Bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh khi mức giá các dịch vụ y tế tăng

Bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh khi mức giá các dịch vụ y tế tăng
3 giờ trướcBài gốc
Điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh
Ngày 30/12/2024, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 445/NQ-HĐND quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh công lập đối với các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Sơn La quản lý, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Nghị quyết được ban hành đã quy định giá cụ thể các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng đối với các đối tượng khám bệnh BHYT và đối tượng khám bệnh không có BHYT (trừ các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu) tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thuộc tỉnh Sơn La quản lý.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, đánh giá ca bệnh đang điều trị.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới chỉ tính ở 2/4 yếu tố cấu thành bao gồm, chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư y tế…) và tiền công. Còn 2 yếu tố gồm chi phí quản lý (duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin) và khấu hao tài sản cố định chưa được tính. So với mức giá cũ thì mức giá mới tăng không nhiều.
Theo đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng bình quân 8%; giá dịch vụ ngày giường bệnh tăng bình quân từ 19% đến 22%; giá dịch vụ kỹ thuật tăng bình quân 6%. Tỷ lệ tăng cơ bản phù hợp với mức tăng lương cơ sở và tỷ lệ tăng giá khám chữa bệnh các đợt trong giai đoạn 2018-2024. Bên cạnh đó, một số dịch vụ không tăng giá mà giữ nguyên mức giá cũ như hội chẩn để xác định ca bệnh khó chỉ áp dụng khi mời chuyên gia khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh; khám cấp giấy giám định y khoa và khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe.
Sau khi Nghị quyết 445/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được ban hành, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của tỉnh kịp thời thực hiện một số nội dung liên quan. Hướng dẫn cụ thể các đơn vị thực hiện việc thanh toán chi phí cho người bệnh có hồ sơ bệnh án từ năm 2024 chuyển sang năm 2025. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia khám bệnh BHYT được thanh toán dịch vụ khám bệnh thuộc danh mục do quỹ BHYT đã được HĐND tỉnh phê duyệt. Chỉ đạo các cơ sở, đơn vị y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nắm được đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước về việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Các dịch vụ khám, điều trị tăng
Toàn tỉnh hiện có 31 bệnh viện và 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Áp dụng theo bảng giá dịch vụ mới, các bệnh viện, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã kịp thời chuyển đổi mã tương đương, tên dịch vụ kỹ thuật theo quy định tại Nghị quyết số 445/NQ-HĐND để đảm bảo việc liên thông dữ liệu phục vụ quản lý khám, chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị rà soát nội dung liên quan để bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị thực hiện danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt.
Gia đình bệnh nhân thanh toán viện phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu, sau khi áp dụng bảng giá dịch vụ y tế mới đã có sự thay đổi. Giá dịch vụ khám bệnh tăng từ 37.500 đồng/lượt lên 45.000 đồng/lượt. Giường bệnh hồi sức cấp cứu là 359.200 đồng/ngày lên 418.500 đồng/ngày; giường bệnh nội khoa, ngoại khoa trước đây là từ 193.800 đồng/ngày đến 339.000 đồng/ngày, hiện nay tăng từ 177.300 đồng/ngày lên 341.800 đồng/ngày.Sau khi tăng giá, đối với người bệnh có thẻ BHYT phải trả phần chênh lệch cao hơn so với trước đây. Đối với người bệnh không có thẻ BHYT, việc thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh cũng cao hơn.
Bác sĩ CKII Trần Hữu Hùng, Giám đốc bệnh viện, thông tin: Việc tăng các giá dịch vụ y tế giúp bổ sung nguồn thu của bệnh viện, giúp chi trả các chế độ cho nhân viên y tế khi mức lương tăng; có thêm kinh phí tái đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị, phát triển kỹ thuật; góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Hiện nay, Bệnh viện đã niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo công khai, minh bạch, dễ theo dõi, dễ tra cứu; quản lý, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với tăng giá khám và giá giường bệnh, các bệnh viện cũng điều chỉnh hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật theo mức giá mới như siêu âm, chụp x-quang, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm… Tuy nhiên, đối với các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, các bệnh viện hạng I đến hạng IV trên toàn quốc đều áp dụng mức giá tăng như nhau.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai siêu âm cho người bệnh.
Bác sĩ CKI Vũ Duy Khang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Hiện nay, Bệnh viện thực hiện dịch vụ kỹ thuật siêu âm cơ bản từ mức 49.300 đồng/lần tăng lên 58.600 đồng/lần. Chụp x-quang cơ bản từ mức 53.200 đồng/lần tăng lên 58.300 đồng/lần. Đối với mỗi dịch vụ khác nhau, thì mức giá điều chỉnh cũng khác nhau. Bệnh viện cũng tích cực thông tin, tuyên truyền đến người dân về việc áp dụng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
Việc điều chỉnh giá dịch vu y tế giúp các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất với chất lượng cao, để triển khai các kỹ thuật mới, làm tăng chất lượng dịch vụ y tế. Đồng thời, giúp các đơn vị y tế đảm bảo nguồn thu nhập cho cán bộ y tế tốt hơn. Từ đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các đơn vị.
Đảm bảo quyền lợi của người bệnh
Việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến 2 nhóm đối tượng là người có thẻ BHYT và người chưa có thẻ BHYT. Mức lương cơ sở tăng nên mức đóng BHYT cũng tăng theo quy định. Vì vậy, mức chi trả quyền lợi của người tham gia BHYT cũng tăng theo. Đối với hộ dân là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách được BHYT thanh toán 100% thì không bị ảnh hưởng. Đối với người có thẻ BHYT phải chi trả ở mức 20% hoặc 5% thì phần chênh lệch phải chi trả không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo mức tiền lương cơ sở.
Đưa con gái đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà Mai Thị Thắm, tổ 2, phường Chiềng Sinh, Thành phố, cho biết: Tôi thấy việc tăng giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ bản này khá phù hợp, việc chi trả phần chênh lệch cũng không quá cao. Tuy nhiên, bệnh viện phải đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị, bởi khi bệnh viện không có đủ thuốc, nhất là danh mục thuốc được BHYT chi trả thì chúng tôi phải ra ngoài hiệu thuốc tư nhân mua, vừa không yên tâm, lại mất quyền lợi được hưởng BHYT.
Năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đạt 96,6%. Như vậy, có khoảng 3,4% số người dân trên địa bàn tỉnh không có BHYT. Đây là nhóm đối tượng phải thanh toán 100% theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Chi phí khám bệnh sẽ trở thành gánh nặng kinh tế lớn đối với những gia đình có những ca bệnh nặng, tai nạn bất ngờ cần phẫu thuật lớn mà không có thẻ BHYT. Đây là thiệt thòi rất lớn khu một số ít người dân không mua BHYT.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống khám cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa Cuộc Sống, Thành phố là bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã điều chỉnh giá dịch vụ. Bác sĩ CKI, Nguyễn Xuân Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cuộc Sống, cho biết: Trong đợt điều chỉnh giá lần này, cơ bản phần chênh lệch 20% người bệnh phải chi trả giữ nguyên mức cũ, không tăng thêm. Đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT, mức giá tăng thêm khoảng 7% so với mức giá cũ. Hằng năm, 93% bệnh nhân của viện đều sử dụng thẻ BHYT, chỉ có 7% không có thẻ bảo hiểm y tế. Trong đó, có 4% bệnh nhân có các loại thẻ bảo hiểm nhân thọ khác nhau, nên khi người bệnh điều trị nội trú cũng được bảo hiểm nhân thọ chi trả chi phí giường bệnh hằng ngày.
Việc ban hành và áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới theo các quy định tại Nghị quyết 445/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã góp phần tạo điều kiện cho các cơ cở y tế tăng nguồn thu cần thiết để tái đầu tư các trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong việc hưởng thụ các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Huyền Trăng
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/suc-khoe/bao-dam-chat-luong-kham-chua-benh-khi-muc-gia-cac-dich-vu-y-te-tang-mhVhnpDNg.html