Chủ động cảnh báo tài xế vượt tốc độ
Theo quy định của bang California, kể từ năm 2027, toàn bộ phương tiện bán hoặc sản xuất tại California phải trang bị hệ thống cảnh báo vượt tốc độ giới hạn.
Luật cũng đặt mục tiêu đến năm 2029, ít nhất 50% số phương tiện phải trang bị hệ thống cảnh báo vượt tốc độ cho phép. Đến năm 2032, toàn bộ ô tô bắt buộc phải có tính năng này.
Nhiều vụ tai nạn xảy ra do tài xế vượt quá tốc độ giới hạn. (Ảnh: Los Angeles Times)
Hệ thống cảnh báo vượt tốc độ giới hạn ở California sẽ triển khai dưới hình thức thụ động, phát ra âm thanh và hình ảnh hiển thị trên màn hình báo hiệu tài xế trong trường hợp xe đang chạy nhanh hơn tốc độ cho phép, nhắc nhở phải giảm tốc độ.
Quy định được thông qua sau khi Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) khuyến cáo Cơ quan An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia phải có biện pháp bắt buộc ô tô lắp đặt công nghệ trợ lý tốc độ thông minh (ISA) nhằm cảnh báo tài xế về tốc độ.
Khuyến cáo của NTSB được đưa ra vào năm 2022, sau vụ tai nạn liên quan đến một ô tô chạy quá tốc độ, vượt tất cả đèn đỏ và gây tai nạn ở tốc độ hơn 166km/h tại TP Las Vegas, khiến ít nhất 9 người tử vong.
Theo trang Motor1, trong giai đoạn 2017-2021, hơn 30% số ca tử vong do tai nạn giao thông ở bang California đều có liên quan đến vi phạm tốc độ tối đa. Do đó, đạo luật mới hứa hẹn giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến tốc độ, từ đó giảm số người tử vong.
Hai dạng cảnh báo
Thực tế, công nghệ trợ lý tốc độ thông minh (ISA) đã bắt đầu được áp dụng tại Pháp từ những năm 1980, gồm hai hình thức là thụ động và chủ động.
Trong đó dạng thụ động chỉ đưa ra cảnh báo mà không ngăn cản tài xế vượt quá giới hạn tốc độ, còn dạng chủ động sẽ trực tiếp can thiệp để giới hạn tốc độ xe dưới tốc độ cho phép, khiến tài xế không thể đi nhanh hơn.
Công nghệ trợ lý tốc độ thông minh (ISA) có hai hình thức là thụ động (chỉ phát cảnh báo vượt tốc độ cho tài xế) và chủ động (trực tiếp can thiệp giảm tốc phương tiện hoặc ngăn tài xế tăng tốc). (Ảnh: Progressive)
Không chỉ bang California, trước đó vào cuối năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định bắt buộc lắp đặt hệ thống ISA trên ô tô, có hiệu lực từ tháng 7/2024.
Hệ thống ISA tại EU có thể cảnh báo tài xế vượt quá tốc độ dưới 4 hình thức cả chủ động và thụ động: âm thanh cảnh báo, rung cảnh báo, phản ứng qua chân ga (tác động lực đẩy nhẹ bật ngược trở lại bàn đạp ga để nhắc nhở tài xế giảm tốc) hoặc chủ động kiểm soát tốc độ xe.
Dù vậy, ISA phải đảm bảo không hạn chế khả năng điều khiển phương tiện của tài xế trong suốt hành trình chạy xe và phải có chức năng cho phép tài xế bỏ qua cảnh báo vượt tốc độ của hệ thống
Lưu Gia Huy