Các nhà Ai Cập học từng có khoảng thời gian dài trong lịch sử cho rằng người Ai Cập không có bất cứ học thuyết và sự thực hành thần bí nào liên quan đến thế giới của người sống. Trong khi đó, người Hy Lạp cổ đại lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Do đó, mọi khám phá về tôn giáo Ai Cập trước kia đều được cho là thuộc về các nghi lễ mai táng. Thế nhưng ngày nay, lý luận của các nhà Ai Cập học đã dần bị "bẻ gãy" sau khi cuốn sách của Tiến sĩ Jeremy Naydler có tên "Trí tuệ pháp sư trong các văn bản Kim tự tháp" được ra đời.
Nhà Ai Cập học người Pháp Gaston Maspero bên trong phòng tang lễ của lăng mộ vua Unas năm 1881.
Theo đó, vào năm 1881, nhà Ai Cập học và khảo cổ học người Pháp Gaston Maspero đã phát hiện ra các văn bản Kim tự tháp khắc trên các bức tường bên trong lăng mộ của các vị vua, đầu tiên là vua Unas -pharaoh cuối cùng của Vương triều thứ 5 (năm 2345 trước Công nguyên), tiếp đó là các vị vua của Vương triều thứ 6 và cho đến thời trị vì của Vua Igby ở Vương triều thứ 8. Trước vua Unas, văn bản trên tường không xuất hiện tại bất kỳ ngôi mộ Ai Cập nào, cũng như không có thứ gì được tìm thấy bên trong Đại Kim tự tháp (xây dựng trong khoảng từ năm 2550 - 2490 trước Công nguyên). Dù vậy, chúng vẫn có thể xuất hiện vào những triều đại trước vua Unas dưới hình thức truyền miệng.
Vua Unas
Các văn bản Kim tự tháp không chỉ hé mở về văn học Ai Cập cổ đại mà còn là ví dụ lâu đời nhất về chữ viết trên thế giới. Văn bản Kim tự tháp được tìm thấy bên trong lăng mộ của vua Unas được cho là phiên bản hoàn chỉnh nhất được tìm thấy. Sau khi các nhà Ai Cập học nghiên cứu kĩ lưỡng, họ đã phân nội dung của văn bản này thành 750 cách nói, nhiều câu trong số đó bắt đầu với công thức chuẩn là "djed medu - "lời nói". Các con số gắn với các câu nói chỉ nhằm mục đích xác minh, liên quan đến vị trí tương ứng của chúng trên tường lăng mộ chứ không phải là thứ tự đọc.
Văn bản Kim tự tháp bên trong lăng mộ vua Unas
Những lời nói này giống như những từ ngữ ma thuật và những cái tên thánh dành cho pharaoh trong hành trình đi đến vùng đất của người chết. Đáng ngạc nhiên là người hiện đại có thể hiểu hết các văn bản Ai Cập cổ đại vì chúng có những điểm tương đồng với từ vựng Ai Cập thời Trung Cổ vô cùng quen thuộc với các nhà Ai Cập học. Khó nắm bắt nhất là một số từ chỉ xuất hiện trong Văn bản Kim tự tháp, tuy nhiên có thể dựa vào những từ còn lại để đoán ra. Sau này, các văn bản Kim tự tháp không chỉ dành riêng cho các pharaoh mà được tổng hợp lại thành "Cuốn sách của người chết" có nội dung chỉ dẫn con người cách đi đến thế giới bên kia. Những lời nói trong văn bản Kim tự tháp không chỉ xuất hiện trên quan tài của quý tộc Ai Cập xưa mà bất kì người dân thường nào có đủ tiền cũng có thể mua "Cuốn sách của người chết" về và đặt trong lăng mộ của mình.
Trong văn bản Kim tự tháp trên tường lăng mộ vua Unas, các chuyên gia đã dịch được một số câu nói có ý nghĩa như sau:
-213: “Hỡi Unas, ngài chưa chết, ngài đã sống sót để ngồi lên ngai vàng của Osiris…”
-233: "Thức giấc! Hãy xoay người lại! Rồi hét lên! Hỡi đức vua, hãy đứng lên và ngồi xuống rồi uống ngàn cốc bia…"
-223: "Hỡi Đức Vua, hãy tự trỗi dậy trước mặt thần, hãy dâng thân ngài cho thần…"
Những câu nói này không giống như đang nói với một xác chết hoặc một xác ướp mà như lời một nhà thôi miên nói với một bệnh nhân vừa mới thoát khỏi trạng thái xuất thần sâu và kéo dài. Người nói với vua hẳn là một một tư tế đang nỗ lực đánh thức nhà vua đang mất phương hướng và rất rất đói sau một khoảng thời gian dài xuất thần. Nó làm liên tưởng đến một trong những lễ hội quan trọng nhất đối với người Ai Cập cổ đạ, đó là lễ Sed kỷ niệm 30 năm ngày lên ngôi và trị vì của nhà vua. Một trong những nghi lễ mà vua thực hiện có thể là "diễn tập" về cái chết bằng cách xuất thần với sự hỗ trợ của thôi miên hoặc loại thuốc đặc biệt để đổi mới và phục hồi cả địa vị thần thánh của ông nói riêng và toàn bộ đất nước nói chung. Trong cuốn Trí tuệ pháp sư trong các văn bản Kim tự tháp của Jeremy Naydler cũng viết rằng:"Nó [lời nói 223] liên quan đến việc đánh thức nhà vua khỏi trạng thái giống như xuất thần và đảm bảo linh hồn của ông ta có thể quay trở lại cơ thể…".Vào cuối lễ hội Sed, nhà vua sẽ được trao lại vương miện vì ông đã trẻ hóa và xứng đáng để tiếp tục trị vì đất nước trong nhiều năm tới.
Phòng chôn cất được phát hiện trong lăng mộ của vua Unas với bức tường được bao phủ bởi các văn bản Kim tự tháp
"Loại chủ nghĩa thần bí tồn tại ở Ai Cập cổ đại chính là ''visionarymysticism'. Nó đòi hỏi trải nghiệm trực tiếp về thế giới tâm linh thông qua trạng thái ý thức linh hồn rời khỏi cơ thể để đi gặp gỡ tổ tiên, các vị thần và có được sự tái sinh từ bên trong",Jeremy Naydler viết trong Trí tuệ pháp sư trong các văn bản Kim tự tháp, trang 8.
Tuy nhiên, thôi miên chỉ xuất hiện từ khoảng 250 năm trước trong khi Ai Cập cổ đại đã tồn tại hàng ngàn năm. Phải chăng người Ai Cập xưa đã nghĩ ra những cách xuất thần kỳ lạ mà chúng ta vẫn chưa biết đến. Một điều chắc chắn là người Ai Cập cổ đại đã rất thuần thục về kỹ thuật thôi miên và xuất thần.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo