Bảo đảm Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật

Bảo đảm Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật
5 giờ trướcBài gốc
Bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã
Tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra vào chiều 5/2, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi).
Dự thảo Luật được thiết kế với 8 chương, 72 điều (giảm 101 điều so với Luật hiện hành) và phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn để bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống VBQPPL, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với đề xuất nêu tại Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị.
Đồng thời, thay đổi 1 hình thức từ quyết định sang hình thức thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước để bảo đảm tính tương đồng, thống nhất với hình thức VBQPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; bổ sung 1 hình thức VBQPPL do Chính phủ ban hành là nghị quyết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Quốc hội
Như vậy, so với Luật Ban hành VBQPPL hiện hành, dự thảo Luật giảm 1 hình thức VBQPPL (hiện gồm 26 hình thức) và giảm 2 chủ thể có thẩm quyền ban hành (hiện có 16 chủ thể).
Đáng quan tâm, nội dung đổi mới trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL tập trung vào 3 vấn đề lớn, trọng tâm: Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH; hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt.
Trong đó, thời gian ban hành luật có thể rút ngắn từ 22 tháng xuống 12 tháng, thậm chí xuống 5 tháng hay thời gian để xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn chỉ mất khoảng 1 - 2 tháng (giảm được 6 - 8 tháng).
Bảo đảm Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật
Về vai trò của cơ quan trình dự án Luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Quốc hội, UBTVQH, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật sẽ quy định để bảo đảm Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội
Thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/1/2025 của Bộ Chính trị và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được trình Quốc hội xem xét thông qua tại cùng Kỳ họp.
Thường trực Ủy ban cơ bản thống nhất với cơ quan trình dự án về việc lược giảm hình thức VBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã và của HĐND quận; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là VBQPPL; thay đổi hình thức VBQPPL của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Đối với đề xuất lược giảm hình thức VBQPPL của UBND quận, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng thêm, vì UBND quận là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên địa bàn, nếu không được giao thẩm quyền ban hành VBQPPL thì có thể sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như thực hiện phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan, tổ chức cấp dưới.
Bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ là VBQPPL
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ thêm vai trò của cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án do mình trình. Việc làm luật phải do Bộ trưởng, Trưởng ngành chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối trong quá trình soạn thảo.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ là hình thức VBQPPL theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định ban hành nghị quyết có trùng lắp với nội dung ban hành nghị định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với quy định nhằm bảo đảm Chính phủ, cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do cơ quan mình trình. “Tôi đồng tình rất cao với chủ trương này và chắc chắn các đại biểu Quốc hội sẽ rất phấn khởi”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm vấn đề này trên cơ sở kế thừa các quy định, quy trình hợp lý, cần thiết, phát huy những điểm tốt của Luật hiện hành để giảm sự bị động của các cơ quan của Quốc hội và bảo đảm chất lượng, tiến độ cho việc thông qua luật, nghị quyết, bảo đảm phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan lập pháp trong giai đoạn chỉnh lý và thông qua luật…
Quan tâm đến vấn đề tham vấn chính sách trong quá trình xây dựng luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, tham vấn chính sách, theo kinh nghiệm lập pháp quốc tế, tôi cho rằng, đây là quy trình rộng hơn, đa dạng hơn, diễn ra trong nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình ban hành chính sách.
Đối tượng tham vấn chính sách cũng rộng hơn, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, người dân… nhằm thu thập thông tin phản biện, đánh giá tác động, tìm kiếm sự đồng thuận của các đối tượng trước khi chính sách được hoạch định cụ thể và được ban hành.
Còn lấy ý kiến là quy trình diễn ra khi có một chính sách cụ thể nào đó, cho một vấn đề cụ thể, đối tượng lấy ý kiến sẽ hẹp hơn… Vì vậy, phải làm rõ khái niệm tham vấn chính sách, phải làm tham vấn chính sách như thế nào… nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Phương Thảo
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/bao-dam-chinh-phu-lam-dung-vai-la-co-quan-trinh-du-an-luat-184243.html