Tận dụng nguồn nguyên liệu tôm sẵn có tại địa phương, người dân xã Tân Thuận đã duy trì nghề làm bánh phồng tôm truyền thống, nhờ đó có nguồn thu nhập ổn định.
Mùa này, người dân xã Tân Thuận vào vụ bánh phồng tôm.
Gia đình chị Huỳnh Diệu Hiền, ấp Thuận Hòa B, là một trong những hộ có 30 năm làm bánh phồng tôm, ông bà truyền lại cho con cháu nối nghiệp và phát huy. Chị Hiền chia sẻ: “Gia đình vẫn giữ nghề truyền thống sản xuất thủ công, thường khoảng đầu tháng 10 âm lịch bắt đầu làm bánh phồng tôm chuẩn bị cho vụ Tết, cung ứng cho đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh”.
“Tết này, mỗi tháng gia đình làm 150-200 kg bánh phồng tôm, với giá 150 ngàn đồng/kg, bánh đặc biệt tôm nhiều giá 250-300 ngàn đồng/kg. Ngoài ngày thường làm theo đơn đặt hàng của khách, mỗi mùa Tết, gia đình có thu nhập từ 35-40 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, chị Hiền cho biết.
Gia đình bà Trà Thu Mừng, ấp Thuận Hòa B, giữ nghề làm bánh phồng tôm gần 20 năm nay. Cận Tết, đơn hàng nhiều nên những ngày này, bà phải dậy từ sớm làm để kịp giao cho khách.
Theo bà Mừng, gia đình chỉ chuyên làm một loại bánh phồng tôm, cũng là loại bánh được nhiều khách hàng ưa chuộng nhất. Ðể có những chiếc bánh phồng tôm thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Ðầu tiên chọn tôm tươi sống, lột bỏ vỏ và chỉ đen trên lưng, đem xay nhuyễn. Kế tiếp, người thợ nhồi tôm xay cùng bột năng, bột mì, gia vị... cho đến khi bột mịn và đem tráng bánh. Ðây là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo, đều tay của người làm bánh, nếu không bánh sẽ bị dày và chai.
Bà Trần Yến Phương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết: “Từ lâu, nghề làm bánh phồng tôm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Xã có khoảng 10 hộ theo nghề làm bánh phồng tôm, chủ yếu là làm thủ công truyền thống, sản xuất quanh năm. Dịp Tết là thời điểm các cơ sở phải tăng lượng bánh phồng tôm lên gấp đôi để phục vụ thị trường. Hiện nay có 1 cơ sở sản xuất bánh phồng tôm đang đăng ký hồ sơ tham gia sản phẩm OCOP”./.
Tiểu Ái