Bàn về đề xuất điều tra, truy tố vắng mặt trong 2 trường hợp

Bàn về đề xuất điều tra, truy tố vắng mặt trong 2 trường hợp
5 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung 2 trường hợp được điều tra, truy tố vắng mặt. Cụ thể, VKSND Tối cao đề xuất bổ sung quy định về điều tra, truy tố vắng mặt theo hướng: CQĐT có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can/VKS có thể quyết định truy tố bị can khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can theo quy định của Bộ luật trong hai trường hợp.
Thứ nhất, bị can bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả.
Thứ hai, bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra hoặc phục vụ các hoạt động nhằm quyết định việc truy tố.
Một phiên tòa hình sự ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phù hợp với yêu cầu của thực tiễn
Nêu quan điểm, ThS Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng theo quy định hiện hành, đây là hai trường hợp tòa án được quyền xét xử vắng mặt bị cáo (khoản 2 Điều 290 BLTTHS). Tuy nhiên, BLTTHS chưa có quy định cụ thể về việc xử lý vắng mặt những trường hợp này trong giai đoạn điều tra, truy tố. Có nghĩa là sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu bị cáo bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả thì vẫn có thể bị xét xử vắng mặt. Còn trong những giai đoạn trước đó, dù đã thu thập được đầy đủ chứng cứ để ban hành kết luận điều tra và quyết định truy tố nhưng các cơ quan có thẩm quyền vẫn phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với bị can.
Đây là một vướng mắc trong quy định của pháp luật, ảnh hưởng tới việc thu hồi tài sản liên quan tới hành vi phạm tội, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án và gia tăng số lượng án tồn đọng. Việc không thể xử lý được bị can kịp thời cũng gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng khác.
Theo ThS Hằng, trong thời gian qua, cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) cũng đã thực hiện việc điều tra, truy tố vắng mặt đối với một số bị can trong một số đại án. Tuy nhiên, thực tế này chỉ mang tính chất ngoại lệ trong một số vụ án, vẫn cần có cơ sở pháp lý vững chắc để tạo điều kiện áp dụng việc điều tra, truy tố vắng mặt đối với bị can trong những vụ án khác.
“Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Úc… cũng có các quy định về điều tra, truy tố vắng mặt và đã đem lại những hiệu quả nhất định trong quá trình giải quyết vụ án. Đề xuất của VKSND Tối cao đã tháo gỡ được những vướng mắc nói trên. Chính vì vậy, việc quy định hai trường hợp điều tra, truy tố vắng mặt như trên là cần thiết và phù hợp với các yêu cầu của thực tiễn”, bà Hằng nói.
Giúp giảm thiểu tình trạng tạm đình chỉ vụ án kéo dài
Đồng tình, ThS – luật sư Nguyễn Trương Văn Tài (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng BLTTHS 2015 chỉ quy định rõ về việc xét xử vắng mặt bị cáo (Điều 290) nhưng chưa cho phép cơ quan THTT kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định truy tố khi bị can vắng mặt do bỏ trốn hoặc đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập. Điều này dẫn đến tình trạng phải tạm đình chỉ vụ án, gây ảnh hưởng đến việc thu hồi tài sản và xử lý vụ án một cách công bằng, nghiêm minh.
Theo ThS Tài, trong thực tiễn, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do bị can bỏ trốn hoặc ở nước ngoài không thể triệu tập, tạo “khoảng trống” pháp lý, làm chậm quá trình truy cứu trách nhiện hình sự và thu hồi tài sản thiệt hại. Điển hình như vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu chủ tịch HĐQT Công ty AIC), suốt quá trình tố tụng, bà này vẫn đang bị truy nã.
Phân tích sâu hơn Điều 290, ThS Tài cho rằng điều luật này cho phép xét xử vắng mặt bị cáo trong một số trường hợp. Tuy nhiên, luật chỉ quy định trường hợp vắng mặt của bị cáo tại phiên tòa, chứ không đề cập đến quyền truy tố khi bị can vắng mặt. Ngoài ra, BLTTHS quy định tạm đình chỉ điều tra vụ án khi không xác định được nơi ở của bị can, chưa có quy định nào cho phép chuyển ngay sang truy tố vắng mặt.
Đối với trường hợp bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập, đây là tình huống một cá nhân bị khởi tố về hình sự, nhưng do đã xuất cảnh hoặc hiện đang cư trú ở nước ngoài, cơ quan tiến hành tố tụng không thể thực hiện việc trao tận tay giấy triệu tập để mời hợp tác điều tra.
Lúc đó, buộc phải tạm đình chỉ điều tra, chờ tương trợ tư pháp hoặc đối tượng tự nguyện về nước. Thời gian chờ đợi lâu dễ khiến chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội bị mất mát, nhân chứng thay đổi, tài liệu không thu thập kịp. Tài sản do đối tượng ở nước ngoài che giấu không thể phong tỏa, dẫn đến khó thu hồi thiệt hại...
ThS Tài cho rằng về mặt pháp lý, việc mở rộng phạm vi kết luận điều tra, truy tố trong các trường hợp vắng mặt phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tiễn, đặc biệt trong các vụ án nghiêm trọng, có tính chất xuyên quốc gia hoặc liên quan đến tội phạm có tổ chức, ma túy, tham nhũng, trốn thuế, gây thiệt hại lớn về tài chính, tài sản của Nhà nước. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng tạm đình chỉ vụ án kéo dài, nâng cao hiệu quả truy tố, góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Về mặt thực tiễn, việc quy định rõ ràng các trường hợp có thể kết luận điều tra, truy tố vắng mặt sẽ giúp các cơ quan THTT chủ động hơn trong xử lý vụ án, từ đó nâng cao khả năng thu hồi tài sản, xử lý các đối tượng trốn tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, cần có các quy định chặt chẽ về chứng cứ, căn cứ để đảm bảo quyền của bị can, tránh lạm dụng hoặc gây oan sai.
"Về mặt chính sách, đề xuất này phù hợp với xu hướng cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong các vụ án có tính chất phức tạp, xuyên quốc gia. Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan trung ương như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao thể hiện sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật", ông Tài nói.
Chỉ nên giới hạn ở một số tội
Điều 16, Điều 60 BLTTHS 2015 đã nhấn mạnh quyền được bảo vệ và quyền tự bào chữa là những nguyên tắc cốt lõi. Quyền bào chữa không chỉ giới hạn ở việc trình bày ý kiến mà còn bao gồm quyền tham gia trực tiếp vào quá trình tố tụng, đối chất với chứng cứ buộc tội, cung cấp chứng cứ gỡ tội và được lấy lời khai đầy đủ. Việc điều tra, truy tố vắng mặt bị can, đặc biệt khi bị can không có mặt để thực hiện các quyền này, sẽ làm suy yếu các nguyên tắc nền tảng của pháp luật TTHS.
Mặc dù dự thảo đề cập đến việc "bảo đảm quyền bào chữa" thông qua việc có mặt luật sư, thực tế cho thấy sự đại diện của luật sư không thể thay thế hoàn toàn quyền nhân thân của bị can trong việc trực tiếp tham gia tố tụng. Thiếu sự hiện diện của bị can, luật sư khó có thể tiếp cận đầy đủ thông tin hoặc phối hợp hiệu quả để bảo vệ thân chủ, đặc biệt trong các vụ án phức tạp.
Do đó, bên cạnh những lợi ích thì đề xuất này tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng khi kết quả truy nã không đạt được hoặc các cơ quan chức năng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc triệu tập bị can. Khi bị can không có mặt để đối chất hoặc cung cấp thông tin, chứng cứ, quá trình điều tra và truy tố sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá chủ quan của CQĐT và VKS. Điều này làm tăng nguy cơ sai sót, đặc biệt trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nơi thời gian điều tra, truy tố và xét xử bị giới hạn bởi các mốc thời hạn. Hơn nữa, việc sửa đổi luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi tài sản không nên được ưu tiên hơn việc đảm bảo tính công bằng và minh bạch của quá trình tố tụng.
Thay vì áp dụng quy định điều tra, truy tố vắng mặt một cách rộng rãi, tôi đề xuất rằng quy định này nếu được thông qua, cần được giới hạn trong một số nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và có tính chất đặc thù, chẳng hạn như: các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII, BLHS 2015), các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI, BLHS 2015). Những tội danh này thường có tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia, do đó có thể áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt.
Đồng thời, các cơ quan chức năng nên tập trung cải thiện hiệu quả của công tác truy nã và hợp tác quốc tế và thúc đẩy ký kết và thực thi các hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ với các quốc gia khác để triệu tập bị can, bắt giữ bị can về điều tra xét xử theo quy định.
Thay vì áp dụng rộng rãi, quy định này cần được giới hạn trong các tội danh đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời đi kèm với các biện pháp giám sát chặt chẽ. Kèm với đó là các giải pháp thay thế như nâng cao công tác truy nã và hợp tác quốc tế sẽ hiệu quả hơn trong việc đảm bảo công lý và tôn trọng các nguyên tắc pháp luật TTHS.
Luật sư NGUYỄN HỮU TIẾNG (Đoàn luật sư TP.HCM)
YẾN CHÂU
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/ban-ve-de-xuat-dieu-tra-truy-to-vang-mat-trong-2-truong-hop-post847675.html