Mỗi độ Tết đến Xuân về, trong cái lạnh se sắt của Hà Nội, làng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì) lại rộn ràng tiếng cười nói, mùi lá dong, gạo nếp hòa quyện với hơi bếp lửa hồng. Nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ bánh chưng” của Thủ đô, nơi giữ trọn vẹn hương vị truyền thống qua bao thế hệ.
Làng Tranh Khúc không chỉ là một địa danh, mà còn là một phần linh hồn của Tết Hà Nội. Tồn tại qua hàng trăm năm, nơi đây là biểu tượng cho sự kiên trì giữ gìn phong tục nấu bánh chưng cổ truyền của người Việt. Người dân trong làng kể rằng, nghề gói bánh chưng ở đây đã xuất hiện từ thời ông bà, tổ tiên họ, khi đất nước còn khó khăn. Từ những chiếc bánh chưng đầu tiên được gói để cúng tổ tiên, qua thời gian, người làng bắt đầu nấu bánh để buôn bán, đưa hương vị Tết đến với nhiều gia đình hơn.
Những con ngõ nhỏ của làng Tranh Khúc ngày thường yên bình bỗng chốc trở nên nhộn nhịp từ những ngày tháng Chạp cuối năm. Khi nhóm phóng viên Báo Công Thương có mặt tại đây trong những ngày giáp Tết, đâu đâu cũng thấy hình ảnh mọi người tất bật rửa lá, ngâm gạo, thái thịt, gói bánh. Dưới đôi bàn tay khéo léo, hàng ngàn chiếc bánh chưng xanh vuông vức ra đời, không chỉ phục vụ Tết của người Hà Nội mà còn được vận chuyển đi khắp nơi. Ở ngôi làng này, có lẽ không ai xem việc làm bánh chưng là công việc đơn thuần, mà đó là cách mà nhiều người vẫn luôn cố gắng giữ lửa, giữ gìn truyền thống.
Mỗi người còn giữ nghề truyền thống trong làng đều thầm hiểu rằng bánh chưng không chỉ là món ăn, mà là một nét son đỏ thắm trong văn hóa ẩm thực cần được bảo tồn, như một nhịp sống đã ăn sâu vào máu thịt người dân Tranh Khúc.
Người dân làng Tranh Khúc không chỉ giữ nghề làm bánh, mà còn giữ những câu chuyện ấm áp bên bếp lửa. Bà Nguyễn Thị Tuyết, một người làm bánh lâu năm của làng bánh chưng Tranh Khúc mỉm cười, chậm rãi nhớ lại những ngày thơ bé: “Hồi nhỏ, cứ đến gần Tết là cả nhà quây quần bên nhau. Người lớn gói bánh, trẻ con ngồi chờ bên nồi bánh, háo hức đợi đến lúc bánh chín để được thưởng thức chiếc bánh nóng hổi đầu tiên. Tôi chính thức bắt tay vào làm những chiếc bánh chưng để bán đã hơn 40 năm, từ năm tôi 20 tuổi. Cảm giác đó khó mà quên được”.
Bà Tuyết kể rằng, trước đây, việc gói bánh không chỉ là công việc của một gia đình, mà cả làng như một đại gia đình lớn. Những đêm cuối năm, người dân thường tụ họp lại, giúp nhau gói bánh, trông lửa. Trong ánh sáng bập bùng của bếp củi, những câu chuyện cũ, mới, từ chuyện đồng áng, chuyện chợ phiên, đến cả chuyện tình làng nghĩa xóm của một thời xưa cũ được hồi tưởng lại. Bà cũng không quên nhắc về Tết xưa, khi gói bánh chưng không chỉ là việc làm ăn, mà là phong tục thiêng liêng của mỗi nhà: “Ngày trước, mọi người trong làng thường đổi công cho nhau, nhà này giúp nhà kia gói bánh. Đêm cuối năm, cả làng quây quần bên nồi bánh, vừa trông lửa vừa kể chuyện xưa. Tình làng nghĩa xóm ngày ấy thiêng liêng lắm".
Bánh chưng của Tranh Khúc “gây thương nhớ” không chỉ bởi sự vuông vức đẹp mắt mà còn ở hương vị thơm ngon, đậm đà, mềm dẻo. Gạo nếp được chọn phải là loại nếp cái hoa vàng, hạt căng, thơm và đều. Lá dong được lấy từ những vùng núi phía Bắc, sau đó được rửa sạch, cắt tỉa cẩn thận để không làm rách xước khi gói. Đỗ xanh được đồ chín, xay nhuyễn, còn thịt lợn phải là thịt ba chỉ có cả nạc lẫn mỡ, tẩm ướp vừa vặn. Mỗi chiếc bánh là sự kết hợp hoàn hảo của các nguyên liệu, nhưng quan trọng nhất vẫn là đôi bàn tay khéo léo và tấm lòng của người làm nghề.
Những chiếc bánh chưng của Tranh Khúc không chỉ nổi tiếng ở Hà Nội, mà còn vang danh khắp nơi bởi hương vị đặc trưng khó quên. Để làm ra những chiếc bánh vuông vức, xanh mướt và dẻo thơm, người dân Tranh Khúc đã kỳ công từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến cách gói, cách nấu. Bà Tuyết tiết lộ rằng, điều làm nên sự khác biệt của bánh chưng Tranh Khúc chính là cách nấu bánh. “Lửa phải giữ đều, nước phải luôn ngập bánh để bánh chín từ từ. Khi bánh chín, không chỉ ngon ở hương vị, mà còn thơm ngát mùi lá dong, màu xanh mướt bắt mắt".
Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều thay đổi. Người ta không còn nhiều thời gian để tự tay ngâm gạo, rửa lá, ướp thịt, gói bánh, trông bếp lửa như trước. Thay vào đó, bánh chưng được đặt mua sẵn từ các làng nghề như Tranh Khúc. Điều đó vừa là niềm vui, nhưng cũng là một niềm nhớ nhung khó tả thành lời.
“Ngày xưa, gói bánh chưng là niềm vui của cả gia đình. Bây giờ, nhịp sống vội vàng khiến người ta lãng quên đi nhiều phong tục xưa. Nhưng tôi tin rằng, dù xã hội có thay đổi thế nào, bánh chưng vẫn sẽ là biểu tượng không thể thiếu của ngày Tết”, bà Tuyết tâm sự.
Người dân Tranh Khúc vẫn miệt mài giữ nghề, vì họ tin rằng chiếc bánh chưng không chỉ là món ăn, mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. “Gói một chiếc bánh, tôi như gói cả hương vị tình yêu với Tết cổ truyền, với quê hương”, bà Tuyết tâm sự, đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Câu chuyện Lang Liêu - vị hoàng tử nghèo nhưng hiền lành, đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày từ những nguyên liệu giản dị nhất như gạo, đỗ, thịt - là biểu tượng thiêng liêng của lòng hiếu thảo và sự biết ơn đối với đất trời, tổ tiên. Qua giấc mơ được vị thần mách bảo, hoàng tử Lang Liêu khi ấy hiểu rằng những điều giản dị, gần gũi nhất lại chứa đựng ý nghĩa sâu sắc nhất.
Chiếc bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh dày tròn tượng trưng cho trời, hòa quyện tinh hoa của thiên nhiên và công sức lao động của con người. Bên trong bánh, sự kết hợp hài hòa của gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn chính là biểu tượng cho sự trọn vẹn, đủ đầy, sung túc. Bánh chưng không chỉ là món ăn, mà còn là câu chuyện văn hóa, là lời nhắc nhở mỗi người Việt về nguồn cội, về những giá trị không thể phai nhòa. Vua Hùng chọn lễ vật của Lang Liêu không chỉ vì sự sáng tạo, mà còn vì giá trị nhân văn sâu sắc - tôn vinh đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Truyền thuyết ấy nhắc nhở mỗi chúng ta, mỗi người dân đất Việt rằng, dù thời gian có đổi thay đến đâu, xã hội có phát triển như thế nào, thì tấm lòng biết ơn tổ tiên, sự gắn kết gia đình và những nét văn hóa truyền thống vẫn luôn là giá trị cốt lõi của ngày Tết Việt. Mỗi chiếc bánh chưng không chỉ là món ăn giản dị, mà còn mang theo hơi thở của đất trời, tình thân và niềm tự hào dân tộc.
Và câu chuyện “Bánh chưng của làng Tranh Khúc” mà ekip phóng viên Báo Công Thương ghi lại thêm một lần nhắc nhớ nơi đây không chỉ làm ra những chiếc bánh chưng thơm ngon, mà còn là chốn lưu giữ lại hương vị ẩm thực của phong tục ngày Tết. Những bếp lửa cháy đỏ trong làng không chỉ sưởi ấm mùa xuân xứ Bắc, mà còn thắp lên niềm tin rằng, dù thế nào chăng nữa, những hương vị truyền thống của cha ông sẽ mãi luôn được lưu nhớ và gìn giữ./.
BT: Thanh Thảo - Quỳnh Trang
Đồ họa: Choibeo
Thanh Thảo - Hồng Thịnh