Bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại các phái bộ

Bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại các phái bộ
một ngày trướcBài gốc
Đại biểu tham dự tọa đàm.
Ngày 2/4, tại Hưng Yên, Văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại các phái bộ UNMISS và UNISFA”.
Khách mời tọa đàm là những đại biểu có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh và hòa bình quốc tế; các sĩ quan có nhiều kinh nghiệm đã và đang trực tiếp làm việc tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là Phái bộ UNISFA và UNMISS; và gần 200 cán bộ chiến sĩ thuộc Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1.
Đây là một chủ đề quan trọng và mang tính thời sự trong bối cảnh hiện nay, khi các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hoạt động ở những khu vực đầy thách thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh và ổn định.
Liên hợp quốc với sứ mệnh duy trì hòa bình và bảo vệ dân thường, đã và đang triển khai nhiều phái bộ ở các khu vực xung đột, nơi tình hình an ninh luôn biến động và đe dọa đến sự an toàn của lực lượng gìn giữ hòa bình cũng như cộng đồng dân cư.
Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các cán bộ nhân viên tại các phái bộ là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quốc tế và địa phương.
Những bài học quý giá từ các tình huống đã xảy ra, những biện pháp phòng ngừa và quy trình ứng phó khẩn cấp, cùng với việc nâng cao sự cảnh giác và hiểu biết về môi trường hoạt động, sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta làm việc hiệu quả và an toàn hơn trong tương lai.
Đại tá Lê Quốc Huy chia sẻ tại tọa đàm.
Đại tá Lê Quốc Huy, Văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhấn mạnh: Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn được đặt ở mức độ cao nhất, quan trọng nhất. Trong đó, phải bảo đảm an ninh, an toàn về con người, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ trong quá trình công tác tại phái bộ.
Các cán bộ, chiến sĩ phải chủ động thực hiện tự bảo vệ an ninh, an toàn bản thân trong thời gian tại phái bộ. Trong đó, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thông tin, thực hiện đúng các khuyến cáo, yêu cầu, chỉ dẫn của Liên hợp quốc, của phái bộ; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các lực lượng của phái bộ và người dân địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong việc đảm bảo an ninh, an toàn.
Ngoài những thông tin lý thuyết, buổi tọa đàm còn là cơ hội để trao đổi, thảo luận, và học hỏi lẫn nhau về các tình huống thực tế mà các phái bộ Liên hợp quốc đang phải đối mặt, cũng như các phương pháp và kỹ năng cần thiết để bảo vệ chính mình và đồng đội trong môi trường làm việc đầy rủi ro.
Thông qua buổi tọa đàm giúp các sĩ quan chuẩn bị tham gia hoạt động tại các phái bộ của Liên hợp quốc có cái nhìn thực tiễn về các vấn đề an ninh, từ đó giúp nâng cao sự hiểu biết và khả năng ứng phó với các tình huống phức tạp trong công tác gìn giữ hòa bình, góp phần bảo vệ an ninh, ổn định tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và những khu vực khác đang cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Chính phủ đã trình Dự án Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Từ đó, hoàn thiện hành lang pháp lý để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Hệ thống pháp lý đầy đủ và hoàn thiện không chỉ giúp bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các lực lượng tham gia, mà còn bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần thực thi các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về hòa bình, hợp tác và phát triển toàn cầu.
THANH HÀ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bao-dam-an-ninh-an-toan-cho-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-tai-cac-phai-bo-post869576.html