Bảo đảm an toàn lao động làng nghề: Bài học từ vụ cháy ở xã Lạc Đạo

Bảo đảm an toàn lao động làng nghề: Bài học từ vụ cháy ở xã Lạc Đạo
12 giờ trướcBài gốc
Các làng nghề, doanh nghiệp nông thôn trong tỉnh đang tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động, chủ yếu là những người không đủ điều kiện về tay nghề, sức khỏe để làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, ở các làng nghề, người lao động đang phải làm việc trong môi trường không bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động (AT, VSLĐ).
Người lao động tại một cơ sở tái chế phế liệu ở Phan Bôi (phường Đường Hào) làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn
Vụ cháy xưởng phế liệu xảy ra tại xã Lạc Đạo (xã Minh Hải, huyện Văn Lâm cũ) ngày 28/6 khiến 6 người tử vong, 2 người bị thương không chỉ để lại những mất mát, đau thương cho các gia đình nạn nhân, những công nhân phải tha phương mưu sinh, là nỗi ám ảnh cho những người trực tiếp chứng kiến, tham gia chữa cháy, cấp cứu người bị nạn. Đó còn là một thực trạng phát triển làng nghề thiếu an toàn, thiếu chính sách bảo vệ người lao động - nơi sinh kế đang bị đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng con người.
Khi xảy ra cháy, người lao động khó có thể lấy được phương tiện chữa cháy được trang bị như thế này
Cách hiện trường vụ cháy không xa, Tổ dân phố Phan Bôi, phường Đường Hào các cơ sở tái chế phế liệu từ nhiều năm nay vẫn nhộn nhịp với hoạt động tái chế phế liệu, đặc biệt là phế liệu nhựa với các công đoạn như: phân loại phế liệu, xay, nghiền, tạo hạt nhựa… Điểm chung của hầu hết cơ sở sản xuất tại đây đều không bảo đảm quy chuẩn an toàn; môi trường làm việc chật chội, không hệ thống thoát hiểm, thiếu thiết bị chữa cháy chuyên dụng.
Thực tế khảo sát tại một xưởng tái chế nằm ven Quốc lộ 5A, khoảng 11 giờ trưa, gần chục công nhân (hầu hết là người trung tuổi) làm việc giữa những đống phế liệu cao ngập đầu, nền đất ướt nhẹp, phía trên là mái tôn hấp nhiệt. Bà Nguyễn Thị Thoa nhanh tay phân loại các phế liệu nhựa, cho biết: Ngồi làm việc giữa ngổn ngan vật liệu dễ cháy, biết là thiếu an toàn, nhất là sau vụ cháy xảy ra tuần trước ở xã Lạc Đạo chúng tôi rất sợ, nhưng vì mưu sinh, cánh thợ chúng tôi chỉ biết nhắc nhau làm việc cẩn thận hơn.
Người lao động làm việc trong kho đầy chất dễ cháy, nhưng vẫn thản nhiên ngồi chắn lối đi
Tìm hiểu thực tế tại một số làng nghề gần nơi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng cuối tuần qua ở xã Lạc Đạo như: Làng nghề tái chế phế liệu Minh Khai, Phan Bôi, làng nghề mộc Hòa Phong cho thấy đa số chủ cơ sở sản xuất, người lao động chưa thực sự quan tâm vấn đề AT, VSLĐ và phòng, chống cháy nổ. Tại làng nghề mộc Hòa Phong (phường Thượng Hồng), trong những không gian chật chội, nguyên liệu chất kín lối đi, công nhân xẻ gỗ, đẽo lũa, phun dầu, dán keo… rất ít người đeo găng tay, khẩu trang. Ông Nguyễn Xuân Quân chìa đôi tay khoe những vết sẹo, phân trần: Bê gỗ, sử dụng máy cưa, bào nên tai nạn lao động là chuyện thường, nhưng, sử dụng găng tay, bảo hộ lao động không quen nên chúng tôi thường bỏ qua.
Người lao động sử dụng keo dầu để dán sản định hình sản phẩm nhưng không đeo khẩu trang, găng tay
Một nguy cơ tai nạn lao động, cháy nổ cao và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng khi hầu hết cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, tận dụng mặt bằng nhà ở làm nơi sản xuất. Để tiết kiệm chi phí, nhiều cơ sở không nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo đảm AT, VSLĐ; nếu có trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy thì không đảm bảo về số lượng, chất lượng; thiếu hoặc không có nguồn nước chữa cháy; người lao động không được tập huấn, hướng dẫn về AT, VSLĐ. Trong quá trình làm việc, họ không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ và cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro lao động.
Nhiều cơ sở sản xuất tận dụng mặt bằng nhà ở làm nơi sản xuất
Để bảo đảm AT, VSLĐ tại các làng nghề, ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, có định hướng đưa các cơ sở ra các điểm sản xuất tập trung; trước mắt, cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở, HTX, doanh nghiệp nông thôn thiết kế quy trình vận hành sản xuất an toàn, lắp đặt hệ thống điện, nước đồng bộ để có thể kịp thời phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy; lập danh sách quản lý và có các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đối với người lao động...
Vụ cháy ở xã Lạc Đạo gây thiệt hại, mất mát quá lớn về người và tài sản; cơ quan công an cũng đã khởi tố vụ án hình sự các đối tượng liên quan về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Để không còn xảy ra vụ việc đáng tiếc tương tự nào xảy ra, rất cần sự chủ động, ý thức trách nhiệm của chủ các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp nông thôn, công nhân lao động và chính người dân đang sinh sống tại các làng nghề. Có như vậy, mới có thể hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ, tai nạn lao động, qua đó góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, tài sản của cơ sở, doanh nghiệp và bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các địa phương.
Lệ Thu
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/bao-dam-an-toan-lao-dong-lang-nghe-bai-hoc-tu-vu-chay-o-xa-lac-dao-3182259.html