Bâng khuâng cũng mang theo mùi hương

Bâng khuâng cũng mang theo mùi hương
3 giờ trướcBài gốc
Cũng chẳng biết tự bao giờ, lá ngô đồng lại trở thành ước lệ của mùa thu:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.
(Ngô đồng một lá rời cành
Báo cho thiên hạ tin lành thu sang.)
Sự chuyển mình nhè nhẹ của những ngày thu cứ làm lòng người ngẩn ngơ muôn nỗi, kiểu như gió bay từ muôn phía...
Khúc mùa thu của lòng tôi lại bắt nguồn từ cây ngô đồng sừng sững ở một góc sân nhà thờ nọ. Nhưng cây ngô đồng hiếm hoi của xứ Tiên không nở vào cuối xuân như loài vương giả chi hoa, gắn liền với huyền thoại về chim phượng hoàng sang trọng, ở Cố đô Huế. Ngô đồng xứ Thần Kinh là điểm nhấn mơ màng của mùa xuân, giữa không gian lành lạnh, nơi Hoàng Thành rêu phong, Công viên Tứ Tượng hay mênh mang Đại Nội.
Cây ngô đồng quê tôi lẻ loi như một người lạc loài xứ lạ. Cô đơn mà kiêu hãnh. Rằng cây vẫn vươn mình xanh lá giữa nắng mưa khắc nghiệt của miền Trung. Rằng cây vẫn đều đặn báo tín hiệu thu bằng hoa chứ không phải lá. Người ta cho rằng, nhìn cây ra hoa lá biết được tuổi đời. Hoa nở cùng lá là cây còn non. Còn hoa rộ nở sau khi đã rụng lá toàn phần, là cây đã đứng tuổi. Cây ngô đồng cô đơn này nhất loạt bừng lên màu đỏ cam rực rỡ trong nắng thu đã bắt đầu dịu nhẹ. Có lẽ nó cũng đã trải qua mấy chục mùa mưa nắng, mấy chục lần lá úa lá xanh. Nơi góc sân nhà thờ, sát ngã ba đường, cây ngô đồng gợi lên sự vững chãi, thái hòa, bình yên và tôn quý.
Ảnh minh họa: Tạp chí Đông Nam Á.
Tôi lên mạng tìm thêm hình ảnh ngô đồng, thì phát hiện ra cây ngô đồng quê mình có bà con họ hàng tận ngoài Cù Lao Chàm. Nơi đây, ngô đồng được công nhận là cây di sản Việt Nam, là biểu tượng của hòn đảo xinh xắn án ngữ phía đông phố Hội. Cũng chính nơi này, ngô đồng trổ hoa bạt ngàn vào độ tháng Bảy, tháng Tám toàn màu đỏ cam rất nên thơ. Đúng là bên ni bên tê đèo Hải Vân, thổ nhưỡng và khí hậu khiến cho tính cách loài cây cũng nhiều phần khác biệt. Tự nhiên, ngô đồng thành hoa của mùa thu xứ Quảng. Vậy mà, tôi lại lãng quên một góc thu của khu vườn tuổi thơ mình. Xưa, vườn tôi có mấy cây ngô đồng, không to lắm nhưng cũng được mấy mùa hoa. Ông ngoại và ba tôi thường lấy vỏ cây ngâm nước rồi tước ra thành sợi, sau đó bện lại thành dây thừng hoặc nếu được nhiều thì thắt võng theo từng ô hình thoi, rất bền và đẹp. Xưa, mấy khu vườn hoặc ngọn đồi quê tôi cũng có nhiều ngô đồng. Nhưng tôi bé thơ đâu có biết giá trị của cây để mà nâng niu gìn giữ? Giờ may chăng, ngô đồng còn vài cây bên miệng Hang Dơi, trên Dương Chức. Bởi vậy nên, nhìn cây ngô đồng hiếm hoi còn sót lại, tôi thấy trân trọng biết bao những vẻ đẹp hiện hữu quanh mình.
Nếu ta nghĩ một năm là bản nhạc với nhiều giai điệu, thì phải chăng mùa thu là khúc nhạc trầm? Hoa cũng là âm nhạc của đất trời. Hoa ngô đồng mùa thu hàm chứa nhiều thông điệp bí ẩn từ thiên nhiên mà có lẽ chúng ta không thể nào giải mã thấu tận. Tôi không biết loài hoa kỳ diệu này thơm ra sao, nhưng giữa sắc trời xanh mây trắng của những ngày đầu thu, tôi thả hồn theo câu thơ của Du Tử Lê, rằng bâng khuâng cũng mang theo mùi hương...
Diệu Hiền
Lưu Hường
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/bang-khuang-cung-mang-theo-mui-huong-275042.htm