Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số
9 giờ trướcBài gốc
Tham gia hội nghị có Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Quý Cường; Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam Trần Trọng Dũng và đại diện các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc.
Báo chí phải theo kịp chuyển đổi số của đất nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, trong giai đoạn quan trọng hiện nay, khi đất nước đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, báo chí cũng phải vươn mình thay đổi, đồng hành cùng đất nước. Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Các giải pháp nâng cao chất lượng báo chí, hỗ trợ cho các phóng viên, nhà báo thực hiện nhiệm vụ của mình là rất cần thiết vào giai đoạn này, để các nhà báo có thể cho ra đời nhiều tác phẩm hay, góp phần trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước, phụng sự nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc hội nghị.
Hội nghị lần này nhằm đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Trước đó, ngày 18/3/2004, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới, căn cứ Chỉ thị 37 của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia và giao Hội Nhà báo Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh Giải Báo chí Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở Trung ương, địa phương giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021. Sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều thành công tốt đẹp trong việc hỗ trợ các phóng viên, nhà báo và các cơ quan báo chí.
Đối với báo chí ở trung ương, trong 3 năm (2021 - 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỷ đồng cho 18 Liên chi hội và 103 Chi hội Nhà báo. Từ đó hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, nhận được 3.875 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí; tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiệp vụ báo chí giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tác phẩm; hỗ trợ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các đầu sách để công bố, quảng bá và lưu trữ tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Đối với báo chí ở địa phương, trong 3 năm (2021 - 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỷ đồng; Hội Nhà báo các địa phương hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; nhận được 4.263 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí.
Quá trình thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A, B, C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và sơ kết triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao được tổ chức vào năm 2023 tại Hòa Bình, Nghệ An và Tiền Giang, trên cơ sở tham mưu của Ban Nghiệp vụ và Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã chỉnh sửa, hoàn thiện và ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia sửa đổi vào đúng ngày 21/6/2024.
"Từ năm nay, Điều lệ Giải đã có nhiều điểm mới, đặc biệt là 2 nhóm Giải mới là Giải báo chí đa phương tiện và Giải báo chí sáng tạo. Việc bổ sung nêu trên đã thể hiện sự chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông" - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Toàn cảnh hội nghị.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu và chia sẻ những điểm mới của Điều lệ Giải Báo chí quốc gia sửa đổi năm 2024. Những kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số nhằm sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, cũng như những nội dung cần thiết để tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, tháng 11/2023, Báo đã chính thức nâng cấp hệ thống quản trị nội dung để tiến thẳng lên hiện đại. Đến tháng 11/2024, chỉ với một hệ thống CMS, Báo Kinh tế & Đô thị đã xuất bản cả báo in, báo điện tử và các chuyên trang điện tử với hệ sinh thái 9 sản phẩm báo chí.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ, để thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến nhân viên, Báo thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn các phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn làm báo chí hiện đại. Sau mỗi khóa đào tạo, tiến hành đánh giá, tổ chức cuộc thi. Xây dựng nền tảng số mạnh mẽ qua phát triển website, ứng dụng di động, mạng xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận và tương tác với độc giả; ứng dụng AI để tự động hóa một số công việc, phân tích dữ liệu, tạo ra nội dung sáng tạo.
Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi trình bày tham luận "Chuyển đổi số báo Kinh tế và Đô thị: Tăng hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả báo chí đối với sự phát triển Thủ đô".
Bên cạnh đó tờ báo cũng đã tập trung vào phát triển bạn đọc, nâng cao thương hiệu, tập trung quảng cáo số; sử dụng đa phương tiện: Kết hợp văn bản, hình ảnh, video, infographic, podcast để tăng tính hấp dẫn và tương tác.
"Để tăng hiệu lực, hiệu quả báo chí với sự phát triển Thủ đô, Báo Kinh tế và Đô thị tập trung vào các chủ đề chuyên sâu như: Văn hóa, giáo dục, môi trường, khởi nghiệp… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Ngoài ra là tăng cường các bài viết điều tra, phân tích để đưa ra những góc nhìn sâu sắc về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị của thành phố. Tổ chức các cuộc thi, sự kiện nhằm tạo ra các sân chơi để độc giả tham gia, chia sẻ ý kiến, góp phần xây dựng cộng đồng" - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nói.
Ngoài ra, còn có các tham luận chất lượng khác đến từ nhiều cơ quan báo chí như: “Đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả tác động xã hội của báo chí tại VTV” của nhà báo Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban VTV3. Ngoài ra, cũng chia sẻ về tham luận về “Báo chí sáng tạo: Ý tưởng và triển khai” của Nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân Dân; “Sáng tạo nội dung báo chí đa phương tiện” của Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus…
Tại phần trao đổi thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ những vấn đề nảy sinh trong quá trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và đều nhận được giải đáp đầy đủ từ đại diện Hội Nhà báo Việt Nam...
Hoa Ngân
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bao-chi-chat-luong-cao-trong-boi-canh-chuyen-doi-so.html