Sáp nhập bộ máy, vận hành chính quyền hai cấp đã khởi động hơn 20 ngày. Trong guồng quay đó, HĐND cấp xã đang bộc lộ nhiều khoảng trống trong thực hiện quy định về bảo đảm cho hoạt động. Một mô hình dân chủ không thể thiếu thiết chế HĐND, nhưng nếu việc bảo đảm hoạt động cho đại biểu không được triển khai đúng quy định của luật mới thì hoạt động HĐND cấp xã sẽ chưa thể hiệu quả.
Cử tri mong muốn được đại biểu HĐND thông tin về sắp xếp đơn vị hành chính và bộ máy chính quyền 2 cấp. Ảnh: B. Nguyên
Chưa rõ các mốc quy trình, trình tự thực hiện
Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, HĐND ở xã, phường, đặc khu sau sắp xếp được đa số các địa phương bố trí bình quân 3 đại biểu chuyên trách (1 Phó Chủ tịch, 2 Phó Trưởng ban của HĐND), ngoài ra mỗi ban của HĐND cấp xã có một chuyên viên giúp việc. Như vậy, tính bình quân mỗi xã, phường, đặc khu có 5 chuyên trách hoạt động HĐND.
Điểm đ khoản 2 Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 quy định trong lĩnh vực tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền, HĐND cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn ban hành Quy chế làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp mình. Như vậy, về mặt thẩm quyền, Luật phân quyền cho HĐND ban hành quy chế làm việc. Nội dung quy chế là văn bản có tính pháp lý bảo đảm cho HĐND cấp xã vận hành theo đúng quy định. Trong đó, ngoài quy trình hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND thì sẽ có các quy định về mối quan hệ công tác và nhất là điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND.
Đây là nhiệm vụ được Luật quy định, thế nhưng hiện nay nhiều địa phương chưa ban hành Nghị quyết về quy chế làm việc mà đang loay hoay vì chưa rõ các mốc quy trình, trình tự thực hiện chức năng quyết định và giám sát như trước đây, trong khi đó tinh thần của Luật mới là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định Nghị quyết của HĐND cấp xã cũng là văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 xác định rõ HĐND cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao. Trong trường hợp này, Luật quy định, HĐND cấp xã ban hành quy chế làm việc. Thế nhưng hiện nay, HĐND nhiều xã cũng đang chưa rõ ràng trong việc ban hành Quy chế làm việc của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp mình là văn bản quy phạm pháp luật hay là văn bản hành chính thông thường.
Không dễ tiếp cận tài liệu được số hóa
Khoản 9 Điều 33 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 quy định: khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Như vậy, ngoài việc HĐND quy định quy chế làm việc, trong đó có bảo đảm các điều kiện phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND, việc cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu HĐND đối với nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đại biểu HĐND yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được bảo đảm.
Điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 150/2025/NĐ-CP của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và UBND xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định: Văn phòng HĐND và UBND cấp xã có nhiệm vụ cung cấp thông tin, bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của HĐND.
Một đại biểu HĐND cấp xã tại Hà Tĩnh kể về kỳ họp đầu tiên: hôm ấy, trước ngày họp, tôi được Tổ trưởng Tổ đại biểu gửi vào nhóm zalo một file tài liệu toàn file nén, dung lượng lớn, có cả mã QR kèm theo yêu cầu: đại biểu nghiên cứu tài liệu, tham dự kỳ họp đầy đủ, nhắc nhở về trang phục. Điện thoại dung lượng thấp lại không mở được các phần mềm nên tôi không mở được tài liệu. Tôi có phản ánh và yêu cầu cung cấp tài liệu bản giấy, Tổ trưởng nhắn không có bản giấy. Đến họp rồi nghe đọc báo cáo, nhiều đại biểu như tôi mới biết nội dung. Cũng muốn góp ý nhưng không nắm kỹ thì biết nói gì. Tình hình này mà kéo dài thì hoạt động của HĐND cấp xã sẽ không được bảo đảm như luật định được.
Câu chuyện của vị đại biểu nọ không cá biệt. HĐND cấp xã, phường sau sắp xếp chính quyền ở khá nhiều nơi cũng cung cấp tài liệu, thông tin cho đại biểu chủ yếu “giao khoán” cho Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu. Các tổ tự lập nhóm Zalo, người có điện thoại thông minh thì đọc, không thì... thôi. Không ít đại biểu là Bí thư Chi bộ thôn (bản, ấp), Tổ dân phố, Thôn trưởng, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng bản tuổi cao, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế thì không dễ tiếp cận được.
Trong guồng quay của bộ máy chính quyền hai cấp, bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, HĐND xã tại một số địa phương vẫn đang có những lúng túng bước đầu trong vận hành, từ ban hành quy chế làm việc đến cung cấp thông tin, bảo đảm điều kiện hoạt động cho đại biểu, cần những hướng dẫn cụ thể để hoạt động thông suốt và phát huy được vai trò, trách nhiệm trong tổ chức chính quyền 2 cấp.
Bình Nguyên