Bằng chứng sinh động phủ nhận sự xuyên tạc của các thế lực thù địch 'Đảng không vì hạnh phúc của nhân dân'

Bằng chứng sinh động phủ nhận sự xuyên tạc của các thế lực thù địch 'Đảng không vì hạnh phúc của nhân dân'
15 giờ trướcBài gốc
Mục tiêu “tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đó cũng là bằng chứng sinh động phủ nhận mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch “Đảng Cộng sản Việt Nam không vì hạnh phúc của nhân dân”.
1. Hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu chung của nhân loại tiến bộ hiện nay. Xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc là ước mơ ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cội nguồn hạnh phúc của nhân dân là đất nước được độc lập, tự do, hòa bình, cùng những điều bình dị mà nhân dân cần có, đó là cơm ăn, áo mặc, có nhà để ở, được học hành, được làm chủ vận mệnh của mình và làm chủ xã hội.
Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định phải lấy việc xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân làm mục tiêu hàng đầu của Đảng. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng ta chỉ rõ, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới “đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”. Rõ ràng, mục tiêu của Đảng luôn gắn liền với mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Ảnh minh họa: vietnamnet.vn
Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa nhân dân ta lên vị thế chủ nhân của đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng các quyền con người, quyền tự do, công bằng. Hướng tới lợi ích của nhân dân, lấy nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu lâu dài đã trở thành nhân tố quyết định quy tụ sức mạnh toàn dân tộc. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, từ nội lực nhân dân đã làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” và đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa non sông thu về một mối. Khi Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống nhân dân thì dù “khó vạn lần dân liệu cũng xong” và khi Đảng, Nhà nước chăm lo hạnh phúc của nhân dân thì sẽ luôn được nhân dân đồng tình, ủng hộ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Quá trình đổi mới đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN), Đảng ta luôn xác định “lấy nhân dân là chủ thể, trung tâm”, “lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân; xác định nhân dân chính là nguồn lực, động lực chủ yếu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng yêu cầu phải giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã có nhiều nghị quyết được ban hành, nhiều chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được hoạch định ở nhiều thời điểm khác nhau, các chương trình quốc gia hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế và an sinh xã hội được nỗ lực thực hiện, tạo ra những chuyển biến căn bản trong xã hội và trong đời sống của nhân dân.
Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, kinh tế-xã hội nước ta có nhiều khởi sắc. Với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300USD năm 2023, Việt Nam đang tiến tới trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Từ năm 1990 đến 2022, giá trị HDI của Việt Nam nâng từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đã đạt hơn 470 tỷ USD, đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% (theo chuẩn đa chiều) so với mức 60% năm 1986.
2. Tuy nhiên, mỗi bước tiến trong quá trình xây dựng hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam vẫn còn những khó khăn, trở ngại. Một trong những lực cản, đó là các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tìm cách chống phá. Họ xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới. Với luận điệu hết sức trắng trợn, họ cho rằng, phải thay đổi đường lối xây dựng đất nước thì Việt Nam mới phát triển, người dân mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thời gian qua, các đối tượng chống phá cố tình “đổi trắng thay đen” những tiến bộ và kỳ tích trong xóa đói, giảm nghèo đã được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế ghi nhận. Họ còn rêu rao rằng khoảng cách giàu nghèo cách biệt là do cán bộ, đảng viên tham nhũng, vơ vét tài sản của dân. Họ cố tình thổi phồng những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước để quy kết Đảng chỉ biết lo cho mình mà không vì hạnh phúc của nhân dân.
Những luận điệu xuyên tạc đó nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta và phá hủy niềm tin của nhân dân vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
3. Để công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, mang lại hạnh phúc cho nhân dân được hiện thực hóa trong đời sống, điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là phải kiên trì thực hiện tốt quan điểm “dân là gốc”, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.
Các cấp, các ngành, các địa phương cần phải nhận thức sâu sắc, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết được, trong đó có bài học “lấy dân làm gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho nên mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, vì chỉ có CNXH mới bảo đảm hạnh phúc lâu dài cho nhân dân.
Mục tiêu cao cả, tối thượng của Đảng Cộng sản Việt Nam là vì hạnh phúc của nhân dân. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần tuyệt đối trung thành với con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn và hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần cách mạng, rèn đức luyện tài, không ngừng trau dồi đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phấn đấu trở thành người cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên". Trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2) vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp ủy đảng cần đề cao trách nhiệm nêu gương, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội; đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, bảo đảm Đảng luôn là lực lượng lãnh đạo trung thành với lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Giải pháp căn cơ là bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa gắn với tiến bộ, công bằng xã hội; coi trọng nhân tố con người, phát huy tiềm năng, sức mạnh, năng lực sáng tạo của con người trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong từng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phải luôn gắn với chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xuất phát từ lợi ích thiết thực của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động của nhân dân. Xây dựng các chính sách xã hội phù hợp, kiểm soát sự phân hóa giàu nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc; bảo đảm phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân để không ai bị bỏ lại phía sau; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, gắn nâng cao chất lượng cuộc sống với hạnh phúc của nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng xác định: Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, theo định hướng XHCN. Khát vọng phát triển đất nước “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc” không phải là viển vông mà hoàn toàn có cơ sở khoa học, được thực tiễn đúc kết, kiểm nghiệm trong các hoạt động, lao động sáng tạo của nhân dân, bằng chính sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Trong suốt 95 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, là cội nguồn làm nên sức sống, sự trường tồn của Đảng. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát ở nước ta là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”. Không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Một chế độ chính trị-xã hội tốt đẹp như vậy chính là môi trường, điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đem sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.
Sau gần 40 năm đổi mới, các tầng lớp nhân dân tràn đầy niềm tin tưởng và lạc quan bởi những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được. Điều đó chứng tỏ bản lĩnh, năng lực và uy tín của Đảng đã in sâu vào trái tim, khối óc nhân dân. Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và trong tương lai, mục tiêu “tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng CNXH. Đây là bằng chứng sinh động phủ nhận mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch “Đảng Cộng sản Việt Nam không vì hạnh phúc của nhân dân”.
Thượng tá ĐOÀN THỊ LUYẾN, Phó chủ nhiệm Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Sĩ quan Phòng hóa, Binh chủng Hóa học
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/bang-chung-sinh-dong-phu-nhan-su-xuyen-tac-cua-cac-the-luc-thu-dich-dang-khong-vi-hanh-phuc-cua-nhan-dan-815015