Bánh dâng lễ thánh ở lễ hội làng Bình Đà

Bánh dâng lễ thánh ở lễ hội làng Bình Đà
một ngày trướcBài gốc
Lễ thả bánh ở giếng làng.
Trong các vật phẩm dâng lễ, tế tự của lễ hội này phải kể đến bánh dâng tế thánh. Đây là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội và đặc biệt hơn nữa là từ xa xưa đến nay, loại bánh này duy chỉ được truyền đời trong gia đình họ Nguyễn Văn ở xóm Chua (tên chữ là Minh Châu) làng Bình Đà.
Câu chuyện về loại bánh này là một bí ẩn không chỉ với người dự hội xuân của làng vào ngày mùng 6 tháng 3 hàng năm mà ngay cả với người làng thì việc làm ra bánh, tế bánh, thả bánh trong giếng làng cũng vẫn luôn hàm chứa trong nó những điều bí ẩn, kỳ lạ, chất chứa những hàm ý của tiền nhân.
Trước hết xin nói về ngôi đình – Đình Nội - của làng Bình Đà. Đây chính là nơi thờ Đức quốc tổ Lạc Long Quân. Di tích quốc gia, linh thiêng, trầm mặc, nơi có bức phù điêu hay còn gọi là giá tượng bảo vật quốc gia 2015. Cũng như những làng quê khác, dân làng thường lựa chọn những vật phẩm ngon lành, tươi tốt nhất để dâng lễ thánh, lễ đội, kiệu rước của từng gia đình, dòng họ, từng xóm thôn đổ về đình rất trang trọng. Cùng với rồng, lân sư... tất cả cùng làm nên một lễ hội lớn, suốt từ 26 tháng 2 âm lịch cho đến mùng 7 tháng 3 âm sau lễ tạ, đóng cửa đình.
Kể về bánh thánh, ông Nguyễn Văn Nam mùa xuân này đã tròn 80 tuổi, người đã có hơn 60 năm chứng kiến, phụ việc và đứng chủ làm bánh kể:
Từ đâu mà làng tôi có tục làm bánh tế thánh và gia đình tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp làm bánh dâng tế thánh tôi không biết. Chỉ thấy rằng đây là việc truyền đời, không có sách vở nào ghi cả, mà chỉ là các cụ làm sao, thì truyền cho con cháu là vậy. Thời gian, loạn lạc, chiến tranh, nhưng việc làm bánh này với những nguyên tắc nghiêm cẩn chưa bao giờ bao giờ bị thất truyền. Cụ tôi là cụ Phó Soạn, ông tôi là ông Hương Hòe, bố tôi là ông Hương Hoạt, đều là người có chức sắc, chữ nghĩa trong làng, luôn trọng việc làng giao. Xưa thì còn 2 sào mười ruộng, cấy trồng lấy hoa lợi, cấy lúa nếp làm bánh thánh, nhưng sau này thì không còn phần ruộng này nữa. Nhưng bây giờ thì làng xã, chính quyền cho đến gia đình tôi cũng đều biết việc quan trọng này, nên thành tâm làm đầu.
Nghi lễ ở Hội làng Bình Đà.
Vật dụng làm bánh phải mới và sạch. Tuy rằng việc làm bánh đời tôi chứng kiến những biến chuyển, tiến bộ nhưng cung cách thì không thể tắt lối, hay đổi mới, tân tiến được. Những bí mật này, gắn liền với tâm linh. Tôi hiểu và chiêm nghiệm thấy.
Những ngày hội, cả làng lo đi hội, lo đón khách, nhà tôi thì canh cánh từ độ trong năm. Nào thì mua dụng cụ mới, phơi khô, rửa sạch, quạt giấy, cối giã gạo, gạo, nguyên liệu bí truyền xa gần phải gom đủ. Lẳng lặng tìm, chọn mua, không dược hé lộ với ai.
Cuối tháng 2 âm, mọi thứ đã phải đầy đủ. Chiều mùng 5 tháng 2 là gánh gồng mọi thứ dụng cụ, nguyên liệu ra đình để làm bánh. Ở đó các cụ đã cho quây kín 1 góc tả mạc để suốt quá trình làm bánh không bị lộ. Tôi đã phụ việc cho ông và bố tôi từ những năm 1965, năm 1987 khi 42 tuổi thì phụ giúp bố tôi làm bánh.
Làm bánh thánh đòi hỏi sự nghiêm cẩn, từ dụng cụ đến nguyên liệu. Không có thừa, không có thiếu. Là gạo nếp, ngâm miết thành bột, là hương liệu, là nhân, là chữ. Nhưng xem ra chứa đựng những ước mong, dự báo, lo lắng, chiêm nghiệm, thành tâm, ước vọng...
Bao giờ cũng vậy, chiều mùng 5 tháng 3, bánh hoàn tất, đặt trong bát cổ, phủ vải đỏ dâng vào hậu cung, giao bánh, tế chào, xin âm dương. Chỉ đến khi mọi việc suôn sẻ thì tôi mới tạm thời yên tâm trở về vui hội. Nhiều khi thấy người làng giao đãi, đón khách lòng cũng ngậm ngùi, vì việc thánh, việc làng mình không thể không chu toàn.
Tôi nói khi bánh được dâng tế mới tạm thời yên tâm là vì, chính hội ngày 6 tháng 3, bánh rước vào hậu cung thờ qua đêm. Hôm sau, chính hội, kiệu rước về đình, tế xong, được giờ, thường là sau giờ ngọ, bánh được rước ra Giếng Cả để thả. Nghi lễ này cũng vô cùng quan trọng và đương nhiên bánh cũng không thể lộ diện trước bàn dân thiên hạ. Tại giếng Cả, vải đỏ, cờ xí đã được quây, chỉ có 1 lối để ông chủ tế thả bánh, chưa kể bánh rước ra, rồng cũng che kín. Bánh thánh được tự tay ông chủ tế thả, nổi chìm ra sao, bánh sống, chín thế nào, được báo trước sau, chìm nổi trong nước thế nào mọi người đều nín thở. Cho dù là bánh được thả giữa thanh thiên bạch nhật ngày hội xuân, với đông đảo khách xa gần xem nhưng bao đời nay, chưa bao giờ những bí mật về bánh bị lộ, hay bị coi là phạm.
Có 1 năm, năm 2017, tôi làm chủ tế và được tự tay mình làm và thả bánh thánh. Cảm xúc xen lẫn chiêm nghiệm, kỳ vọng sống động trong tôi, đây là 1 trải nghiệm quý và tôi hiểu cha con tôi, cháu chắt tôi sẽ phải giữ để việc làng nước, việc nhà thánh luôn hoàn tất. Cũng năm đó, con trai trưởng của tôi dù có thoát ly, đi làm nhà nước thì công việc cũng xê xếp được để khi việc đến tay đã biết phụ giúp bố, dần dà tiếp quản công việc này.
Hội năm nay phân công chuẩn bị cũng đã được chính quyền và nhân dân làm tốt. Tôi thì vẫn như mọi năm, bà nhà đã chuẩn bị gạo nước, vật dụng, đồ dùng mới tinh tươm để ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch là mang ra đình, quây 1 góc tả mạc như mọi năm và tiến hành làm bánh vào mùng 5 tháng 3 âm. Dù năm nào việc cũng vậy, nhưng với gia đình tôi bao giờ cũng được coi là việc trọng, việc lớn, mọi người trong nhà từ ông bà đến con cháu đều nhất tâm. Nhà thánh đã chọn, mình thay mặt dân làng làm bánh tế cả năm mới có một lần, phải làm tốt nhất, trong khả năng của mình.
Thật là quý, dòng họ Nguyễn đã nghiêm cẩn cất giữ và trao truyền cho thế hệ sau trọng trách làm bánh tế thánh này. Cả một chặng dài đã hơn nửa thế kỷ làm bánh dâng thánh, ông Nguyễn Đăng Nam thật sự đã cất giữ trong tâm hồn mình 1 một phần ký ức đẹp, linh nghiệm, lung linh của làng xã mình.
Từ xưa đến nay lễ hội làng Bình Đà đã luôn thu hút đông đảo khách xa gần về dự hội, quy mô tổ chức lớn như hội tổng. Năm nào cũng vậy cả chủ và khách đều háo hức xem múa rồng, rước mã và thả bánh thánh. Tiếng trống hội vang vọng, rồng bay trong mưa xuân hay nắng xuân nhè nhẹ uy nghiêm. Đám rước đi đến đâu người dân 2 bên đường đều mở tung cửa đón nguồn sinh khí tốt ùa ập vào từng tư gia. Ai cũng thành tâm cầu mong mọi việc thuận, tốt đẹp, đức thánh ban lộc ban tài cho bách gia trăm họ cùng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, hoa trái được mùa…
Cuối mùa Xuân, không gian thơm ngát hương hoa. Ngõ làng những hoa bưởi hoa xoan thơm suốt các xóm Chằm,Thượng, Chợ, Chua, Quếch, Đìa, Dộc… Những cái tên nôm mộc mạc mà để nhớ chứ tên chữ của làng rất hay Trạch Thượng, Trạch Hạ, Cao Thị, Minh Châu, Đường Quếch, Phượng Trì…quả là một vùng đất cổ với tầng tầng lớp lớp trầm tích văn hóa bao đời gìn giữ vun đắp. Địa danh Bình Đà xã Bình Minh – Thanh Oai - Hà Nội thực sự là 1 địa chỉ văn hóa 4 mùa chào đón những nhà nghiên cứu và những người yêu làng xã, thích tìm hiểu văn hóa làng.
Nguyễn Minh Hoa
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/banh-dang-le-thanh-o-le-hoi-lang-binh-da-10302704.html