Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. (Ảnh: BÙI GIANG)
Chiều ngày 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền trong phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch
Thảo luận tại tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tới đây, nếu được Quốc hội thông qua chúng ta sẽ tổ chức chính địa phương theo mô hình hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã, trong cấp xã sẽ có phường, xã, đặc khu. Do vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, tăng cường các yếu tố phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng chuyển đổi số trong quy hoạch.
Lưu ý quy hoạch là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch cần được xem xét trong tương quan với các luật khác như: Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo... để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại tổ 13 về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. (Ảnh: BÙI GIANG)
Theo Chủ tịch Quốc hội, quy hoạch phải bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ. Theo đó, phải quy định công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là lấy ý kiến đối với nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quy hoạch; thiết lập cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ.
“Nếu không bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng bộ thì quy hoạch sẽ liên tục bị thay đổi", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải tăng cường cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân. Nếu quy hoạch được công khai, minh bạch để nhân dân giám sát, nhân dân đồng thuận thì việc triển khai quy hoạch sẽ thực hiện tốt, khả thi.
Về phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, luật lần này phải đổi mới mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá cụ thể những vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến cần phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Nghiên cứu kỹ việc đưa quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) bày tỏ thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật này.
Về chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch, đại biểu cho biết, Luật Quy hoạch hiện hành cũng có các quy định như: Nhà nước ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích tổ chức, cá nhân ở trong nước và tổ chức cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch hay tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch rồi…
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các quy định này còn mang tính chung, không có nói rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm để tham mưu xây dựng ban hành chính sách này; đồng thời cũng không giao cho Chính phủ để quy định.
Theo đại biểu, dù cơ chế chính sách trong luật quy định rất tích cực, song trên thực tế chưa triển khai thực hiện được bởi vì chưa có giao cho một cơ quan cụ thể. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành cơ chế chính sách này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh). (Ảnh: BÙI GIANG)
Dẫn thông tin từ giám sát tối cao của Quốc hội về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cho biết, giám sát đã chỉ ra một trong những vấn đề cần phải tháo gỡ khó khăn chính là hệ thống quy hoạch và hệ thống pháp luật về quy hoạch.
Mặc dù dự thảo luật có một số điểm mới như đưa các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia, nhưng điều này theo đại biểu lại tạo ra sự phức tạp hơn, vì các quy hoạch chuyên ngành này vẫn phải tuân thủ các luật chuyên ngành khác. Do vậy, về lâu dài, theo đại biểu, cần có sự nghiên cứu, cải cách sâu rộng hơn về thể chế, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các nghị quyết về chiến lược phát triển.
Đại biểu Quàng Văn Hương (đoàn Sơn La) chỉ ra, trước đây, cấp huyện đóng vai trò trung gian quan trọng trong tổ chức thực hiện và điều phối quy hoạch. Việc bỏ cấp huyện trong hệ thống quy hoạch sẽ khiến cấp xã gặp khó khăn nhất định trong cụ thể hóa các chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch ngành. Vì vậy, đại biểu kiến nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của cấp xã khi không tổ chức cấp huyện, đồng thời rà soát các luật, chính sách liên quan để bảo đảm đồng bộ.
THU HẰNG