'Băng đảng dụ dỗ' - vết thương chưa lành của nước Anh

'Băng đảng dụ dỗ' - vết thương chưa lành của nước Anh
9 giờ trướcBài gốc
Trên các mạng xã hội, cụm từ #JusticeForSurvivors (Công lý cho người sống sót) và #GroomingGangs đang trở thành xu hướng. Nhiều nạn nhân trước còn giấu giếm, nay mới dám lên tiếng, kể lại quá khứ bị chối bỏ và cầu cứu trong vô vọng.
"Không bao giờ là quá muộn để tìm kiếm công lý”
Tháng 1/2025, nước Anh một lần nữa phải đối mặt với một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử hiện đại: bê bối "grooming gang" - băng đảng dụ dỗ, lạm dụng và buôn bán tình dục trẻ vị thành niên. Trong một động thái gây chú ý, Bộ Nội vụ Anh đã công bố quyết định tái khởi động điều tra toàn diện các vụ việc từng bị chỉ trích là "bị vùi lấp vì lý do chính trị và định kiến xã hội".
Mới đây nhất, ngày 10/4, Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper còn nhấn mạnh, có ít nhất 5 cuộc điều tra địa phương về các băng nhóm dụ dỗ đang được tiến hành, đồng thời ám chỉ rằng có thể sẽ có thêm nhiều cuộc điều tra nữa.
Một nạn nhân của bê bối lạm dụng tình dục của “băng đảng dụ dỗ” tại nhà riêng ở Anh hồi tháng 1/2025. Ảnh: Reuters.
Tờ Sky News cho hay lý do của các cuộc tái điều tra không chỉ đến từ áp lực chính trị hay báo chí mà nó còn là kết quả của một làn sóng phản đối dai dẳng từ cộng đồng, các nạn nhân cùng gia đình họ và cả những nhà vận động hành lang không chấp nhận để công lý bị quên lãng. Những tiếng nói đó, sau hơn 2 thập kỷ, đã buộc Chính phủ Anh phải sớm có câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào mà hàng ngàn trẻ em có thể bị lạm dụng công khai trong lòng một xã hội hiện đại mà không ai hoặc rất ít người chịu trách nhiệm?
Thực tế là hôm 19/1/2025, một bản án nặng nề đã được tuyên tại Tòa án Bradford Crown, đánh dấu bước ngoặt của làn sóng điều tra mới. Cụ thể, một người đàn ông bị kết án gần 58 năm tù giam vì tội lạm dụng tình dục 2 bé gái tuổi teen ở Keighley, West Yorkshire vào cuối những năm 1990. 2 đứa trẻ lúc đó mới 13 và 16 tuổi, đã phải chịu đựng nhiều năm bị lạm dụng và chỉ khi trưởng thành, một trong 2 người mới có đủ dũng cảm lên tiếng, kể lại sự thật đau lòng.
Trước đó, hai phiên tòa khác cũng từng vạch trần hành vi lạm dụng tình dục có hệ thống và danh sách bị cáo đã gây sốc với nhiều người từng sống và làm việc tại các địa phương đó. Phiên tòa thứ nhất kết thúc tháng 10/2023 tuyên án: Amreaz Asghar (47 tuổi) 4,5 năm tù vì tội hiếp dâm; Perwaz Asghar (50 tuổi): 6,5 năm tù vì 2 vụ tấn công khiếm nhã; Mohammed Din (47 tuổi): 14 năm tù vì 11 tội danh hiếp dâm; Sajid Mahmood Khan (45 tuổi): 3 năm tù vì tội hiếp dâm và Zehroon Razak (47 tuổi): 6,5 năm tù vì tội hiếp dâm.
Ông Marlon West có con gái là Scarlett từng bị lạm dụng tình dục trong bê bối gây chấn động nước Anh. Ảnh: Sky News.
Phiên tòa thứ hai kết thúc tháng 12/2024 với 2 bản án: Fayaz Ahmed (45 tuổi) 7,5 năm tù cho 2 tội danh hiếp dâm (bị tuyên án vắng mặt); Imtiaz Ahmed (62 tuổi) 9 năm tù cho tội danh hiếp dâm (bị tuyên án vắng mặt) và Ibrar Hussain (47 tuổi): 6,5 năm tù cho hai tội danh hiếp dâm. Lệnh bắt giữ Fayaz Ahmed và Imtiaz Ahmed đã được ban hành nhưng cả hai hiện vẫn đang lẩn trốn. Những đứa trẻ sống sót qua những ngày tháng đau thương đó đã xuất hiện tại tòa, kể lại những chuỗi ngày bị cưỡng hiếp, cho dùng rượu và ma túy, bị bắt "xếp hàng" để bị lạm dụng tập thể trong những căn hộ chật hẹp. Một người khóc nghẹn khi kể với phóng viên hãng BBC: "Không gì có thể chữa lành được những tổn thương mà tôi đã trải qua. Vì họ mà tôi đã mất đi danh tính của mình”.
Thẩm phán Ahmed Nadim đã chỉ trích gay gắt lực lượng cảnh sát và các cơ quan dịch vụ xã hội vì thất bại trong việc bảo vệ nạn nhân, mô tả phản ứng của họ là "thiếu trang bị" và "vô tư đến mức đáng sợ". Thanh tra trưởng Vicky Greenbank thì nói: "Việc lạm dụng đã cướp đi tuổi thơ của họ. Tôi mong rằng những bản án này sẽ mang lại công lý và sự khép lại”.
Trong khi đó, Michael Quinn thuộc Cơ quan Công tố Hoàng gia gọi hành động của các bị cáo là "độc ác, đê tiện và bẩn thỉu". Ông cũng kêu gọi các nạn nhân khác hãy lên tiếng và nhấn mạnh: "Không bao giờ là quá muộn để tìm kiếm công lý”.
Những vết sẹo
Hành vi dụ dỗ là quá trình mà một người trưởng thành xây dựng mối quan hệ, niềm tin và cảm xúc với trẻ vị thành niên nhằm thao túng, bóc lột và lạm dụng tình dục. Không giống những vụ bắt cóc hay tấn công bạo lực, hành vi dụ dỗ này thường xảy ra âm thầm, kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí nhiều năm khiến nạn nhân không nhận ra mình đang bị hại. Các bê bối dụ dỗ ở Anh thường được thực hiện theo nhóm, chọn mục tiêu là các bé gái trong độ tuổi từ 12 đến 16, phần lớn thuộc tầng lớp lao động nghèo, thiếu sự chăm sóc từ gia đình hoặc sống trong trung tâm bảo trợ xã hội. Kẻ xấu thường tiếp cận nạn nhân bằng cách tỏ ra thân thiện, tặng quà, đưa đi ăn, mua đồ dùng; gây dựng niềm tin, rồi nhanh chóng chuyển sang kiểm soát, đe dọa, cô lập nạn nhân khỏi gia đình; cho hoặc ép dùng rượu, ma túy để khiến nạn nhân phụ thuộc; dùng áp lực tâm lý hoặc bạo lực để ép quan hệ, quay clip, buộc đi "tiếp khách"…
Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper cho biết, có ít nhất 5 cuộc điều tra địa phương về các băng nhóm dụ dỗ đang được tiến hành, đồng thời ám chỉ rằng có thể sẽ có thêm nhiều cuộc điều tra nữa.
Nữ nhà báo điều tra Julie Bindel của hãng Al-Jazeera trong bài báo đăng tải hồi đầu tháng 4/2025 nhấn mạnh: "Bọn chúng không phải là những kẻ phạm tội ngẫu nhiên mà hoạt động có tổ chức, phân công người dụ dỗ, người giữ, người thu tiền. Đây là những doanh nghiệp tội phạm hoạt động giữa lòng xã hội hiện đại của Anh. Rotherham, Rochdale, Telford, Oxford và Keighley là những cái tên gắn liền với bê bối băng đảng dụ dỗ”.
Một báo cáo năm 2014 cho thấy, hơn 1.400 nạn nhân tại Rotherham trong giai đoạn 1997-2013, với các vụ lạm dụng bị phớt lờ hoặc bị giấu nhẹm. Các mô hình tương tự cũng được tìm thấy ở Rochdale (năm 2012) từng là khởi đầu của làn sóng phẫn nộ toàn quốc, Oxford ( năm 2013) với nạn nhân bị cưỡng hiếp tập thể và đánh đập được gọi là vụ Bullfind Operation và Telford (năm 2018) với con số ước tính 1.000 trẻ em bị lạm dụng trong hơn 40 năm. Điểm chung giữa các vụ việc là sự tồn tại của những mạng lưới tội phạm có tổ chức (thành viên chủ yếu là đàn ông gốc Nam Á) nhắm vào các bé gái da trắng nghèo, ít được bảo vệ.
Thời điểm đó, nhiều bé gái từng báo cảnh sát, từng đến các cơ quan dịch vụ xã hội nhưng bị coi là "khó bảo", "thiếu kiểm soát" hoặc tệ hơn, bị quy là "đồng thuận quan hệ". Không ít trường hợp, khi nạn nhân lên tiếng, thay vì được bảo vệ, họ bị chuyển đi nơi khác trong khi thủ phạm vẫn tự do. Một số khác bị bắt ký cam kết "không gặp bạn trai" thay vì cảnh sát điều tra đối tượng xâm hại… “Người ngoài gọi tôi là ‘đồ điếm’. Người duy nhất từng nói yêu tôi chính là kẻ đã đưa tôi vào địa ngục này”, một nạn nhân ở Rotherham đau đớn nhớ lại.
Một số báo cáo nội bộ của Anh thậm chí cho thấy các nhân viên xã hội lo ngại việc điều tra nhóm người gốc Nam Á sẽ dẫn tới cáo buộc phân biệt chủng tộc. Một báo cáo khác cũng ghi nhận rằng yếu tố sợ bị xem là "phân biệt chủng tộc" đã khiến nhiều người có trách nhiệm tránh né hành động. Một nhà báo điều tra từng theo vụ Rochdale năm 2012 cay đắng nói: "Không ai dám chạm vào sự thật - vì nó quá phức tạp, quá nhạy cảm về mặt sắc tộc và vì họ không muốn dính dáng". Một cựu cảnh sát từng tham gia điều tra thì thừa nhận với tờ The Times: “Mỗi khi chúng tôi đào sâu một vụ, lại phát hiện một mô hình tương tự: trẻ em bị lạm dụng, hệ thống làm ngơ và hung thủ lẩn khuất ngay trong cộng đồng”.
Và khi công luận bùng nổ
Tờ The Guardian cho hay, những vụ án được đưa ra ánh sáng gần đây, nhất là trong gần 3 năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Với cuộc điều tra toàn quốc được Bộ Nội vụ Anh khởi động vào đầu năm 2025, câu hỏi đặt ra là, lần này, liệu công lý có được thực thi? “Sự tái xuất của các vụ “băng đảng dụ dỗ” đang làm rúng động cả nước Anh. Những bản án mới và cuộc điều tra lại trong năm 2025 không chỉ khuấy động ký ức đau buồn của hàng ngàn gia đình mà còn châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ về sự thất bại kéo dài trong việc bảo vệ trẻ em.
Trên các mạng xã hội, cụm từ #JusticeForSurvivors (Công lý cho người sống sót) và #GroomingGangs (băng đảng dụ dỗ) đang trở thành xu hướng. Nhiều nạn nhân trước còn giấu giếm, nay mới dám lên tiếng, kể lại quá khứ bị chối bỏ và cầu cứu trong vô vọng”, tờ Sky News viết. Trong khi đó, một khảo sát của YouGov được công bố vào cuối tháng 2/2025 cho thấy, trong vụ việc “băng đảng dụ dỗ”, 62% người dân tin rằng cảnh sát đã "cố tình làm ngơ" vì lo sợ bị coi là phân biệt chủng tộc; 71% người ủng hộ việc lập một ủy ban điều tra độc lập quy mô toàn quốc; 55% người nói họ đã "mất niềm tin nghiêm trọng" vào hệ thống bảo vệ trẻ em.
Một số kẻ bị bắt và kết án trong bê bối băng đảng dụ dỗ. Ảnh: Reuters
Trước áp lực dư luận, đến nay, chính phủ Anh đã công bố loạt biện pháp cải tổ, bao gồm: thành lập Cơ quan điều tra độc lập về lạm dụng trẻ em có tổ chức (OICA) với quyền truy cập dữ liệu liên ngành; yêu cầu các sở cảnh sát và các cơ quan dịch vụ xã hội báo cáo định kỳ các vụ nghi ngờ lạm dụng hay dụ dỗ trong khu vực; áp dụng chính sách đào tạo bắt buộc cho cán bộ về phân biệt thao túng tâm lý và dấu hiệu dụ dỗ… Ngoài ra, một đề xuất gây tranh cãi cũng đã được đưa ra, đó là xét xử các tội phạm này ở tòa đặc biệt không có bồi thẩm đoàn để tránh tác động thành kiến sắc tộc trong xét xử. Tuy nhiên, đề xuất này đang đối mặt với nhiều phản đối từ các nhóm bảo vệ quyền công dân.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, bê bối “băng đảng dụ dỗ” không chỉ là một cuộc khủng hoảng niềm tin mà đã khơi lại những câu hỏi gai góc về bản sắc quốc gia, trách nhiệm của nhà nước và giới hạn của sự bao dung trong một xã hội dân chủ. Tháng 3/2025, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper đã khẳng định: "Không ai - bất kể xuất thân, màu da hay tôn giáo - được phép lợi dụng cộng đồng để phạm tội và thoát tội. Công lý không thể bị chùn bước vì sự im lặng do nỗi sợ gây ra”.
Chu Nguyễn
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/bang-dang-du-do-vet-thuong-chua-lanh-cua-nuoc-anh-i765548/