Con người đang quá lạm dụng các loại đồ nhựa dùng một lần. (Nguồn: Vietnam+)
Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trên bàn ăn trong những ngày Tết cổ truyền. Những chiếc bánh vuông vắn được xếp trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, rồi được hạ dần xuống trước các bữa ăn, được bóc ra và bày trên đĩa, cùng với dưa muối, dưa góp, tạo nên một không khí đặc biệt, một không khí “rất Tết.”
Muôn vàn bí quyết “chống dính” cho bánh chưng
Được làm từ gạo nếp dẻo và dính, việc bóc và cắt bánh chưng cũng mất khá nhiều công sức và đòi hỏi sự khéo léo nhất định để tránh bị dính vào tay, vào tóc, thậm chí vào quần áo. Nhiều người cũng bày tỏ sự phiền toái khi phải chà rửa lớp gạo nếp dính chặt trên những chiếc dao cắt bánh, những chiếc đĩa đựng bánh.
Vì vậy, cách đây vài năm, một video chia sẻ mẹo cắt bánh chưng sạch sẽ, không dính đã lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều người hưởng ứng nhiệt liệt vì sự đơn giản và tính hiệu quả. Theo nội dung được chia sẻ, bạn chỉ cần quấn một lớp màng bọc thực phẩm bên ngoài lưỡi dao, cắt bánh bình thường và sau đó gỡ lớp màng bọc và vứt đi, không cần phải lo rửa dao.
Phương pháp này sau đó đã được nhiều người áp dụng thành công, chia sẻ lên mạng và nhờ đó ngày càng được lan truyền rộng rãi trong suốt hai kỳ Tết âm lịch sau đó.
Không những thế, nhiều người dùng mạng khác cũng chia sẻ những “bí quyết” khác để tránh việc rửa bát đĩa, rửa tay sau khi bóc và ăn bánh chưng, đó là bọc một lớp màng bọc thực phẩm vào bát đĩa trước khi ăn, đeo găng tay nylon khi bóc bánh chưng, hoặc sử dụng các loại bát đĩa, đũa dùng một lần khi ăn bánh chưng.
Những phương pháp này có thể giúp tiết kiệm một vài phút rửa bát, vài giọt dầu rửa bát, vài chậu nước, nhưng lại thải ra môi trường vô số rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa dùng một lần, vốn ít được phân loại và thu gom hơn các loại nhựa khác.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng mạng, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội lên tiếng phản đối cách làm này, bởi cách thức cắt bánh chưng bằng lạt vốn đã rất quen thuộc và hiệu quả rồi, cách làm mới này vừa làm mất đi một nét độc đáo cũ, lại vừa làm tăng thêm lượng rác thải nhựa ra môi trường, đặc biệt khi màng bọc thực phẩm vốn được coi là một loại nhựa khó tái chế.
Vì vậy, dù được phổ biến rộng rãi, thậm chí đưa lên các bài viết trên các trang thông tin điện tử, nhiều người vẫn lựa chọn cách cắt bánh truyền thống nhiều năm nay của người Việt, đó là cắt bằng chính những sợi lạt vừa được gỡ ra từ chiếc bánh.
Đầu tiên, chúng ta sẽ bóc hết lá ở một mặt của bánh, sau đó tước lạt buộc bánh thành những sợi nhỏ, dài, dẻo dai, đặt lên giữa bề mặt của bánh lần lượt theo chiều ngang, dọc và hai đường chéo, sau đó úp một chiếc đĩa phủ lên mặt bánh, khéo léo lật đĩa lại và bóc nốt phần lá còn lại. Lúc này, bạn chỉ việc lần lượt kéo chéo hai đầu của một sợi lạt theo thứ tự như mình đã sắp xếp ban đầu, và chiếc bánh sẽ được cắt thành 8 miếng đẹp và gọn ghẽ.
Cách cắt bánh này không những hiệu quả, tận dụng được những vật liệu sẵn có mà còn thể hiện sự khéo léo, tinh tế của người thực hiện. Sợi lạt phải đủ nhỏ và chắc, kéo phải đủ mạnh để lát cắt thật ngọt, và phải sắp xếp thật khéo để các miếng bánh đẹp và đều tăm tắp, ngon miệng khi bày lên mâm.
Bên cạnh đó, với nhiều người, công đoạn cắt bánh hoàn hảo này mang đến một cảm giác thư giãn thoải mái khó tả, giống như phản ứng của chúng ta khi xem những video về chế tác thủ công, nặn đất sét, hay cắt gọt vuông vức một bánh xà phòng – thường được gọi là “oddly satisfying video" (tạm dịch: những video đem lại cảm giác thỏa mãn một cách kỳ lạ).
Đặc biệt hơn nữa, nó gợi lại ký ức tuổi thơ, khi những đứa trẻ xúm xít quanh ông bà, bố mẹ, chờ đợi một miếng thịt nạc “cứng đầu” được lôi lên theo chiếc lạt. Lúc ấy, thịt cá đầy mâm dường như lại không ngon bằng “kho báu” bất ngờ được đào lên theo chiếc bánh.
Khi sự tiện lợi đang “bọc nhựa” cuộc sống hàng ngày
Câu chuyện bánh chưng và màng bọc thực phẩm chỉ là một góc nhỏ phản ánh cuộc sống hiện đại, khi sự tiện lợi hàng ngày lại kéo theo những hiệu ứng không tốt khác cho chính môi trường sống của chúng ta.
Cắt bánh chưng bằng lạt.
Đồ nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt tại các cửa hàng bán đồ mua mang về (take away) nhờ độ sạch sẽ, tiện lợi, dễ vận chuyển. Tuy nhiên, giờ đây loại đồ dùng này đang dần “xâm chiếm” vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Chị Thủy (Hà Nội) cho biết chị là một tín đồ mua sắm trên mạng xã hội, và luôn bị cuốn hút bởi những món đồ gia dụng nhỏ giúp cho cuộc sống tiện lợi hơn.
Tuy nhiên, về lâu dài, chị nhận ra mình đang “bọc nhựa dùng một lần” cho hầu hết các đồ đạc trong bếp, như túi lọc rác dùng 1 lần nơi bồn rửa, khăn trải bàn dùng một lần cho bàn ăn, màng bọc thực phẩm cho đồ trong tủ lạnh, túi rác dùng một lần, ngoài ra còn các loại khay nhôm dùng một lần cho lò nướng, nồi chiên không dầu. Chị đã phải mất một thời gian dài để điều chỉnh lại thói quen, sử dụng nắp lọc rác inox, các loại khay nướng, hấp bằng inox, thủy tinh, đựng thực phẩm trong hộp kín thay vì dùng màng bọc thực phẩm.
Trở lại với bánh chưng và màng bọc thực phẩm, việc cắt bánh chưng bằng lạt là một câu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nó là sự thể hiện quan điểm của mỗi người về một vấn đề lớn hơn: rác thải nhựa. Đó là khi chúng ta vì những tiện lợi nho nhỏ cho bản thân mà bắt Trái Đất phải chịu thêm một gánh nặng về môi trường không đáng có.
Cũng theo một thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, bình quân mỗi hộ gia đình hiện sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nylon.
Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Màng bọc thực phẩm được xếp vào thể loại rác thải nhựa khó và không được tái chế.
Trước đó, nhằm đạt được thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa, UNDP đã khuyến cáo Việt Nam cần xem xét một số các biện pháp đang được đề xuất như lệnh cấm nhựa dùng một lần hoặc hạn chế sản xuất nhựa sẽ tác động đến nền kinh tế, xã hội và môi trường như thế nào; từ đó đảm bảo sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất liên quan đến nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất nhựa với trị giá 25 tỷ USD.
Vậy nên, để có thể hạn chế tối đa việc sử dụng loại màng bọc này, bạn vẫn có thể lựa chọn những loại màng bọc thực phẩm sinh học để phục vụ việc cắt bánh với dao. Ngay tại Việt Nam, đã có những loại màng bọc thực phẩm được chế tạo từ nước vo gạo, vỏ tôm cua hoặc nhiều sản phẩm sinh học khác, mang lại tiềm năng về một cuộc sống vừa tiện lợi, vừa xanh.
Tuy nhiên, trong những ngày Tết rảnh rang, bạn vẫn có thể thử sức bản thân mình với việc tỉ mỉ tước lạt buộc thành những sợi mảnh dẻo dai, kiên nhẫn sắp xếp vào những chiếc bánh vuông vắn, rồi tận hưởng cảm giác thư giãn khi ngắm nhìn sợi dây đang cắt ngọt qua chiếc bánh thành những góc vuông vức, hoặc những lát bánh mỏng đều tăm tắp trước khi rán.
Cuộc sống luôn luôn biến đổi và đi lên, nhưng có những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được lưu giữ, nâng niu, những phong tục, tập quán không chỉ có tính kế thừa, mà còn góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn./.