Công nhân Công ty TNHH SAMJU VINA (Khu công nghiệp Điềm Thụy) thể hiện quyết tâm bảo đảm an toàn lao động.
Với hơn 1.800 công nhân, thời gian qua, Công ty TNHH SAMJU VINA (khu công nghiệp Điềm Thụy) luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), duy trì nhà máy hoạt động thông suốt. Công ty là đơn vị chuyên sản xuất và gia công các loại băng, phim, xốp có tác dụng để lót, đệm, cách điện, cách nhiệt, chống thấm, giảm chấn, bảo vệ màn hình; các phụ kiện khác dùng cho xe ô tô, điện thoại di động và thiết bị điện tử.
Để hạn chế những nguy cơ tai nạn lao động, Công ty luôn nhắc nhở công nhân nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình làm việc. Anh Đàm Thái Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Hằng năm, đơn vị đều trang bị đồ bảo hộ lao động cho từng bộ phận làm việc tại Công ty. Cụ thể, ngoài quần áo bảo hộ lao động, mũ, găng tay, đối với một số bộ phận đặc thù còn được trang bị găng tay, mặt nạ phòng độc, giày, còi cảnh báo…
Ngoài ra, Công ty cũng chú trọng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành tập huấn ATVSLĐ, sơ cấp cứu, phòng cháy, chữa cháy, diễn tập các tình huống khẩn cấp… để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Do thực hiện tốt công tác ATVSLĐ nên nhiều năm qua, Công ty chưa xảy ra tai nạn lao động, tạo môi trường làm việc an toàn, ổn định cho công nhân. - anh Đàm Thái Hoàng
Đối với Công ty CP Gỗ Phượng Anh, ở phường Tân Thành (TP. Thái Nguyên), cùng với việc chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đơn vị cũng luôn quan tâm tới công tác đảm bảo ATVSLĐ.
Anh Hà Vạn Thọ, Giám đốc Công ty Gỗ Phượng Anh, chia sẻ: Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chúng tôi đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất đồ gỗ nội thất và cửa nhôm kính chất lượng cao. Trước khi vận hành máy, công nhân được hướng dẫn quy trình, thao tác sử dụng và yêu cầu thực hiện nghiêm quy trình về đảm bảo an toàn lao động và phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, người lao động cũng được trang bị quần áo, khẩu trang, mũ, găng tay… tùy từng bộ phận. Nhiều năm nay, Công ty chưa xảy ra vụ việc gây ra mất an toàn lao động.
Trước khi vận hành máy, công nhân Công ty CP Gỗ Phượng Anh, ở phường Tân Thành (TP. Thái Nguyên) được hướng dẫn quy trình thao tác sử dụng máy bảo đảm an toàn lao động.
Không chỉ riêng hai đơn vị nói trên mà nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chú trọng tới công tác đảm bảo ATVSLĐ, thường xuyên kiểm tra an toàn thiết bị máy móc, thực hiện bảo dưỡng định kỳ. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực ATVSLĐ cho người lao động; phổ biến nội quy, quy chế về ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, độc hại có thể gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các biện pháp phòng ngừa. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của chủ sử dụng lao động và người lao động từng bước được nâng lên.
Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, giúp người lao động nhận diện các yếu tố có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa, công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ luôn được Trung tâm trợ giúp người lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh) chú trọng triển khai. Đơn cử, năm 2024, Trung tâm tổ chức được 111 lớp tập huấn ATVSLĐ, huấn luyện và cấp thẻ cho hơn 8.000 người lao động.
Công tác tuyên truyền của đơn vị cũng có nhiều đổi mới, nội dung phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế của từng đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Các buổi tuyên truyền được kết hợp với chương trình phúc lợi đoàn viên nên đã thu hút được nhiều đoàn viên và người lao động đến tham dự. Bên cạnh đó, trong các buổi tuyên truyền, huấn luyện có nhiều hình ảnh, video clip gắn liền từng ngành nghề, tình hình thực tế của đơn vị, doanh nghiệp để người lao động dễ hiểu, tiếp thu nhanh và nhận biết được các mối nguy hiểm, có hại khi tham gia sản xuất.
Anh Đặng Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm trợ giúp người lao động: Việc thực hiện tốt công tác huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn hơn, hạn chế nguy cơ rủi ro dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tập huấn, huấn luyện về công tác đảm bảo ATVSLĐ gắn với đặc điểm, đặc thù sản xuất của từng ngành, nghề, lĩnh vực, đặc biệt là trong các công việc có nguy cơ rủi ro cao…
Có thể thấy, việc đảm bảo ATVSLĐ không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn, bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động. Mỗi doanh nghiệp cũng cần xem việc đầu tư vào an toàn lao động là một sự đầu tư dài hạn, mang lại lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Lương Hạnh