Bảo đảm chính sách cho người không có việc làm do sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bảo đảm chính sách cho người không có việc làm do sắp xếp, tinh gọn bộ máy
2 ngày trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, với việc thực hiện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tại thời điểm Chính phủ trình Dự thảo Luật, chưa thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị một cách triệt để.
Do vậy, Dự thảo Luật chưa dự liệu được tác động của việc thực hiện chủ trương này, như tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong dự thảo Luật (do sáp nhập); chính sách cho người không có việc làm do sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tác động đến cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi giảm đối tượng tham gia và tăng đối tượng thụ hưởng; có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc và giao Chính phủ quy định để bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp như khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, khi trình Luật này chưa có chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có Bộ LĐTB&XH. Do đó đề nghị, chức năng, nhiệm vụ khi tinh gọn của các tổ chức này cần quy định theo hướng chung, đồng thời giao Chính phủ quy định cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp sắp xếp lại, tổ chức bộ máy.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy có tác động đến tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, nhân sự, liên quan cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đối tượng thu giảm, đối tượng hưởng tăng do bộ phận không nhỏ công chức, viên chức, người lao động không có việc làm nhưng lại chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu khi sắp xếp. Nội dung này cần được các cơ quan thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng dẫn thông tin cho thấy số người ảnh hưởng sau sắp xếp khoảng 100.000 người. Với Bộ LĐTB&XH hợp nhất và một số nhiệm vụ chuyển về Bộ Nội vụ, chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT. Do vậy, về mặt tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ cũng cần xem xét, liên quan đến dự thảo luật này thế nào.
Cơ cấu BHXH Việt Nam về Bộ Tài chính, tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp công lập, thành 14 ban, giảm 7 đơn vị, cơ cấu lại đầu mối bên trong của 63 bảo hiểm cấp tỉnh, giảm 126/500 phòng. BHXH Việt Nam cũng cơ cấu lại 640 bảo hiểm cấp huyện xuống còn 350 bảo hiểm khu vực liên huyện.
“Đề nghị rà soát, nghiên cứu, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiếp thu chỉnh lý để kỳ họp tới thông qua, không phải cho ý kiến lần đầu nên thời gian rà soát chủ trương trong Luật Việc làm rất cấp bách” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Tại phiên họp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ, viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp khi tinh giản biên chế mà chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì sẽ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề.
“Hiện nay, sẽ có 100 nghìn người hưởng chế độ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, nhưng những người hưởng theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP bao hàm cả công chức và viên chức. Vì chưa rõ trong tinh giản có bao nhiêu công chức, viên chức nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có cơ sở đánh giá tác động đối với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp” - ông Lê Hùng Sơn nói.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khẳng định, nếu phát sinh chi cho những người là viên chức hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nguồn quỹ để chi vẫn còn, do hiện nay kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn khoảng 63 nghìn tỷ đồng.
PV
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bao-dam-chinh-sach-cho-nguoi-khong-co-viec-lam-do-sap-xep-tinh-gon-bo-may.html