Cuối năm, đi đâu trong làng bánh tráng Tân An cũng bập bùng ngọn lửa bên những mái nhà. Bên này sông Gianh ngó sang, cả làng phơi bánh bên sông làm bừng lên màu bánh, phả xuống lòng sông mùi mè vừng thơm nức. Từ sớm, người làng í ới gọi nhau với những chuyến xe chở bánh đi giao cho kịp tết.
Clip làng bánh tráng Tân An. KHÁNH TRINH
Ông Võ Văn Hoan, người có hơn 50 năm làm bánh tráng cho biết: "Vụ cuối năm nhà ai cũng hối hả nhập gạo ngon, mè vừng loại thượng hạng đến hòn than đượm hạng nhất để làm bánh tráng ngon nhất cho khách hàng. Làm như vậy đều vì cái tâm để giữ khách, giữ nghề".
Bánh tráng Tân An vào vụ tết
Nghề làm bánh tráng Tân An được truyền từ đời này sang đời khác, từ gia đình này sang gia đình khác đã hơn 100 năm. Trước đây, bánh tráng phục vụ các làng hai bên bờ sông Gianh, nay đã mở rộng thị trường khắp các tỉnh miền Trung.
Ông Phạm Văn Tý, 53 tuổi, lớn lên với quê nhà Tân An cho biết: "Đợt này phải làm bánh tráng cật lực để phục vụ dịp tết. Mỗi ngày, tôi làm từ sáng sớm đến tối muộn mới xong việc. Nhà tôi 5 đời làm bánh tráng rồi. Tôi đến với nghề này cũng hơn 30 năm. Để làm ra chiếc bánh tráng đậm đà hương vị quê hương Tân An, thoạt nhìn rất giản đơn nhưng người làm bánh phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi công phu vô cùng".
Hàng trăm lò bánh cùng nổi lửa
Cạnh đó, nhà bà Nguyễn Thị Lan đang sáng lửa kể: "Cả năm nay, nhà tôi đỏ lửa mỗi ngày. Chỉ đêm tối mới tắt lửa đi ngủ vì đơn hàng làm liên tục. Tết đến, đơn hàng càng nhiều nên tráng bánh liên tục. Bình quân mỗi ngày sản xuất 20 kg gạo nguyên liệu, cho ra khoảng 700 bánh thành phẩm, mỗi chiếc bánh được bán với giá 1.500 đồng. Mùa tết, công suất nâng gấp đôi nên thu nhập cũng khá".
Ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: "Làng bánh tráng Tân An hiện có hơn 270 hộ sản xuất, mỗi năm tiêu thụ hơn 350 tấn gạo nguyên liệu loại ngon, 100 tấn mè vừng".
Phơi bánh vụ cuối năm
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh, khoảng 15 năm qua, người dân Tân An áp dụng tự động hóa vào khâu làm bánh nên năng suất nâng cao, thu nhập bền vững.
Bà Ngô Thị Tâm, chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng bằng máy nói: "Từ khi áp dụng máy móc vào sản xuất, người làm bánh đỡ vất vả, hiệu suất làm việc tăng cao. Gia đình tôi 50 năm làm bánh, áp dụng máy móc vào thì bạn hàng ngày càng đông hơn".
Theo ông Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh, Tân An đã có Hợp tác xã bánh mè Tân An với 15 xã viên, tạo việc làm cho 100 lao động. Mỗi lao động thu nhập vụ tết đạt hơn 200.000 đồng mỗi ngày.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh, Ngô Thanh Bình nói: "Bánh tráng Tân An có mặt hơn tại lưu vực sông Gianh hơn 100 năm và đến nay đã xuất đi được nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc... Cuối năm, cả làng tất bật cho vụ bánh tráng lớn nhất. Hàng trăm lò bánh hoạt động hết công suất, lượng sản phẩm làm ra gấp mười lần so với ngày thường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng đi khắp nơi. Vậy là người làng có thêm việc làm, có thêm thu nhập".