Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, để chuẩn bị cho kỳ thi mang tính chất đặc biệt này, đến nay Bộ GD-ĐT đã triển khai các nội dung gì?
* Ông HUỲNH VĂN CHƯƠNG: Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên, các kỳ thi được tổ chức thi theo Chương trình GDPT năm 2018, đồng thời vẫn còn các thí sinh dự thi theo Chương trình GDPT năm 2006. Trong điều kiện các đơn vị chuẩn bị cho việc sắp xếp bộ máy chính quyền theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ GD-ĐT cũng cần có sự chỉ đạo kịp thời, chuẩn bị từ sớm, từ xa để đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng.
Ngay từ sớm, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 30 về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Bộ cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT. Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp để triển khai Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng. Ngày 3-4 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Chúng tôi đã tập huấn kỹ, hướng dẫn rõ, trao đổi đầy đủ và kịp thời đến 63 sở GD-ĐT và các bên liên quan đến kỳ thi.
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới, các trường, giáo viên, học sinh sẽ phải chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có một số điểm mới. Nội dung ôn tập chủ yếu tập trung ở lớp 12, theo yêu cầu cần đạt trong Chương trình GDPT năm 2018 để học sinh yên tâm học tập và các thầy cô giáo chủ động giảng dạy, ôn tập phù hợp cho học sinh. Cấp độ tư duy là 40% mức biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng; tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kỹ năng với thực tế, thực tiễn, đặc biệt với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Những điểm mới này đặt yêu cầu thầy cô cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học. Tự chủ, tự học cũng là một trong ba năng lực chung quan trọng được nêu trong Chương trình GDPT 2018.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 cũng đã nêu rất rõ, phần tính điểm tốt nghiệp gồm 50% điểm thi tốt nghiệp và 50% điểm tính từ quá trình 3 năm học tập của các em học sinh. Đây là sự thay đổi cơ bản so với các kỳ thi trước đây, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh được phát triển trong quá trình học tập. Do vậy, thầy cô cần ôn tập cho học sinh tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kỹ năng với thực tế, thực tiễn, đặc biệt là với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh và phục vụ tốt cho việc xét tuyển sinh đầu vào các trường đại học, cao đẳng để giảm các kỳ thi khác cho học sinh, giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Các công việc có thể vất vả hơn cho các hội đồng từ ra đề, in sao và coi thi nhưng lại thuận lợi hơn cho thí sinh dự thi.
Kỳ thi năm nay tổ chức đồng thời cho các em học sinh thi theo Chương trình GDPT năm 2006 (các em chưa tốt nghiệp, hoặc thi để lấy điểm xét tuyển sinh đại học) và học sinh thi theo Chương trình GDPT năm 2018. Vì thế, các địa phương tuân thủ quy định tổ chức những điểm thi khác nhau cho các chương trình khác nhau. Để tránh sai sót, sẽ bố trí một số điểm thi riêng cho học sinh thi theo Chương trình GDPT năm 2006.
* Kỳ thi năm nay với nhiều điểm mới, bối cảnh mới, liệu thí sinh có bị ảnh hưởng?
* Có 3 đặc điểm lớn về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Thứ nhất, tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp đều thực hiện theo Chương trình GDPT năm 2018. Thứ hai, Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm đang được triển khai năm đầu tiên từ giữa tháng 2. Thứ ba, tác động của bối cảnh tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền. Vì vậy, ngành giáo dục đã và đang triển khai các giải pháp để chỉ đạo đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả, tạo tâm lý an tâm nhất cho thí sinh dự thi.
Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương quán triệt tinh thần tuyệt đối không để ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, cũng như công tác thi, công tác tuyển sinh; công tác dạy học, quản lý phải thường xuyên, liên lục không gián đoạn. Tất cả phải vì học sinh, tuyệt đối không buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo đối với 3 đối tượng học sinh theo Thông tư 29 (trong đó học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường).
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các sở GD-ĐT tổ chức thi thử tốt nghiệp, đánh giá thật, chấm đúng kết quả, đúng năng lực học sinh để rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi chính thức. Với học sinh, lưu ý các em làm bài thi thử nghiêm túc để kết quả phản ánh đúng năng lực, từ đó thầy cô, nhà trường có phương pháp bổ sung kiến thức cho các em một cách hiệu quả nhất. Bộ GD-ĐT sẵn sàng hỗ trợ phần mềm chấm thi, cử cán bộ, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc quy trình chấm bảo đảm đúng quy định của quy chế thi. Bộ GD-ĐT luôn dành sự thuận lợi nhất cho các thí sinh và hướng dẫn nghiệp vụ kỹ nhất cho các địa phương.
Mặt khác, đề thi năm nay sẽ phù hợp theo những gì đã công bố, theo chuẩn đầu ra chương trình, phù hợp năng lực học sinh và mục tiêu của kỳ thi là giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, vừa sức với học sinh, với mục tiêu học sinh không phải học thêm tràn lan, giáo viên không dạy thêm tràn lan.
Qua nắm bắt về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - kỳ thi đầu tiên của các thí sinh dự thi theo chương trình GDPT năm 2018 - chúng tôi thấy các địa phương đều chủ động chuẩn bị sớm công tác phục vụ cho kỳ thi, sẵn sàng mọi tình huống, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT để học sinh tự tin và yên tâm nhất tham gia kỳ thi.
Ngành quán triệt quan điểm “4 đúng” (đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường). Đồng thời quán triệt “3 không” (không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường) đối với kỳ thi năm nay. Bên cạnh đó, cần thêm “2 phát huy”, đó là, phát huy tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chỉ đạo, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi; và phát huy ý thức tự giác, tuân thủ quy chế của thí sinh.
LÂM NGUYÊN thực hiện