Doanh nghiệp lo sức mua giảm
Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) bày tỏ "choáng váng", "chưa hoàn hồn" sau quyết định của Tổng thống Donald Trump.
Vị này cho biết, lo lắng thấp thỏm mấy hôm nay, thậm chí ngày hôm qua đã thức đến 2h sáng để đợi thông tin.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỷ USD vào Mỹ (Ảnh minh họa).
"Hôm nay dậy mở điện thoại thấy thông tin này, 46% là con số quá cao", vị này nói và nhấn mạnh: "Với biên lợi nhuận hàng xuất khẩu khoảng 5 - 7% đã là tốt, giờ thuế nhập khẩu lên đến 46% thì tôi sợ sức mua sẽ giảm".
60 - 70% các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp của Bình Dương lên đến 80%. Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương lo ngại, việc Mỹ áp thuế 46% có thể khiến đối tác hủy đơn hàng, giảm số lượng.
"Chính sách thuế của Mỹ khá phức tạp, hiện doanh nghiệp chúng tôi cũng đang nghe ngóng phản ứng tiếp theo từ phía các đối tác và rất kỳ vọng Chính phủ, ngành chức năng sớm có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp", đại diện BIFA nhấn mạnh.
Nhẩm tính, một chiếc bàn bán 100 USD, nay cùng cái đó, người Mỹ phải trả 146 USD, một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại TP.HCM cho biết, đối tác của họ ở Mỹ cũng "choáng". Hôm nay, công ty này sẽ liên lạc làm việc với các hãng tàu, đối tác để rõ sự việc.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, thông tin này khiến hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rất "bối rối".
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 - 2,1 tỷ USD mỗi năm, trong đó, tôm và cá tra là chủ lực, vì vậy việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trước tình hình đó, theo ông Nam, VASEP sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành liên quan, từ đó có những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt.
Kỳ vọng cuộc đàm phán cấp cao
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa từ Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định, những mặt hàng chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu tác động nặng nề nhất.
Trong bối cảnh mới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.
Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Về lĩnh vực dệt may, theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, mức thuế trên ngoài dự tính của ngành dệt may – mức 25%. Vì thế, tới đây việc thực hiện mục tiêu kinh doanh năm 2025 là "câu chuyện rất lớn" và "cực kỳ khó khăn".
Hiện hàng dệt may xuất sang Mỹ đang có mức bình quân 12%, riêng mặt hàng jean, kaki của công ty chịu mức thuế nhập khẩu 16%. Nếu Mỹ áp thuế đối ứng, hàng dệt may bị đánh thuế khoảng 58%.
"Lúc này, chúng tôi chưa biết nói gì hơn, nhưng kỳ vọng sẽ có cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo cao cấp hai nước…", ông Việt chia sẻ.
Bình luận về diễn biến này, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CP Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng) cũng nhìn nhận, đây là "phát súng" của Mỹ để cho các quốc gia kinh doanh với họ xem xét lại thuế đối ứng mà lâu nay đã làm với Mỹ. Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất khẩu lớn thì cũng nên xem đây là cơ hội để rà lại các chính sách cho phù hợp.
"Nên nhìn nhận lại một cách nghiêm túc để phù hợp với điều kiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu. Chính phủ cần tính toán đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp", ông Lĩnh nói.
Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10 - 20% so với đối thủ chính
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, do Việt Nam bị áp thuế đối ứng cao hơn nhiều so với các đối thủ nên tác động sẽ là rất lớn.
"Trước đây, có người cho rằng Mỹ áp thuế Việt Nam cũng không vấn đề gì, vì Mỹ cũng sẽ áp thuế tương tự đối với nước khác, nên hàng của Việt Nam cũng sẽ không bị giảm tính cạnh tranh. Tuy nhiên, điều không mong muốn đã diễn ra khi mà mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn chúng ta", ông Đức nói.
Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng với Việt Nam là 46%,tương đương với Campuchia, Lào, Sri Lanca, Trung Quốc, trong khi Thái Lan chỉ bị áp mức 36%, Ấn độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...
Như vậy, nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10 - 20% so với đối thủ chính, chuyên gia ước tính.
Hồng Hạnh