Bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Nhà giáo kể từ ngày 1/1/2026

Bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Nhà giáo kể từ ngày 1/1/2026
10 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh hội thảo.
Sáng 17/7, Bộ GD&TĐ tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới.
Khuyến nghị từ chuyên gia quốc tế
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ về bối cảnh quốc tế và trong nước liên quan đến định hình vai trò, chính sách của nhà giáo, nhà lãnh đạo và nhân sự giáo dục; giới thiệu một số phát hiện về chính sách nhà giáo trong Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2024, 2025 cũng như các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam từ một số nghiên cứu chuyên sâu.
Các bối cảnh và khuyến nghị chính sách từ quốc tế và trong nước sẽ giúp bộ phận thường trực soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo của Bộ cũng như các đại biểu địa phương, cơ sở giáo dục có thêm các góc nhìn đa chiều về chính sách nhà giáo trong nước và quốc tế để có thể tham gia, góp ý, phản biện, tư vấn các chính sách nhà giáo tốt hơn.
Ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ tại hội thảo.
Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhìn nhận, Luật Nhà giáo vừa được ban hành giúp nâng cao vị thế của đội ngũ giáo viên. Với quy định về lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã khẳng định một cách rõ ràng, giáo dục đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của đất nước.
“UNESCO đánh giá cao việc cải cách giáo dục một cách toàn diện của Việt Nam từ việc miễn học phí, triển khai dạy học 2 buổi/ngày…, thể hiện sự công bằng trong giáo dục” - ông Jonathan Wallace Baker ghi nhận.
UNESCO đã đồng hành với Việt Nam từ giai đoạn đầu xây dựng chính sách nhà giáo và cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy về bình đẳng giới, phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng trường học hạnh phúc. Ông Jonathan Wallace Baker cho biết: Thời gian tới, UNESCO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về chuyển đổi số, lấy công nghệ làm trung tâm, đảm bảo tính tập trung.
Theo ông Jonathan Wallace Baker, chúng ta cần có hệ thống dữ liệu tích hợp để hỗ trợ giáo viên và toàn thể đội ngũ, nhân sự tư vấn tâm lý học đường, y tế…giải quyết sự thiếu hụt trong nhu cầu nhân sự tại các địa phương, hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó là sử dụng công nghệ thông tin tăng cường chuyên môn, cải thiện quản lý trường học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ông Jonathan Wallace Baker nhấn mạnh, việc ban hành Luật Nhà giáo, sửa đổi các luật về giáo dục cho thấy, Việt Nam đang đưa ra cam kết toàn diện, đảm bảo rằng không một cá nhân, trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ nhà giáo tham dự hội thảo.
Khuyến nghị về công tác thu thập dữ liệu, phân tích và dự báo về Nhà giáo ở Việt Nam, ông Nyi Nyi Thaung – đại diện UNESCO Thái Lan cho rằng, cần phát triển hệ thống thông tin quản lý giáo viên liên thông với EMIS, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên và quản lý nhân sự.
Cùng với đó, mở rộng phân tách dữ liệu như thành phần dân tộc, khuyết tật, tình trạng việc làm… Tận dụng công nghệ số để tích hợp và trực quan hóa dữ liệu. Ngoài ra, cần sử dụng các công cụ dự báo để cung cấp thông tin cho chính sách về tuyển dụng, duy trì và đào tạo giáo viên. Nâng cao năng lực ở cấp địa phương trong việc sử dụng dữ liệu cho công tác hoạch định và thúc đẩy hợp tác liên ngành.
Cần tổ chức thực hiện Luật Nhà giáo theo phân cấp, phân quyền
PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo.
Đề xuất các chính sách cụ thể để phát triển đội ngũ nhà giáo, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục (Đại học Bách khoa Hà Nội) gợi mở, cần quy định trong các Thông tư chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, nhân viên, trong đó xác định rõ tiêu chuẩn về chuẩn năng lực số và khả năng ứng dụng AI là yêu cầu bắt buộc;
Ngoài ra, cần xây dựng nội dung bồi dưỡng này trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho toàn bộ nhân sự ngành giáo dục, bao gồm cả giảng viên và nhân viên hỗ trợ.
Bên cạnh đó, ông Phạm Mạnh Hà cho rằng, cần xây dựng Khung đánh giá hiệu suất thực chất, linh hoạt, lấy sự đổi mới sáng tạo và đóng góp thực tiễn làm trọng tâm, thay vì chỉ dựa vào thâm niên hay các chỉ số hành chính.
Khung này cần được áp dụng đồng bộ cho cả nhân sự hỗ trợ, nhằm tạo lộ trình phát triển công bằng, minh bạch. Cần xem xét cơ chế xét thăng hạng đặc cách, linh hoạt hơn cho những cá nhân có thành tích vượt trội, thay vì quy định cứng về thời gian giữ hạng 9 năm như hiện nay.
Nhận định Luật Nhà giáo mang tính đột phá trong việc hoàn thiện thể chế giáo dục, TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến – chuyên gia giáo dục của UNESCO cho rằng, trong thời gian tới cần tổ chức thực hiện Luật Nhà giáo theo phân cấp, phân quyền.
Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các bên có liên quan theo tinh thần kiến tạo phát triển nhà giáo và nhân sự giáo dục. Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và nhân sự giáo dục theo định hướng sẵn sàng cho tương lai.
TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến gợi ý, cần thí điểm và từng bước mở rộng mô hình trường học hạnh phúc ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà giáo và nhân sự giáo dục phục vụ xây dựng chính sách, giám sát, đánh giá.
TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến tham luận tại hội thảo.
Căn cứ pháp lý cao nhất
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Luật Nhà giáo được ban hành là điều kiện quan trọng, căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai các chính sách nhà giáo và phát triển đội ngũ.
Đây là những điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật. Quá trình này, đòi hỏi công sức, trí tuệ, sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn và bài bản.
Thứ trưởng nhấn mạnh, từ nay đến 1/1/2026, Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành, đồng thời các quy định đó phải đồng bộ thực hiện. Theo đó, từ nay đến hết năm 2025 phải cùng lúc nghiên cứu và ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Đây là những văn bản quan trọng, khó và phức tạp vì vẫn quy định những nội dung cụ thể mà trong luật đã có, quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành. Đặc biệt, các văn bản này tác động tới con người, với hơn 1 đội ngũ nhà giáo và tác động tới các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.
Vì thế, Thứ trưởng yêu cầu, những người xây dựng các văn bản hướng dẫn vẫn phải tiếp cận trên cơ sở bám sát đầy đủ căn cứ về pháp lý, quan điểm chính trị, khoa học, thực tiễn và với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm việc khoa học, thực tiễn nhất.
Trên hết là đòi hỏi tinh thần cầu thị, lắng nghe nhất. Dù là thông tư hay nghị định, thì vẫn phải đáp ứng được quan điểm cao nhất là: phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng được đội ngũ nhà giáo đảm bảo về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Qua đó, đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước, xây dựng thế hệ học sinh đủ năng lực, đủ tầm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
“Với những khó khăn, thách thức và yêu cầu cao trong khi quỹ thời gian eo hẹp nên đòi hỏi chúng ta phải có cách làm khoa học” – Thứ trưởng nhấn mạnh và gợi ý, một trong những cách làm hiệu quả là tổ chức những hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước, quốc tế nhằm lắng nghe, tổng hợp ý kiến và trên cơ sở bám sát vào quan điểm của Luật Nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức phát biểu đề dẫn hội thảo.
Tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và sâu sát. Qua đó, nhằm đóng góp vào việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Nhà giáo.
Sau hội thảo, ông Vũ Minh Đức mong muốn tiếp tục nhận được góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế trong quá trình biên soạn các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Nhà giáo.
Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Nhà giáo kể từ ngày 1/1/2026, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư.
Trong đó, 3 Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà giáo, Nghị định quy định chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo, Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành Giáo dục; 12 Thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp, chế độ làm việc, thẩm quyền tuyển dụng, chức danh tương đương, quy tắc ứng xử của nhà giáo.
“Đứng trước những yêu cầu mới về chính sách đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng về đột phá giáo dục và đào tạo thời gian tới... đòi hỏi nội dung quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo phải mang tính cách mạng, vượt trội, đón đầu những xu hướng phát triển của thời đại trong kỷ nguyên mới” – ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giới thiệu một số nội dung căn cốt của Luật Nhà giáo.
Nhấn mạnh 5 điểm nổi bật đáng chú ý trong quy định tại Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức cho hay, Thứ nhất, khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo.Thứ hai, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Thứ ba, một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo. Thứ tư, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ – nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ năm, tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục.
Minh Phong. Ảnh: Duy Mạnh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/bao-dam-hieu-luc-thi-hanh-cua-luat-nha-giao-ke-tu-ngay-112026-post740211.html