Báo cáo lạm phát nóng hơn kỳ vọng, chứng khoán Mỹ quay đầu trượt giảm

Báo cáo lạm phát nóng hơn kỳ vọng, chứng khoán Mỹ quay đầu trượt giảm
7 giờ trướcBài gốc
Kết thúc phiên 12/12, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 234,44 điểm (-0,53%) xuống 43.914,12 điểm; S&P 500 mất 32,94 điểm (-0,54%) còn 6.051,25 điểm và Nasdaq Composite trượt 132,05 điểm (-0,66%) thành 19.902,84 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P, chỉ có lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu là tăng điểm.
Cổ phiếu các công ty công nghệ lớn ghi nhận kết quả trái chiều, trong đó Nvidia giảm 1,4%, còn Microsoft nhích nhẹ 0,1%. Cổ phiếu Adobe lao dốc 13,7% sau khi công ty dự báo doanh thu năm tài khóa 2025 thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall, tạo áp lực lên toàn bộ ngành công nghệ.
Ngược lại, Warner Bros. Discovery tăng vọt 15,4% nhờ kế hoạch tách mảng kinh doanh truyền hình cáp đang suy yếu khỏi các hoạt động phát trực tuyến và sản xuất phim.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,61 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 14,17 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ mới đây cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Mỹ trong tháng 11 đã tăng mạnh hơn dự kiến, nhưng chi phí dịch vụ giảm nhẹ chỉ ra rằng xu hướng lạm phát hạ nhiệt trên tổng thể vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu bất ngờ tăng trong tuần qua, làm dấy lên lo ngại về sự bền vững của thị trường lao động.
"Nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá xem Fed sẽ làm gì vào tuần tới? Liệu lạm phát có thực sự trở thành vấn đề buộc Fed phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hay họ có thể đạt được mục tiêu?”, ông Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management nhận xét.
Bên cạnh đó, ông Haworth cho rằng thị trường đang chứng kiến một số hoạt động chốt lời sau khi Nasdaq đạt mức cao kỷ lục vào thứ Tư.
Chỉ số Nasdaq lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 20.000 điểm vào phiên trước, được thúc đẩy bởi đà tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ. Trong khi đó, S&P 500 cũng đạt mức cao nhất trong gần một tuần nhờ báo cáo CPI phù hợp với dự đoán đã giúp củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 17-18/12.
Theo công cụ FedWatch của CME, các khoản đặt cược Fed hạ lãi suất vào tuần tới đã lên hơn 98%, nhưng dự báo cũng đưa ra khả năng Fed sẽ giữ nguyên chính sách trong tháng 1. Vào tuần trước, nhiều quan chức Fed đã bày tỏ quan điểm thận trọng về tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã khép lại tháng 11 với kết quả ấn tượng sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Phố Wall bước vào tháng 12 với xu hướng tích cực nhờ kỳ vọng vào các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy lợi nhuận.
GIÁ DẦU ĐI NGANG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu chốt phiên gần như không thay đổi sau khi IEA dự báo về khả năng thừa cung vào năm tới. Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 11 cent, tương đương 0,15%, xuống còn 73,41 USD/thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 27 cent, tương đương 0,38%, xuống còn 70,02 USD/thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã điều chỉnh nhẹ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm tới, nhưng cho rằng nguồn cung vẫn sẽ được đảm bảo dồi dào, thoải mái. Hôm thứ Tư, OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 lần thứ năm liên tiếp.
Đối với tình hình hiện tại, dữ liệu từ IEA cho thấy tồn kho dầu toàn cầu đã giảm 39,3 triệu thùng trong tháng 10 do hoạt động lọc dầu thấp trùng với sự gia tăng nhu cầu dầu.
Nhu cầu dầu toàn cầu dù tăng chậm hơn dự kiến trong tháng này nhưng vẫn duy trì ổn định, JPMorgan viết trong một lưu ý nhận xét. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng trở lại lần đầu tiên sau 7 tháng trong tháng 11, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim Nguyễn
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/bao-cao-lam-phat-nong-hon-ky-vong-chung-khoan-my-quay-dau-truot-giam-post556631.html