Chuẩn bị mở đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc trong nước, thấy rõ vai trò của báo chí, năm 1924 Nguyễn Ái Quốc với tư cách là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, khi được Quốc tế Cộng sản cử hoạt động tại Trung Quốc được về gần hơn với Tổ quốc, Người đã trực tiếp sáng lập Báo Thanh niên ngày 21/6/1925 để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn về Việt Nam; chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc ra đời các nhóm cộng sản vào cuối năm 1929 và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Báo Thanh Niên tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin
Tháng 6/1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản. Sau đó, Người được bầu làm Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Khi được Quốc tế Cộng sản cử hoạt động tại Trung Quốc được về gần hơn với Tổ quốc, Người cùng các đồng chí của mình là người Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia, Miến Điện… tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925).
Trong năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt để truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam. Do vậy, Người chủ trương phải lập một tờ báo cho Hội. Đó là Báo “Thanh niên” do Người sáng lập, ra số 1 vào ngày 21/6/1925, trụ sở ở số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là tờ báo vô sản, cách mạng đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức, sáng lập và trực tiếp chỉ đạo. Báo Thanh Niên mới xuất bản nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, nên bọn mật thám truy lùng, khám xét gắt gao. Ngay từ đầu, báo Thanh niên đã giáo dục chủ nghĩa yêu nước theo tinh thần cộng sản chủ nghĩa. Số 60, ngày 8/9/1926, có bài viết về các chính đảng, tác giả đặt câu hỏi: “Chúng ta phải theo đảng nào?''. Và trả lời dứt khoát rằng: ''Hỡi đồng bào thân mến, như vậy chỉ có một con đường chân chính là phải theo cái đảng duy nhất kiên quyết trong hành động, đó là đảng cộng sản''.
Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: T.L
Trong khoảng 200 tờ báo đã phát hành chủ yếu đưa về trong nước, Báo Thanh Niên đã nêu rõ những tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối đấu tranh cách mạng: Những mâu thuẫn gay gắt giữa dân ta với thực dân Pháp, mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc nói chung; khẳng định tính đúng đắn của con đường cách mạng chống con đường “cải lương”; xác định “lực lượng cách mạng” là “toàn dân”, trong đó công - nông là nền tảng và cơ sở, khẳng định rằng: Chỉ có công nông là triệt để cách mạng. Cách mạng là nhiệm vụ chung của mọi người giác ngộ cùng làm. Mỗi người tùy tài, tùy sức, của cải riêng, mà cống hiến cho cách mạng để cứu nước, tức là tự cứu lấy bản thân mình và gia đình mình… Tờ báo không chỉ phổ biến tư tưởng cách mạng mà còn là công cụ đào tạo cán bộ, cổ vũ đấu tranh và tổ chức phong trào yêu nước trong nước.
Báo Thanh niên giúp nhân dân nhận rõ con đường cách mạng, xác định người làm cách mạng phải chịu hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng đắn, cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo, cần có các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức công - nông và khẳng định cách mạng Việt Nam đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga thì mới giành thắng lợi. Nội dung quan trọng này, với bút danh “Diệu Hương”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có bài thơ in ở Báo Thanh niên số 64: “Đã làm cách mạng chớ lôi thôi/Cách mạng thì ta cách đến nơi/Trước phải giành quyền cho cả nước/Sau ra cách mạng cả bầu trời”.
Báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chỉ đạo biên tập ở thời kỳ đầu và được những người cách mạng, học trò xuất sắc của Người kế tục ở thời kỳ sau đi đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra, đánh đấu một mốc lịch sử của báo chí Việt Nam, khai sáng dòng báo chí cách mạng, đưa chủ nghĩa yêu nước vào trong nhân dân Việt Nam, nhất là trong thanh niên, theo xu hướng của cách mạng vô sản; trở thành món ăn tinh thần, là “ánh sáng cách mạng” trong đêm tối thực dân. Báo Thanh niên đóng vai trò lịch sử hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc ra đời các nhóm cộng sản vào cuối năm 1929 và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Đảng và báo chí cùng trưởng thành trong bão tố
Tiếp theo báo “Thanh niên”, từ năm 1928 - 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình còn xuất bản các tờ báo: “Công nông”, “Lính Kách mệnh”, Nguyệt san “Việt Nam Tiền phong”. Người cũng sáng lập tờ “Thân ái” tại Thái Lan vào năm 1928. Tờ này là cơ quan ngôn luận của Hội Thân ái, chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Việt kiều ở Thái Lan. Mặc dù đồng chí Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí yêu nước trung kiên hoạt động trong và ngoài nước bị đế quốc, thực dân Pháp, chính quyền thực dân các nước phương Tây, Trung Quốc... theo dõi, kiểm soát, truy lùng gắt gao nhưng nhiều tờ báo Đảng vẫn ra đời. Báo của Đảng viết theo Tuyên ngôn được thông qua trong ngày thành lập, dựa theo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản năm 1928.
Năm 1929 - 1930, có tờ báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương do Trịnh Đình Cửu, Ủy viên Trung ương lâm thời phụ trách. Đảng Cộng sản An Nam thành lập (8/1929), có tổ chức cơ sở ở Nam Bộ và một số chi bộ ở Hoa Nam. Chi bộ Đảng Cộng sản An Nam ở Thượng Hải ra báo Đỏ. Trên 50 tờ báo và tạp chí của Hội Thanh niên, Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản An Nam tuyên tuyền tư tưởng, đường lối chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường đấu tranh cách mạng vào Việt Nam. Cùng với báo của Trung ương, một hệ thống báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ các tỉnh đảng bộ, công hội, học sinh hội, đến một số chi bộ ra đời trên cả nước. Tuy mỗi tờ báo ra xuất bản số lượng, thời gian không liên tục (từ 200 số đến một vài số) nhưng đều tập trung nhiệm vụ của các tổ chức Đảng Cộng sản là tuyên truyền tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ nghĩa yêu nước, vạch trần bộ mặc chủ nghĩa thực dân gắn với con đường cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc vào thế hệ thanh niên và các tầng lớp, giai cấp, tổ chức xã hội.
Trước bối cảnh các tổ chức cộng sản ở Việt Nam ra đời đang phân tán và thiếu sự thống nhất về tư tưởng, dưới sự chỉ đạo, định hướng của Quốc tế Cộng sản, tháng 2/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với uy tín, tư duy chiến lược và bản lĩnh chính trị đã đứng ra triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc) từ ngày 6/1 - 7/2/1930. Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng do chính Người soạn thảo, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời ngày 3/2/1930 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Thực hiện quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Tạp chí “Đỏ” được chính Người sáng lập và chủ biên. Nguyễn Ái Quốc không chỉ là người sáng lập Đảng, mà còn là linh hồn tư tưởng và tổ chức của báo chí cách mạng từ buổi ban đầu cho đến những năm kháng chiến sau này. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới cũng chính là thời điểm báo chí cách mạng khởi đầu một hành trình mới đầy gian nan nhưng rực rỡ ánh sáng của niềm tin, lý tưởng và khát vọng độc lập dân tộc.
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không xem báo chí đơn thuần là phương tiện tuyên truyền mà là một trận tuyến cách mạng đặc biệt cho triển khai nhiệm vụ chính trị của Đảng. Trong suốt quá trình chuẩn bị và sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), Người luôn chú trọng xây dựng các tờ báo, tập san, tài liệu tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức hành động cách mạng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Người không chỉ sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là người thầy vĩ đại rèn luyện, dìu dắt nhiều thế hệ nhà báo chiến sĩ về kỹ năng viết, lựa chọn đề tài, phong cách viết phù hợp với từng đối tượng độc giả. Người dạy “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”. Sau này, Người là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn viết báo, dùng nhiều bút danh như Trần Lực, T.L., Chiến Thắng, C.B., XYZ… viết bài cho báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Cứu quốc,… Các bài viết của Bác luôn ngắn gọn, rõ ràng, giản dị, dễ hiểu, nhưng vô cùng sâu sắc.
Bài 3: Báo Cờ đỏ “xây dựng địa chỉ đỏ” đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước
Nhóm Phóng viên