Tim đập, tay run khi nhận được email
Minh Thư, 24 tuổi, vừa trở về nhà sau một buổi tối mệt nhoài tại văn phòng. Đặt chiếc ba lô xuống sàn, cô nàng định dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày để đọc nốt cuốn tiểu thuyết yêu thích. Nhưng tiếng thông báo từ điện thoại nhanh chóng phá vỡ dự định. "Chị ơi, sếp yêu cầu trả lời email này gấp trước 9 giờ sáng mai," tin nhắn từ đồng nghiệp hiện lên, kèm theo một email dài dằng dặc yêu cầu chỉnh sửa kế hoạch truyền thông.
Minh Thư, nhân viên PR tại một công ty truyền thông ở TP.HCM đã quá quen thuộc với cảnh tượng này. Cô nàng thở dài mở laptop, cảm giác căng thẳng lập tức trở lại khi nhìn vào hộp thư đầy ắp:
"Email đã trở thành nỗi ám ảnh đối với mình. Nó không chỉ chiếm thời gian nghỉ ngơi quý báu mà còn khiến mình lúc nào cũng phải ở trạng thái lo sợ, bất an vì luôn phải sẵn sàng làm việc, ngay cả khi đã rời văn phòng," cô nàng tâm sự.
Minh Thư ám ảnh với email. (Ảnh: NVCC)
Không chỉ Thư, Lê Quang Hùng (26 tuổi, TP.HCM) cũng gặp tình trạng tương tự. Là một kỹ sư phần mềm, anh chàng thường xuyên nhận được email yêu cầu sửa lỗi hệ thống bất kể ngày đêm. "Có lần mình đang trong kỳ nghỉ tại Phú Quốc, nhưng phải dành cả buổi chiều trong khách sạn để xử lý email từ sếp," Hùng kể.
Việc liên tục kiểm tra email không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của Hùng: "Mình luôn có cảm giác mình không thể rời xa công việc, dù chỉ trong vài giờ. Mỗi lần nghe thấy tiếng thông báo email, tim lại đập nhanh vì lo lắng," anh nói thêm.
Nguyễn Thanh Vân (26 tuổi, Hà Nội), hiện đang là nhân viên tư vấn khách hàng, chia sẻ rằng email là nỗi ám ảnh lớn nhất trong công việc của cô gái trẻ:
"Mỗi ngày mình nhận được hơn trên dưới 100 email từ khách hàng và đồng nghiệp. Không chỉ phải phản hồi nhanh chóng, với đặc thù nghề nghiệp, mình còn phải đảm bảo rằng từng câu chữ đều chuẩn xác và không gây hiểu lầm. Đồng thời, không chỉ là đọc và trả lời, mà còn phải lọc ra những email quan trọng để ưu tiên xử lý," cô nói.
Theo Vân, một email viết sai hoặc thiếu sót có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. "Có lần mình quên đính kèm tài liệu trong email gửi khách hàng. Dù đã xin lỗi ngay lập tức, mình vẫn bị quản lý khiển trách và phải viết báo cáo giải trình," cô nàng kể lại.
Phương pháp quản lý email từ chuyên gia
Theo một cuộc khảo sát gần đây với 2.000 nhân viên văn phòng của nền tảng học ngoại ngữ Babbel, phần lớn mọi người cho biết, email họ nhận được mỗi ngày đang trở thành nỗi ám ảnh, đặc biệt là đối với Gen Z từ 18-24 tuổi. Họ cảm thấy căng thẳng trước khối lượng email khổng lồ phải xử lý.
Hơn 1/3 (36%) nhân viên Gen Z trong khảo sát thừa nhận có hơn 1.000 email chưa đọc trong hộp thư. Trong đó, 1/5 nhân viên trẻ thừa nhận "rất thường xuyên" cảm thấy hối hận về những email đã gửi đi.
"Mạng xã hội và các nền tảng nhắn tin tức thời có tác động mạnh đến thói quen giao tiếp của Gen Z. Ngược lại, bản chất cứng nhắc và hình thức giao tiếp của email khiến nhiều người trẻ cảm thấy xa lạ và phức tạp hơn", Esteban Touma, chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa tại Babbel, cho hay.
36% nhân viên Gen Z trong diện khảo sát thừa nhận có hơn 1.000 email chưa đọc trong hộp thư. (Ảnh minh họa bởi AI)
Theo chuyên gia tâm lý/ khoa học thần kinh Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California, Mỹ, việc Gen Z cảm thấy áp lực khi sử dụng email không phải điều quá bất ngờ.
"Thế hệ này lớn lên với sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin tức thời, giao tiếp thường ngắn gọn, thân thiện và linh hoạt. Trong khi đó, email lại yêu cầu sự trang trọng trong cách hành văn, cấu trúc chặt chẽ, không có tính tương tác tức thời," ông phân tích.
Thêm vào đó, văn hóa làm việc tại Việt Nam, việc trả lời email nhanh chóng được coi là biểu hiện của sự chuyên nghiệp, càng khiến Gen Z cảm thấy áp lực. "Nhiều bạn trẻ phải liên tục kiểm tra hòm thư, ngay cả ngoài giờ làm việc, để đảm bảo không bỏ lỡ những email, thông tin quan trọng," Thạc sĩ nhận xét.
Để xây dựng những quy tắc ứng xử hợp lý khi sử dụng email, chuyên gia gợi ý rằng các email khẩn cấp nên được phản hồi trong vòng 1-2 giờ. Đối với những email không quá cấp bách, việc trả lời trong vòng 24 giờ vẫn được coi là lịch sự và chuyên nghiệp.
Để quản lý hòm thư hiệu quả, ông khuyến nghị nên thiết lập bộ lọc tự động để phân loại email theo mức độ khẩn cấp về nội dung, chia tin trên email ba nhóm chính: cấp bách cần xử lý ngay, cần theo dõi nhưng không gấp, và tin nhắn có thể đọc sau. Nhờ đó, nhân viên có thể dễ dàng nhận biết đâu là email cần xử lý ngay và đâu là email có thể giải quyết sau.
Bên cạnh đó, việc xác định các khung giờ cố định để kiểm tra và trả lời email cũng rất quan trọng. Điều này giúp tránh tình trạng bị gián đoạn liên tục trong suốt thời gian làm việc, từ đó tập trung tốt hơn vào nhiệm vụ chính.
Hiếu Nguyễn