Bàn về nhận xét 'còn nóng nảy trong lãnh đạo, chỉ huy'

Bàn về nhận xét 'còn nóng nảy trong lãnh đạo, chỉ huy'
9 giờ trướcBài gốc
Thượng tá ĐỖ XUÂN CHUNG, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải quân:
Bình tĩnh, lắng nghe ý kiến đóng góp
Người chỉ huy là người tổ chức thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước cấp trên về mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người chỉ huy còn có trách nhiệm huấn luyện, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất khi cần thiết. Thực tế cho thấy, một số đồng chí chỉ huy còn biểu hiện nóng nảy trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy cán bộ, chiến sĩ. Nguyên nhân trước hết là do tính cách của người chỉ huy thường mạnh mẽ, có phần nóng tính và quyết liệt trong xử trí công việc hoặc khi có nhiều công việc cần phải thực hiện cùng một thời điểm. Nguyên nhân thứ hai là do trong quá trình thực hiện, cán bộ, chiến sĩ cấp dưới chưa thực hiện đúng ý định của người chỉ huy, trong khi yêu cầu của nhiệm vụ ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và tiến độ thực hiện.
Theo tôi, nóng nảy trong lãnh đạo, chỉ huy là không phù hợp và không cần thiết. Bởi vì khi người chỉ huy nóng giận, áp đặt ý kiến chủ quan của mình một cách cứng nhắc thì hiệu quả, chất lượng công việc không tốt hơn, thậm chí còn giảm đi. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần làm tốt công tác huấn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Ví dụ như các tàu của Lữ đoàn 169 thường xuyên thực hiện nhiệm vụ độc lập dài ngày trên biển, phải xử trí nhiều tình huống phức tạp trong điều kiện thời tiết không thuận lợi... nên cùng với việc giáo dục bản lĩnh chính trị vững vàng, chúng tôi huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ khai thác sử dụng, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; rèn luyện thể lực, nâng cao thể chất kết hợp đồng thời với huấn luyện ngay tại thực địa và huấn luyện trong quá trình tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển. Nhờ vậy, cán bộ, chiến sĩ từ trên xuống dưới luôn bình tĩnh, xử trí tốt các tình huống xảy ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ có nhiều tình huống, việc mới, việc khó phát sinh tạo áp lực không nhỏ đối với chỉ huy cũng như toàn đơn vị. Chính vì vậy, người chỉ huy cần bình tĩnh, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến đóng góp của cá nhân, tập thể, nhất là các ý kiến khác biệt để đưa ra những giải pháp thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.
Các tàu của Lữ đoàn 169 thực hiện nhiệm vụ trên biển. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Đại úy NGÔ THANH TÙNG, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355, Quân khu 2:
Quyết đoán nhưng phải bình tĩnh, tỉnh táo
Vừa là chỉ huy, vừa là cấp dưới, tôi thấy rằng, ngoài do tính cách thì đôi lúc người chỉ huy còn nóng nảy là vì áp lực công việc, phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và tập thể về tiến độ, chất lượng, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cả đơn vị. Bên cạnh đó, thời gian làm việc không cố định, thường xuyên phải trực, làm việc ngoài giờ cũng khiến họ mệt mỏi và căng thẳng nên đôi khi nóng nảy. Từ những nguyên nhân này có thể hiểu và thông cảm cho những lúc nóng nảy của người chỉ huy. Theo tôi, nóng tính không phải là một trở ngại tuyệt đối trong công tác chỉ huy, nhưng cũng không phải là một phẩm chất đáng khuyến khích. Một người chỉ huy giỏi là người biết cách cân bằng giữa quyết đoán và bình tĩnh, giữa nghiêm khắc và nhân hậu để từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt và xây dựng một môi trường làm việc tích cực, hiệu quả. Hơn nữa, nếu không khắc phục hạn chế này thì về lâu dài sẽ gây ra hậu quả tiêu cực như: Làm giảm tinh thần của cấp dưới vì khi bị chỉ huy la mắng, cấp dưới sẽ cảm thấy bị coi thường dẫn đến mất tự tin và không còn muốn cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ; tạo ra khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới, gây mất đoàn kết và giảm hiệu quả làm việc tập thể.
Ở đơn vị chúng tôi, phần lớn chiến sĩ là đồng bào dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn nên không phải chiến sĩ nào cũng có nhận thức đồng đều như nhau. Ngoài ra, yếu tố tâm lý rụt rè, ngại va chạm cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chưa cao. Lúc này, việc người chỉ huy cần làm là tìm hiểu nguyên nhân và giúp đỡ cấp dưới khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
------------
Đại úy TRANG THÀNH ĐẠT, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9:
Đừng biến sự giận dữ thành mất kiểm soát
Tôi xin được trích dẫn một câu nói của Bác Hồ trong mẩu chuyện “Nước nóng, nước nguội”: “Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn”. Từ bài học kinh nghiệm đầy giá trị của Bác Hồ, tôi nhận thấy, trong mọi việc không cần đến sự nóng nảy, mọi nhiệm vụ đều được hoàn thành, thậm chí hoàn thành tốt nếu anh em trong đơn vị đều thông suốt và hiểu rõ công việc. Trình độ, năng lực của mỗi người khác nhau, cấp dưới của mình yếu kém là do cấp trên chưa bồi dưỡng kỹ lưỡng và có những trường hợp cấp trên chưa đặt mình vào hoàn cảnh của cấp dưới. Trong công việc, cũng có lúc tôi nóng nảy nhưng tôi không cho phép mình tốn nhiều thời gian tranh cãi, cố chứng tỏ mình đúng. Từ những lần nổi nóng, tôi tự hỏi: Sự giận dữ mang lại cho tôi và những người xung quanh điều gì; tìm hiểu nguyên nhân ngọn ngành của vấn đề để đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp nhất. Đồng thời, tôi luôn trau dồi các kỹ năng cần thiết và sự bình tĩnh để điều khiển sự tức giận của mình theo hướng tích cực, biến nó thành năng lượng thúc đẩy giải quyết vấn đề chứ không để cơn giận làm cho hành động của bản thân trở nên mất kiểm soát.
--------------
Đại úy HOÀNG VIỆT ANH, Đại đội trưởng Đại đội Tiêu tẩy- Khói 2, Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 3:
Tuyệt đối không xúc phạm cấp dưới
Nếu hiểu theo nghĩa quyết liệt trong chỉ huy; sát sao, yêu cầu cấp dưới phải nâng cao chất lượng, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ công việc thì nóng nảy là một trong những yếu tố giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu quát mắng, dùng lời lẽ xúc phạm cấp dưới, cho dù đó là người nhận thức chậm, ý thức chưa tốt, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chưa cao đều không phải là phương pháp chỉ huy đúng, vừa không giúp đơn vị hoạt động tốt hơn mà còn có thể gây ra mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa trong đơn vị.
Là một trong những lực lượng chiến đấu trong thời bình, công tác huấn luyện đối với Bộ đội Hóa học rất vất vả. Chỉ huy các cấp, trực tiếp là chỉ huy Tiểu đoàn và bản thân tôi rất hiểu, chia sẻ khó khăn với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nếu cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu, trước hết, chúng tôi gặp gỡ riêng, kết hợp trao đổi với gia đình và cán bộ, chiến sĩ cùng đơn vị để nắm nguyên nhân, nhắc nhở, góp ý, tìm giải pháp giúp đỡ. Tùy theo mức độ sửa đổi hành vi của quân nhân, nếu tình trạng yếu kém kéo dài, cấp ủy, chỉ huy đơn vị sẽ căn cứ vào quy định kỷ luật của Đảng và Quân đội để tổ chức hội nghị xem xét, đề xuất hình thức xử lý phù hợp và báo cáo với cấp trên. Chỉ huy đơn vị tuyệt đối không sử dụng lời nói thiếu chuẩn mực văn hóa trong sinh hoạt và công tác tại đơn vị.
-------------
Trung úy NGUYỄN PHƯƠNG NAM, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 324, Quân khu 4:
Học tập phương pháp chỉ huy khoa học
Tôi nghĩ rằng, việc người chỉ huy đôi khi còn nóng nảy trong lãnh đạo, chỉ huy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ngoài yếu tố tính cách cá nhân còn do áp lực công việc, từ mong muốn duy trì kỷ luật và đạt được hiệu quả cao nhất cho đơn vị. Nhưng tuyệt đối không để cảm xúc chi phối quá mức, dẫn đến những hành động hoặc lời nói không phù hợp, làm giảm sự tôn trọng từ cán bộ, chiến sĩ cấp dưới. Hơn nữa, cũng không cần thiết phải nóng nảy trong chỉ huy bởi thực tế cho thấy, nhiều đồng chí chỉ huy rất điềm đạm, mềm dẻo nhưng cấp dưới vẫn răm rắp phục tùng, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đó cho thấy, sự bình tĩnh cùng phương pháp chỉ huy khoa học sẽ làm cho đơn vị có sự ổn định cao hơn, nội bộ đoàn kết hơn và thường đạt hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tôi tin rằng, người chỉ huy tốt là người biết cân bằng giữa sự nghiêm khắc và thấu hiểu, tạo điều kiện để cấp dưới tiến bộ thay vì chỉ đơn thuần nóng nảy, quát mắng cấp dưới.
Nên "nóng" hay "mềm"?
Rất khó để phân minh rạch ròi ai đúng ai sai khi cấp trên nổi nóng với cấp dưới do liên quan đến công việc chung, trừ trường hợp cấp trên dùng lời lẽ xúc phạm hay ý thức của cấp dưới quá kém. Chỉ có đặt mình vào vị trí của nhau thì mới thấu hiểu, thông cảm và cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu cao nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Cần thấy rằng, trong mọi công tác quản lý thì quản lý con người là khó khăn, phức tạp nhất, đặc biệt là trong môi trường quân sự lao động nặng nhọc, yêu cầu về chất lượng và tiến độ công việc ngày càng cao, nhiệm vụ chồng chéo, đan xen liên tục, tác động tiêu cực từ mặt trái đời sống kinh tế-xã hội, thường xuyên xa gia đình làm nảy sinh vấn đề tâm sinh lý... Không những thế, người chỉ huy còn phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và tập thể về kết quả, chất lượng mọi mặt công tác của đơn vị. Có khi chỉ một cá nhân vi phạm pháp luật, kỷ luật là ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện, phấn đấu cả năm của đơn vị. Nếu cấp dưới thấu hiểu thì sẽ biết thông cảm, chia sẻ trường hợp người chỉ huy có nóng nảy, cáu gắt khi kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị không như mong muốn, yêu cầu đặt ra. Quan trọng hơn là “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác” như nội dung lời thề thứ hai trong 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị, đáp lại sự tin tưởng của tổ chức và cấp trên.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 82 (Sư đoàn 355, Quân khu 2) ra thao trường huấn luyện.Ảnh:TRẦN HÀO
Ngược lại, dù vì lý do gì thì người chỉ huy cũng không thể cho phép mình có những lời lẽ xúc phạm, mạt sát cấp dưới mà phải luôn tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, danh dự, quyền làm chủ của công dân, quyền lợi và nghĩa vụ của quân nhân... Đồng thời, cần bình tĩnh lắng nghe, đánh giá đúng nguyên nhân, bản chất sự việc; kiểm điểm lại chính mình xem đã làm tốt công tác giáo dục, phổ biến, quán triệt, rèn luyện, động viên cán bộ, chiến sĩ hay chưa; bản thân đã thực sự là tấm gương cho cấp dưới noi theo hay chưa... Từ đó rút kinh nghiệm để có phương pháp quản lý, điều hành khoa học hơn, tạo tâm lý thoải mái cho cấp dưới. Người chỉ huy cũng cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, hậu phương của cấp dưới; lắng nghe ý kiến đóng góp của cấp dưới với tinh thần cầu thị và “biết người biết ta” thì sẽ luôn nhận được sự tôn trọng, ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền và từ đó dần tạo sự gần gũi, trở thành chỗ dựa tinh thần khi cấp dưới gặp khó khăn, cần lời khuyên, sự chỉ bảo, định hướng; tạo sự bình đẳng, công bằng trong đơn vị, không thiên vị, định kiến trong khen thưởng, xử lý vi phạm kỷ luật... Làm tốt những điều này, người chỉ huy không cần nổi nóng mà cấp dưới vẫn luôn nể phục, nghe theo, làm việc không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì lòng yêu nghề, đam mê.
NGUYỄN ĐỨC TUẤN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ban-ve-nhan-xet-con-nong-nay-trong-lanh-dao-chi-huy-797654