Ngay sau khi có hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy công đoàn, chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng ban chuyên môn, từng cá nhân, bảo đảm các hoạt động công đoàn được duy trì thông suốt theo hướng vừa ổn định tổ chức, vừa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần may Việt Ý - Hưng Yên, xã Triệu Việt Vương.
Đối với đội ngũ cán bộ công đoàn từ tỉnh Thái Bình (cũ) đến trung tâm hành chính của tỉnh Hưng Yên làm việc đều sẵn sàng tâm lý làm việc hiệu quả và thể hiện quyết tâm cao. Sau khi sáp nhập, việc phân công lại cán bộ được LĐLĐ tỉnh thực hiện linh hoạt. Việc điều động, bổ nhiệm được xem xét hợp lý theo đúng năng lực, sở trường. Cùng với đó, việc xét giải quyết thủ tục cho cán bộ công đoàn xin nghỉ theo chế độ được thực hiện theo đúng quy định, tạo sự đồng thuận. LĐLĐ tỉnh đã quán triệt các ban chuyên môn, cán bộ công đoàn rà soát lại từng mảng chuyên đề, từng lĩnh vực cụ thể để theo dõi hoạt động của công đoàn cơ sở được sâu sát, kịp thời. Đồng chí Đỗ Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Trước khi hợp nhất tỉnh, một số cán bộ công đoàn xin chuyển công tác, để bảo đảm các hoạt động công đoàn thông suốt, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã báo cáo cấp trên xin tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ, công chức ở đơn vị khác có đơn xin chuyển về LĐLĐ tỉnh làm việc, bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường và vị trí việc làm theo quy định. Dù tổ chức công đoàn có thay đổi về mô hình, quy mô, nhưng đội ngũ cán bộ công đoàn vẫn giữ vững tinh thần trách nhiệm, linh hoạt thích ứng với yêu cầu mới, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Hiện nay, do kết thúc hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nên số tổ chức công đoàn trực thuộc LĐLĐ tỉnh rất lớn, việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của LĐLĐ tỉnh gặp nhiều khó khăn, vì vậy, LĐLĐ tỉnh đang tập trung xây dựng Đề án thành lập công đoàn xã, phường theo chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam để báo cáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Tỉnh ủy quyết định theo quy định.
Ngay từ trước, trong và sau khi sáp nhập, cùng với việc tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, công tác tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn quan tâm triển khai nhằm tạo sự đồng thuận và ổn định tư tưởng trong đoàn viên, người lao động. Sau sáp nhập, việc nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn không chỉ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi mà còn giúp củng cố niềm tin của đoàn viên, người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự đổi mới, quyết tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ công đoàn và đoàn viên trong giai đoạn mới. Chị Nguyễn Thị Thương, người lao động Công ty cổ phần may Việt Ý - Hưng Yên, xã Triệu Việt Vương cho biết: Tôi mong muốn cán bộ công đoàn sẽ có nhiều chuyến đi về doanh nghiệp và các khu nhà trọ để hiểu rõ đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó triển khai hoạt động công đoàn một cách hiệu quả, thiết thực. Khi đoàn viên được chia sẻ và bảo vệ, sẽ luôn đặt niềm tin vào tổ chức công đoàn.
Anh Trịnh Văn Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH sơn Kansai Việt Nam (Khu công nghiệp Phố Nối A) cho biết: Tôi tin tưởng, sau hợp nhất, tỉnh Hưng Yên có nhiều thế mạnh vượt trội về phát triển công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục tham gia đồng hành với doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc, bảo đảm các chế độ phúc lợi, quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, nhà trẻ cho con công nhân lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo sân chơi bổ ích, giúp người lao động yên tâm làm việc, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, góp phần vào công cuộc phát triển tỉnh nhà.
Sự chủ động, linh hoạt và đồng bộ của tổ chức công đoàn sẽ góp phần quan trọng vào ổn định quan hệ lao động, giữ vững niềm tin của đoàn viên, người lao động, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh. Thời gian tới, tổ chức công đoàn cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, lấy cơ sở làm trung tâm, đoàn viên làm chủ thể. Mỗi cán bộ công đoàn phải xác định rõ vai trò tiên phong, không chỉ giữ vững tổ chức mà còn khơi dậy sự tin tưởng, gắn bó của người lao động đối với công đoàn.
Hồng Ngọc