Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cho ý kiến về tên xã, tên phường gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cho ý kiến về tên xã, tên phường gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa
8 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng chủ trì cuộc họp chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương về việc xem xét, lựa chọn đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Sáng 23/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương họp xem xét, lựa chọn đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu cho ý kiến cụ thể vào một số dự kiến tên gọi xã, phường và lưu ý việc triển khai lấy ý kiến cử tri, nhân dân phải rất khẩn trương, thấu đáo
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo đề xuất phương án điều chỉnh tên 64 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thảo luận, góp ý vào dự kiến tên của từng địa phương.
Các tên xã, tên phường dự kiến được chọn lọc kỹ lưỡng, gắn với các địa danh nổi tiếng, danh nhân văn hóa, vị trí địa lý, giá trị truyền thống, văn hóa, có kiến giải cụ thể và đặc biệt là dự báo sẽ được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng tên gọi các xã, phường sau sắp xếp vì việc này có ý nghĩa hàng trăm năm
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng biểu dương, ghi nhận các địa phương, đơn vị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh đã tập trung nghiên cứu, đề xuất những tên gọi phù hợp, gần gũi, gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa các địa phương và thuận lợi cho người dân.
Ngay sau cuộc họp, các cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, khẩn trương hoàn thành, thực hiện đồng bộ, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra và kịp tiến độ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kỳ họp HĐND tỉnh thông qua, hoàn thành đề án trình Trung ương trước ngày 1/5 theo yêu cầu.
Đối với các vấn đề phát sinh khi thực hiện, các đồng chí lãnh đạo địa phương kịp thời báo cáo đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương để giải quyết kịp thời, thấu tình, đạt lý.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung công tác tuyên truyền, chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Ninh Giang Phạm Văn Khảnh phát biểu ý kiến về việc tuyên truyền, lấy ý kiến cử tri vào phương án đặt tên mới
Như tin đã đưa, ngày 22/4, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp gắn với địa danh lâu đời, danh nhân tiêu biểu, phù hợp với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân đồng tình (thay cho dự kiến đặt tên theo tên huyện, thành phố, thị xã gắn với số thứ tự).
Chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy được cử tri, nhân dân đồng thuận rất cao, cho thấy các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lắng nghe ý kiến của cử tri, cân nhắc, nắm bắt, áp dụng những cách làm hợp lý từ các địa phương bạn. Việc này không chỉ thể hiện tinh thần cầu thị mà còn thể hiện sự dũng cảm, quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành.
Nghị quyết số 76 ngày 14/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp năm 2025 nêu: tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Nghị quyết này, cũng như gợi ý trước đó của Bộ Nội vụ cũng đề cập đến việc khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
Vì sao lại khuyến khích đặt tên gắn với tên đơn vị hành chính cấp huyện cũ? Đó là bởi khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các tên huyện sẽ không còn nữa. Giữ lại tên huyện để dễ khoanh vùng các xã thuộc cùng địa bàn cũ, dễ cập nhật dữ liệu thông tin. Đây cũng là cách để hoài niệm tên gọi về một vùng đất rộng hơn từng tồn tại trong tâm khảm nhiều thế hệ.
Thế nhưng khi gắn với các con số, các tên xã, phường mới theo cách này lại chưa bảo đảm được yêu cầu thứ nhất, đó là “dễ nhớ”, “phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương” và “được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Vì vậy, việc thay đổi, đặt tên xã mới, phường mới gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa, danh nhân là cách làm phù hợp hơn, mang giá trị lâu dài và tạo được sự đồng tình cao hơn.
PHONG TUYẾT
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/ban-thuong-vu-tinh-uy-hai-duong-cho-y-kien-ve-ten-xa-ten-phuong-gan-voi-dia-danh-lich-su-van-hoa-410070.html