Nam Định là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Bộ Công an chọn xây dựng điểm mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”. Sau hơn một năm triển khai với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, nhiều cách làm mới, sáng tạo, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phong trào phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tỉnh ta đã thực hiện đạt và vượt tất cả 5 tiêu chí “Tỉnh an toàn PCCC” do Bộ Công an đề ra.
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh tham gia diễn tập tại Công ty TNHH Giầy AMARA Việt Nam trên địa bàn huyện Trực Ninh.
Nhằm xây dựng thành công mô hình “Tỉnh an toàn PCCC”, Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 10/4/2024; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND, ngày 12/4/2024, với định hướng chỉ đạo xuyên suốt là tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC” để góp phần kiềm chế, giảm số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; không để xảy ra các vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; qua đó đáp ứng đặc điểm, tình hình quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng các huyện, thành phố Nam Định và 175 xã, phường, thị trấn đều xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai các nội dung về xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC”. Đồng thời các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức cho 75.689 cán bộ, đảng viên đang công tác, sinh hoạt (đạt 100%); 579.332 hộ gia đình (đạt 100%) ký cam kết thực hiện các quy định về an toàn PCCC. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức ký giao ước thi đua xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC” với 4 đơn vị kinh doanh, quản lý hạ tầng các khu công nghiệp. Công an các xã, thị trấn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn 13.173 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC (đạt 100%) xây dựng kế hoạch, ký cam kết hưởng ứng triển khai xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC”, tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội.
Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, sau hơn một năm nỗ lực triển khai xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC” với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của các cơ sở, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh. Công ty Điện lực tỉnh tuyên truyền PCCC qua thông báo tin nhắn đến điện thoại di động của người dân và trên hóa đơn tiền điện hằng tháng của các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Các đơn vị viễn thông định kỳ nhắn tin SMS khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC đến tới gần 10 nghìn thuê bao số điện thoại di động của người dân trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp phát hành 1.000 cuốn bản tin có nội dung tuyên truyền về công tác PCCC. Các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC đến cán bộ, công chức, đảng viên, học sinh, sinh viên và nhân dân theo tiêu chí mỗi gia đình có ít nhất một người được tuyên truyền về PCCC. Công an tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về PCCC đối với lãnh đạo UBND, Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ta cũng xây dựng và duy trì có hiệu quả mô hình Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH tại thành phố Nam Định; đưa địa phương trở thành một trong ba tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai mô hình.
Song song với công tác tuyên truyền, phong trào toàn dân tham gia PCCC được phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Thực hiện mô hình “Tỉnh an toàn PCCC”, các đơn vị, địa phương đã hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng mới 289 Tổ liên gia an toàn PCCC. Đến nay, toàn tỉnh có 1.752 tổ liên gia an toàn PCCC, 1.402 điểm chữa cháy công cộng được thành lập; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn 2.258 hộ gia đình (đạt 100%) tháo dỡ chuồng cọp, mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng điểm 60 tuyến đường an toàn toàn về PCCC; trong đó các đường dong, ngõ hẻm phải có phương án cấp nước chữa cháy; 100% các hộ gia đình trực thuộc được trang bị phương tiện PCCC và được tập huấn, tuyên truyền nghiệp vụ PCCC. Các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị bình chữa cháy; trong đó vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tặng 35.688 bình chữa cháy xách tay cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.
Đồng bộ với công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra an toàn PCCC đối với cơ sở, hộ gia đình. Cụ thể, HĐND tỉnh vừa tổ chức giám sát chuyên đề “Công tác PCCC trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến hết năm 2023” tại 58 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn tỉnh; giám sát trực tiếp tại Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Công an tỉnh tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC đối với 6 sở, ngành 8 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, kiểm tra 12 lượt đối với công trình lán tạm, hướng dẫn chủ đầu tư phối hợp nhà thầu xây dựng, đơn vị thi công PCCC thực hiện 6 biện pháp bảo đảm an toàn PCCC cho đội ngũ công nhân, kỹ sư tham gia. Kiểm tra và lập 433 biên bản đối với cơ sở thu mua phế liệu, phát hiện, xử lý 7 hành vi vi phạm về PCCC, phạt 10 triệu đồng; hướng dẫn các cơ sở khắc phục 92 tồn tại, thiếu sót về PCCC, 58 biện pháp sử dụng điện bảo đảm an toàn. Kiểm tra 584 lượt cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà ở cho thuê trọ, lập 584 biên bản kiểm tra, trong đó hướng dẫn 201 cơ sở giải pháp khắc phục các tồn tại về PCCC như cải tạo hệ thống đường dây điện, tạo hành lang thông thoáng lối thoát nạn, bảo đảm đường giao thông cho xe chữa cháy hoạt động, trang bị hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn hướng dẫn thoát hiểm. Kiểm tra an toàn PCCC và CNCH định kỳ 3.615 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; hướng dẫn cơ sở thực hiện 3.569 biện pháp an toàn PCCC; xử lý vi phạm hành chính về PCCC 131 trường hợp với tổng số tiền 249 triệu đồng. Công an tỉnh còn hướng dẫn 13.173 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC; hướng dẫn 572.182 hộ gia đình cách sử dụng bình chữa cháy, thang dây, mặt nạ lọc độc, tự thực tập tình huống thoát nạn, thoát hiểm. Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố phối hợp, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp xã kiểm tra, hướng dẫn an toàn trong sử dụng điện đối với 100% cơ sở, 100% hộ gia đình trên địa bàn. Tất cả các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, tổ chức kiểm tra 13.173 cơ sở thuộc diện quản lý; qua kiểm tra đã hướng dẫn, kiến nghị cơ sở thực hiện, tự khắc phục 15.465 tồn tại, có giải pháp bảo đảm an toàn trong sử dụng điện và PCCC.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân, từ năm 2024 đến nay, tình hình cháy, nổ trên địa bàn được kiềm chế, không xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản giảm so với các năm trước. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác PCCC. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng cháy, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm. Rà soát xây dựng bổ sung thêm các Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng, bảo đảm 100% hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh liền kề tham gia Tổ liên gia; 100% các hộ gia đình trang bị bổ sung bình chữa cháy xách tay. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra PCCC, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC. Tổ chức xây dựng thí điểm mô hình ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ, cơ sở và dữ liệu dân cư. Tăng cường vận động xã hội hóa kinh phí đầu tư cho các hoạt động về PCCC trên địa bàn tỉnh; xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng xu thế phát triển mới.
Bài và ảnh: Xuân Thu