Bản tin trưa 20/5: Quốc hội thảo luận chế tài ngăn chặn 'vốn ảo', 'doanh nghiệp ma'

Bản tin trưa 20/5: Quốc hội thảo luận chế tài ngăn chặn 'vốn ảo', 'doanh nghiệp ma'
9 giờ trướcBài gốc
Quốc hội thảo luận chế tài ngăn chặn “vốn ảo”, “doanh nghiệp ma”
Ngày 20/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Dự thảo Luật bổ sung các quy định để tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ theo cam kết, doanh nghiệp có vốn ảo, kê khai khống vốn điều lệ.
Theo cơ quan soạn thảo, thời gian qua có tình trạng "vốn ảo", "đăng ký khống vốn điều lệ", "thành lập doanh nghiệp ma" hoặc tình trạng "núp bóng" tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối doanh nghiệp nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tiền, tài sản thông qua các hoạt động của doanh nghiệp như mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Do đó, việc bổ sung các quy định trên nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm đối với các nội dung "hậu kiểm" nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Đề xuất Ngân hàng Nhà nước quyết cho vay đặc biệt không có tài sản đảm bảo, lãi suất 0%
Sáng 20/5, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện thẩm quyền cho vay đặc biệt 0% một năm, không có tài sản đảm bảo là của Thủ tướng. Nhưng ở lần sửa luật này cơ quan quản lý đề xuất phân quyền quyết việc này cho Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, dự thảo luật đề xuất Ngân hàng Nhà nước được quyết định cho vay tổ chức tín dụng vay đặc biệt có hoặc không có tài sản bảo đảm. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc, với mức lãi vay 0% một năm.
Các tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp trả cho người gửi tiền khi họ bị rút tiền hàng loạt; thực hiện phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc. "Việc chuyển thẩm quyền từ Thủ tướng sang Ngân hàng Nhà nước nhằm triệt để phân cấp, phân quyền, giảm bớt khâu trung gian, từ đó rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm việc thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống tín dụng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu.
Bình Thuận đề xuất lấn gần 85ha mặt biển để mở đường ven Phan Thiết
UBND tỉnh Bình Thuận vừa đề xuất lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về Dự án tuyến đường ven biển qua TP. Phan Thiết.
Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài 14,6km, điểm đầu tại vòng xoay đường ĐT 706B (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết), điểm cuối tại khu vực dốc Campuchia (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết). Tuyến đường được thiết kế 6 làn xe cơ giới, vỉa hè và dải phân cách; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.493 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2025-2030.
Đây được xem là công trình giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2026-2030 của tỉnh Bình Thuận, giúp kết nối các tuyến đường ven biển ở khu vực phía Bắc và Nam tỉnh Bình Thuận. Để thực hiện Dự án, chủ đầu tư đề xuất được san lấp khoảng 84,8ha biển để xây dựng đường và hình thành các khu công viên cảnh quan ven biển. Một cầu vượt sông Cà Ty cũng được đề xuất xây dựng tại khu vực phường Phú Hài.
Sân bay Liên Khương dự kiến đóng cửa 6 tháng
Sân bay Liên Khương kết nối với TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) dự kiến đóng cửa 6 tháng để nâng cấp đường băng, đường lăn, với tổng kinh phí 1.045 tỷ đồng. Thông tin được nêu trong kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng tại cuộc họp liên quan Dự án sửa chữa đường băng, đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Hiện thời gian cụ thể đóng cửa sân bay chưa ấn định.
Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh lên chiều dài 3.250m, rộng 45m cùng sân quay đầu. Các đường lăn E1, E2, hệ thống liên quan đường băng, dải hãm phanh hai đầu đường cất hạ cánh cũng được nâng cấp; bổ sung hệ thống thoát nước, đèn hiệu, biển báo hàng không...
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị, chủ đầu tư lựa chọn thời điểm đóng cửa sân bay hợp lý, tránh mùa cao điểm du lịch để giảm tác động đến người dân, doanh nghiệp và kinh tế địa phương.
TP.HCM có thêm công viên 20.000 m2
Dự án công viên rộng gần 20.000m2 ở xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) giúp tăng mảng xanh, không gian công cộng cho khu vực. Công trình bao gồm nhiều phân khu như: vui chơi, giải trí, thể dục thể thao. Bên trong công viên được xây dựng các đường đi dạo, trồng cỏ, cây cảnh, hệ thống tưới, chiếu sáng, lắp đặt trò chơi thiếu nhi, dụng cụ thể thao... Dự án cũng bao gồm xây dựng nhà vệ sinh cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác.
Ngoài ra, ở trung tâm công viên sẽ bố trí quảng trường để tổ chức các sự kiện ngoài trời của địa phương, sinh hoạt cộng đồng... Tổng mức đầu tư dự án gần 22 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Ông Đậu An Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, dự án khi hoàn thành giúp cải tạo cảnh quan, môi trường, chỉnh trang đô thị và phục vụ nhu cầu của người dân, trong điều kiện khu vực đang thiếu mảng xanh.
Trung Quốc đưa vào hoạt động tuyến tàu chở hàng kết nối với ASEAN
Chi nhánh Quảng Tây của Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc vừa tổ chức chuyến tàu chuyên chở 700 tấn ván ép, khởi hành từ cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) đến ga An Viên của Việt Nam.
Sự kiện này đánh dấu việc chính thức khai thông tuyến vận tải hàng hóa xuyên biên giới giữa Trung Quốc với các nước ASEAN bằng đường sắt do Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc tổ chức.
Trước đây, logistics xuyên biên giới chủ yếu được thực hiện bằng đường bộ và đây là lần đầu tiên thử nghiệm bằng đường sắt. So với phương thức vận tải đường bộ, vận chuyển bằng đường sắt giúp tiết kiệm khoảng 26 giờ, đồng thời cung cấp giải pháp vận chuyển thuận tiện và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp sản xuất.
Việt Nam hợp tác với tập đoàn Mỹ để phát triển điện hạt nhân
Phiên đàm phán lần thứ 2 Hiệp định song phương về Thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ được tổ chức từ ngày 19 đến 22/5 tại Washington. Trong ngày đầu tiên của phiên đàm phán, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Westinghouse, tập đoàn hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam có chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao, năng lượng tái tạo chưa thực sự ổn định.
Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp cận theo hướng thận trọng, hiện đại và phù hợp với thực tiễn, đồng thời chia sẻ rằng Việt Nam hiện có nhiều địa điểm tiềm năng để phát triển điện hạt nhân. Đây là cơ sở để thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế như Westinghouse, bao gồm cả các dự án điện hạt nhân quy mô lớn và quy mô nhỏ (SMR). Bộ trưởng khẳng định hợp tác phát triển năng lượng cũng sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương.
Trình Quốc hội lập Quỹ nhà ở quốc gia
Sáng 20/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Một trong những nội dung đáng chú ý tại tờ trình là Chính phủ đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia để đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
Trong đó, Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Hiện nay, cả nước chỉ có một số quỹ phát triển nhà ở như: Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM; Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương; Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Đồng Nai; Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Doanh nghiệp ngành gạo thua lỗ quý I/2025
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu gần 2,31 triệu tấn gạo, thu về 1,21 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2024, sản lượng tăng 5,82%, nhưng giá trị lại giảm tới 15,5%. Giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt khoảng 522 USD/tấn, giảm mạnh 20,18% - mức giảm sâu gây lo ngại trong toàn ngành.
Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung gạo tại châu Á đang dồi dào trở lại. Đặc biệt, Ấn Độ, quốc gia từng hạn chế xuất khẩu, đã quay trở lại thị trường với lượng dự trữ kỷ lục, khiến giá gạo toàn cầu giảm sâu, tạo sức ép cạnh tranh nặng nề cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, quý I/2025, nhiều doanh nghiệp ngành gạo ghi nhận doanh thu sụt giảm và thua lỗ kéo dài, trong khi chỉ số ít các đơn vị còn giữ được lợi nhuận, cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ nét trong toàn ngành.
Thanh An
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-trua-20-5-quoc-hoi-thao-luan-che-tai-ngan-chan-von-ao-doanh-nghiep-ma-318054.html