Bánh sắn Hùng Lô - món ngon làng cổ

Bánh sắn Hùng Lô - món ngon làng cổ
15 giờ trướcBài gốc
Nguyên liệu chính của món ăn này là củ sắn (hay còn gọi là khoai mì). Theo lời kể của người địa phương, bánh sắn có ở làng từ cách đây cả trăm năm, khi kinh tế còn khó khăn, cuộc sống đói kém, người dân coi củ sắn như lương thực chống đói.
Bánh sắn Hùng Lô – món ngon dân dã được truyền từ đời này qua đời khác.
Cách làm bánh sắn cũng không quá cầu kỳ. Sắn thái mỏng, phơi khô được nghiền hay giã ra lấy bột, lọc bỏ xơ để làm bánh. Bánh sắn ngày ấy không có nhân, người dân lấy đũa chọc một lỗ thủng ở giữa, cho bánh nhanh chín đều. Đó là lý do người dân còn gọi vui là bánh sắn “nhân đũa”.
Bánh sắn được làm từ sắn nếp non, tươi, đầu củ phải nhỏ, thân mượt, dễ bóc vỏ, màu trắng tinh.
Ngày nay, bánh sắn được làm từ sắn nếp non, tươi, đầu củ phải nhỏ, thân mượt, dễ bóc vỏ, màu trắng tinh. Sau khi rửa sạch, sắn được sát thành miếng, phơi khô rồi nghiền thành bột mịn. Hoặc một số hộ thì có cách làm cải tiến hơn là đem gọt vỏ rồi giã nhuyễn, vắt nước lấy bã. Phần nước vắt ra để cho lắng, thu được tinh bột mịn.
Người làm trộn bột với nước nóng, nhào kĩ cho đến khi thành hỗn hợp bột mịn mới đem làm vỏ bánh. Theo bà Cao Thị Năm – khu Tân Tiến, xã Hùng Lô: Điều cần đặc biệt lưu ý khi nhào bột làm bánh là phải nhào với nước sôi, có như vậy bánh mới dẻo, mịn. Nếu nhào với nước lạnh, bánh sẽ bở ăn không ngon.
Phần nhân bánh được chế biến đa dạng, đầy đặn hơn, tùy theo sở thích của mỗi người. Bánh sắn nhân mặn sẽ gồm thịt lợn với đỗ xanh, hay thịt lợn với mộc nhĩ, nấm hương... Còn bánh nhân ngọt sẽ có đỗ xanh, có thể thêm dừa sợi, nhân đậu đen, đậu đỏ...
Bà Nguyễn Thị Hoàn – khu 5, người có nhiều năm làm bánh sắn ở xã Hùng Lô cho biết: Làm bánh sắn không khó, nhưng người làm phải khéo léo dàn đều bột để bánh không bị rách vỏ khi gặp nhiệt độ cao. Bột ướt rất dính, nếu vỏ bánh được dàn mỏng, khi cho thêm phần nhân rồi vo viên sẽ thành hình oval to cỡ quả trứng gà ta.
Sau khi gói, bánh được hấp chín trong khoảng 40 phút.
Bao bên ngoài bánh là một lớp lá chuối ngự, nếu gói bằng lá chuối tiêu sẽ khiến bánh bị thâm đen. Lớp lá này giúp bánh không dính khi hấp, người ăn cũng tiện cầm khi thưởng thức. Bước cuối cùng đem bánh hấp chín trong khoảng 40 phút. Bánh ngon nhất là ăn ngay khi còn nóng hổi.
Chiếc bánh sắn sau khi hoàn thành.
Bánh sắn khi chín có màu trắng, lớp vỏ mềm dẻo dai, vị ngọt tự nhiên từ lớp bột sắn non, đậu xanh, giòn sần sần sật của mộc nhĩ, vị ngọt của thịt lợn... Mỗi kiểu nhân sẽ mang lại hương vị khác nhau, nhưng bánh sắn nhân thịt băm mộc nhĩ vẫn phổ biến và được yêu thích hơn cả. Có người ví von bánh sắn có nét giống bánh bột lọc, tuy nhiên lớp bột bánh sắn dẻo dai và hương vị rất khác biệt, ăn một lại muốn ăn thêm 2, 3...
Hiện nay, không chỉ ở xã Hùng Lô, trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi làm bánh sắn, được công nhận là sản phẩm OCOP ở các địa phương. Điều này khiến món ăn dân dã, món ăn chống đói ngày nào dần nâng tầm trở thành đặc sản, tạo cho thực khách những ấn tượng khó quên khi thưởng thức.
Nếu có dịp ghé thăm Phú Thọ, đặc biệt là làng cổ Hùng Lô, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm món ăn độc đáo này và khám phá văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng, hấp dẫn của vùng Đất Tổ Vua Hùng.
Vĩnh Hà
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/banh-san-hung-lo-mon-ngon-lang-co-226859.htm