Thị trường chứng kiến sức ép rất mạnh sáng nay, hiếm hoi mới có cổ phiếu đi ngược dòng.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn sáng nay tăng vọt 74% so với hôm qua và đạt đỉnh 5 tuần cùng với diễn biến giảm giá sâu la liệt trên bảng điện. Đây là biểu hiện rõ nhất của hoạt động bán tháo. VN-Index có lúc gãy luôn cả ngưỡng 1220 điểm xuống sâu nhất 1217,03 điểm, giảm 1,21% (-14,9 điểm) trước khi hồi nhẹ trở lại.
Chốt phiên sáng chỉ số dừng ở 1220,42 điểm, còn giảm 11,47 điểm (-0,93%). Độ rộng cực hẹp với 37 mã tăng/326 mã giảm, trong đó tới 190 mã giảm quá 1%. Ngay cả phiên giảm mạnh hôm qua cũng không có nhiều cổ phiếu rơi sâu như vậy.
Điều còn may cho VN-Index là vẫn có trụ chưa tham gia tạo sức ép. Cổ phiếu lớn nhất thị trường là VCB mới giảm nhẹ 0,22%. Trong cả phiên sáng, cổ phiếu này dao động rất hẹp. HPG đang có những nỗ lực hồi lại, lúc chạm đáy giảm 1,14% nhưng hiện chỉ còn -0,38%. GAS giống VCB, dao động nhẹ trong phiên và chỉ giảm 0,29%. Hai trụ còn xanh là VHM tăng 0,12%, VIC tăng 0,25%. Đây đều là những cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa lớn nhất của VN-Index. Ngoài ra rổ VN30 có 2 mã khác cũng tăng là VRE tăng 1,1% và SSB tăng 0,3%.
Sức ép của các cổ phiếu blue-chips đã khiến chỉ số VN30-Index thủng đáy tháng 9/2024 và chốt phiên sáng giảm 0,89% so với tham chiếu. VN-Index dĩ nhiên đã phá đáy tháng 9 từ hôm qua, sáng nay rơi hẳn xuống vùng 1220 điểm.
Tình trạng khó khăn của các chỉ số đại diện khiến tâm lý chung rất bi quan. Nhìn từ độ rộng, suốt cả phiên bên đỏ áp đảo hoàn toàn và càng về cuối càng tệ. Midcap giảm 1,5%, Smallcap giảm 1,53% cho thấy các cổ phiếu vừa và nhỏ đang chịu tác động mạnh hơn blue-chips. Điều này cũng không có gì lạ vì nhóm này chỉ đi ngược dòng khi chỉ số được giữ vững. Khi tâm lý hoảng loạn, các mã nhỏ rất dễ bị bán tháo vì dòng tiền bốc hơi rất nhanh.
Trong 190 cổ phiếu giảm quá 1% ở HoSE sáng nay khoảng 100 mã giảm trên 2%. Giao dịch rất lớn xuất hiện ở SSI với 283,9 tỷ đồng, giá giảm 2,83%; HCM với 197,8 tỷ, giá giảm 2,77%; VIX với 162,2 tỷ, giá giảm 2,32%; HDB với 143,3 tỷ, giá giảm 2,18%; CMG với 122,1 tỷ, giá giảm 3,51%; DBC với 111,3 tỷ, giá giảm 2,62%; HSG với 104,3 tỷ, giá giảm 2,62%...
Các cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán tháo tuy thanh khoản không quá lớn nhưng giá giảm rất mạnh như ST8 giảm 5,2%, KDH giảm 3,75%, CNG giảm 3,64%, CSV giảm 3,58%, VOS giảm 3,57%, CTS giảm 3,5%, BMP giảm 3,4%...
Khoảng 8 phút cuối phiên sáng lực cầu bắt đáy có tín hiệu mạnh lên một chút, cổ phiếu bắt đầu thoát đáy giúp VN-Index lấy lại được hơn 3 điểm. Rổ VN30 có một số mã hồi khá tốt như GVR lấy lại 1,14% so với giá thấp nhất, SSB đảo chiều 1,51% thành tăng 0,3%. Các trụ như VCB, TCB, CTG cũng nhích giá lên. Thống kê rổ này hiện chỉ còn GAS là chốt ở giá thấp nhất, còn lại đều hồi 1-2 bước giá hoặc nhiều hơn.
Lực cầu này vẫn còn rất thận trọng, một phần vì thời gian hồi quá ngắn đã đến giờ nghỉ. Tính chung cả sàn HoSE cũng chỉ mới có khoảng 70 cổ phiếu phục hồi được hơn 1% so với giá đáy của phiên, tương đương 20% số cổ phiếu có giao dịch.
Nhóm đi ngược dòng thống kê được 37 mã và chỉ có KBC tăng 1,4% thanh khoản 172,5 tỷ; VRE tăng 1,1% khớp 108,2 tỷ; SZC tăng 0,97% với 84,3 tỷ; VHC tăng 0,81% với 54,8 tỷ là đáng chú ý.
Sự hoảng loạn trên thị trường đang ở mức rất cao và lúc này tín hiệu quan trọng nhất là dòng tiền bắt đáy sẽ hành động như thế nào. Vài phút cuối phiên sáng không phải là quãng thời gian đủ dài để đánh giá độ tin cậy về khả năng phục hồi. Chiều nay sức ép còn mạnh nữa khi có thêm lượng hàng lỗ mới về tài khoản.
Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang quay lại giải ngân khá tốt, dù tổng thể vẫn là bán ròng. Cụ thể, khối này đã mua trên HoSE tới 1.114,2 tỷ đồng tăng 77% so với sáng hôm qua. Mức bán ra đạt 1.502,7 tỷ, tăng 39%. Giá trị bán ròng tương ứng 388,5 tỷ đồng. Khối này xả lớn nhất FPT -195,5 tỷ, SSI -90,4 tỷ, VNM -46,6 tỷ, VHM -27,4 tỷ, HCM -26,3 tỷ, HPG -25,7 tỷ, MWG -20 tỷ. Bên mua ròng có ILB +31,8 tỷ, KBC +29,5 tỷ.
Kim Phong