Với những tình huống này, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật (HC-KT) và ngành HC-KT Quân đội luôn chủ động làm tốt các khâu, các bước, từ công tác tạo nguồn, dự trữ đến bảo đảm; khẳng định Quân đội sẵn sàng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật (HC, KT) khi có TTKC...
Chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa
Cuối tháng 3 vừa qua, ngay sau khi nhận nhiệm vụ được cấp trên giao, chưa đầy 20 tiếng đồng hồ, 30 cán bộ, nhân viên quân y đã nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng lên đường tham gia cứu trợ thảm họa động đất tại Myanmar. Đây là lần thứ hai, lực lượng quân y tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ, khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai ở nước ngoài, trước đó là tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2-2023. Quân số và khối lượng vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa thiết yếu mang theo lần này rất lớn, gồm 40 tấn lương khô, 30 tấn hàng hóa, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác thu dung, cấp cứu, điều trị hỗ trợ nhân dân Myanmar; bảo đảm cứu trợ trong hai tuần, xử trí cho 50-100 nạn nhân/ngày.
Các đơn vị của Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật vận chuyển hàng cứu trợ nhân dân Myanmar. Ảnh: LÊ HIẾU
Trước đó, từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục HC-KT) đã tham mưu với Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập phòng, chống dịch với quy mô toàn quân tại 227 điểm cầu và 267 điểm thực binh với sự tham gia của hơn 22.000 người; từ đó đã chủ động công tác phòng, chống dịch của toàn quân và cả nước sau này. Khi dịch bùng phát diện rộng, Tổng cục kịp thời điều động, tăng cường lực lượng, phương tiện, trang bị, vật tư y tế; khẩn trương thành lập các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm; triển khai các tổ, đội quân y cơ động hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Trong hai năm (2021, 2022), ngành quân y đã huy động 12 bệnh viện dã chiến, 63.500 liều vaccine và 660 tổ quân y cơ động tham gia xét nghiệm, điều trị Covid-19 cho các địa phương.
Làm rõ công tác bảo đảm quân y liên quan đến TTKC, Đại tá Trần Công Trường, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục HC-KT) cho biết, Cục Quân y đã chủ động tham mưu với thủ trưởng các cấp chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện thực hiện ứng phó với sự cố thiên tai, dịch bệnh, xác định đây là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) thường xuyên trong thời bình. Để chủ động và nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống tương tự TTKT, ngành quân y xác định làm tốt công tác huấn luyện, đào tạo, diễn tập; chủ động huấn luyện sát với tình huống có thể xảy ra... Các tổ, đội quân y kiêm nhiệm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu hàng không, đường biển, phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với sự cố về an toàn thực phẩm, hóa chất, thảm họa hạt nhân...
Đánh giá về công tác chỉ đạo, bảo đảm HC, KT liên quan đến TTKC, Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục HC-KT khẳng định, từ những tình huống liên quan đến TTKC trên cho thấy, ngành HC-KT là lực lượng có mặt ở cả trước, ngay khi nảy sinh và sau khi kết thúc các tình huống, đúng với đặc thù “hậu cần đi trước, về sau”. Trong cả 3 giai đoạn, Tổng cục đã chủ động làm tốt công tác tạo nguồn, dự trữ vật chất HC-KT; công tác huy động nguồn lực, bảo đảm trong và sau tình huống. Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục HC-KT đã chỉ đạo tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược HC, KT, thực hiện tốt chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng liên quan đến TTKC.
Những năm qua, Tổng cục đã bảo đảm kịp thời HC, KT cho nhiệm vụ SSCĐ, nhiệm vụ đột xuất; ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới ở địa bàn trọng điểm và phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn... Tổ chức rà soát, điều chỉnh dự trữ vật chất, trang bị HC, KT cho nhiệm vụ SSCĐ. Từng bước quy hoạch, bố trí thế trận HC, KT, chuẩn bị tiềm lực HC, KT, kiện toàn tổ chức, lực lượng phù hợp với yêu cầu thời bình và sẵn sàng cho thời chiến. Chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ điều chỉnh thế bố trí một số đơn vị, cơ sở công nghiệp HC-KT; ưu tiên đầu tư xây dựng các kho dự trữ ở địa bàn trọng điểm, dễ chia cắt... Đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã cơ bản quy hoạch xong căn cứ HC-KT, phù hợp với quyết tâm tác chiến và quy hoạch bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hoàn thiện thể chế để ứng phó hiệu quả
Theo lãnh đạo Tổng cục HC-KT, từ thực tiễn triển khai công tác chỉ đạo, bảo đảm HC, KT liên quan đến TTKC cho thấy, pháp luật về TTKC không còn phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và Quân đội. Nhất là khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về xử lý TTKC của các cấp, ngành. Đơn cử như việc cấp thẩm quyền chưa ban bố TTKC nhưng địa phương đã ban hành văn bản hành chính hạn chế quyền công dân, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách bảo đảm HC, KT để lực lượng Quân đội, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ khẩn cấp, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa...
Theo lãnh đạo Cục Quân nhu (Tổng cục HC-KT), với đặc thù trong Quân đội, có những nội dung, hoạt động phù hợp với quy định này nhưng không phù hợp với quy định khác nên khó khăn trong bảo đảm vật chất khi xảy ra tình huống. Ví như khi cần huy động một lượng lớn vật chất trong thời gian ngắn thì có rất nhiều thủ tục phải trình qua nhiều cấp nên rất mất thời gian; nếu chủ động mua sắm ngay thì sai luật, nên nếu xảy ra TTKC sẽ không có vật chất bảo đảm.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành về TTKC còn thiếu các quy định thực thi hoặc chưa cụ thể về huy động nguồn lực; quy trình, thủ tục mua sắm vật chất, trang bị từ nguồn ngân sách nhà nước trong điều kiện cấp bách nhưng chưa đến mức ban bố TTKC dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Để ứng phó hiệu quả khi có tình huống xảy ra, lãnh đạo Tổng cục HC-KT cho rằng, Chính phủ, Quốc hội cần sớm ban hành, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTKC và chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương củng cố, xây dựng tiềm lực, thế trận HC, KT toàn dân; xây dựng HC, KT khu vực phòng thủ vững chắc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo đảm HC, KT cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo đảm cho tình huống ban bố TTKC, thiết quân luật, giới nghiêm...
Song song với đó, các cấp cần nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác HC, KT đồng bộ; ban hành các quy định tiêu chuẩn vật chất HC, KT bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ; chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với một số lĩnh vực đặc thù trong Quân đội, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ trong TTKC. Đầu tư, phát huy nguồn lực HC, KT trong nước, không phụ thuộc vào hàng nhập khẩu... Tăng cường tạo nguồn, dự trữ trang thiết bị, vật chất HC, KT và con người phù hợp với từng loại hình đơn vị, địa phương và các chuyên ngành HC-KT để sẵn sàng bảo đảm cho TTKC...
MINH MẠNH