối trực tiếp với Hải Dương, giúp duy trì sự liên kết giữa hai khu vực trung tâm cũ; phía Bắc giáp Quảng Ninh, có tiềm năng mở rộng và liên kết vùng với một trong những trung tâm kinh tế mạnh nhất miền Bắc; phía Nam nằm gần khu vực lõi đô thị Hải Phòng, vừa duy trì kết nối với cảng biển, vừa tránh áp lực đô thị quá tải.
Thành phố Thủy Nguyên hiện đã có sẵn hệ thống giao thông phát triển mạnh, với: cầu Hoàng Văn Thụ và cầu Bính kết nối trực tiếp với trung tâm Hải Phòng, bảo đảm sự liên thông hành chính và phát triển kinh tế; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hải Dương giúp Thủy Nguyên dễ dàng tiếp cận Thủ đô Hà Nội và các khu vực kinh tế trọng điểm của miền Bắc; Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái: mở ra cơ hội phát triển kinh tế và liên kết với khu vực biên giới; Quốc lộ 10 và Quốc lộ 5: đóng vai trò trục giao thông quan trọng. Khu đô thị Bắc sông Cấm còn nằm gần sân bay quốc tế Cát Bi và hệ thống cảng biển Hải Phòng, giúp nâng cao khả năng kết nối với các địa phương trong, ngoài nước.
Khu đô thị Bắc Sông Cấm không chỉ có vai trò hành chính mà còn là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của Hải Phòng. Với động lực kinh tế mạnh, Thủy Nguyên có khả năng đóng vai trò điều phối phát triển kinh tế cho toàn bộ thành phố khi sáp nhập, thay vì chỉ đơn thuần là một trung tâm hành chính…
Kỳ họp thứ 25 khép lại, mở ra một giai đoạn phát triển mới với nhiều vận hội và cũng không ít thách thức. Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập tin tưởng: với truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới và quyết tâm chính trị cao của toàn hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng của Nhân dân, thành phố Hải Phòng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới.
HẢI AN - BÁCH HỢP