Bảo đảm không chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành

Bảo đảm không chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành
10 giờ trướcBài gốc
Cân nhắc việc bỏ quy định về tổ chức thanh tra nội bộ của một số cơ quan
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp ghi nhận nội dung dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã cơ bản quán triệt, bám sát chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đồng thời cũng chỉ rõ, Điều 55 của Luật Thanh tra hiện hành đã quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước (khoản 1) và trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra với nhau (khoản 2). Tuy nhiên, dự thảo Luật đã lược bỏ, không giữ lại quy định này và dự kiến quy định tại Điều 37 của dự thảo Nghị định của Chính phủ.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, cần giữ lại quy định mang tính nguyên tắc như tại khoản 1 Điều 55 của Luật hiện hành về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước. Bởi, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (khoản 1 Điều 118 của Hiến pháp năm 2013).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh yêu cầu phải tránh chồng chéo, trùng dẫm giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán được cơ quan chủ trì thẩm tra chỉ ra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga lưu ý, sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương, thì có thể phát sinh chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Điều này cũng có thể dẫn đến cá nhân, tổ chức trong cùng một thời điểm "vừa bị thanh tra, vừa bị kiểm tra chuyên ngành".
Chỉ ra nguy cơ này, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định nguyên tắc không trùng lặp về phạm vi thời gian giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, qua đó tránh ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức bị thanh tra, kiểm tra.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cũng lưu ý, Luật hiện hành quy định Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước được thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện các hoạt động thanh tra nội bộ (khoản 1 Điều 115). Tuy nhiên, dự thảo Luật đã lược bỏ quy định này mà không nêu rõ lý do. Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, cần giữ lại quy định của Luật hiện hành.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Giải trình về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, tại Luật Thanh tra năm 2022 có một điều khoản xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra và kiểm toán. Trong những năm gần đây, giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp rất chặt chẽ, “gần như không bị chồng chéo trong cùng một đối tượng” và hai cơ quan "hiện rất gắn kết”.
Mặt khác, tại các Điều 57, 58 của dự thảo Luật đã quy định về sự phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán, trong đó có xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, sẽ nghiên cứu kế thừa từ khoản 1 Điều 55 của Luật hiện hành để điều chỉnh bổ sung quy định phù hợp vào dự thảo Luật.
Liên quan đến việc dự thảo Luật lược bỏ quy định về tổ chức thanh tra nội bộ của một số cơ quan, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quá trình xin ý kiến về dự thảo Luật, các ý kiến đều đề nghị cân nhắc quy định về công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ của Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước. Lý do bởi, Luật Thanh tra chỉ điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của thanh tra trong các cơ quan hành chính nhà nước; cơ quan tư pháp, cơ quan đặc biệt như là kiểm toán là những cơ quan độc lập riêng.
Dù vậy, qua nghiên cứu Báo cáo thẩm tra và tiếp thu ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp để bổ sung lại quy định này nhằm kế thừa khoản 1 Điều 115 của Luật Thanh tra hiện hành về thanh tra nội bộ của một số cơ quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Cần rõ cơ quan quyết định mức trích kinh phí cho cơ quan thanh tra
Một trong những sửa đổi đáng chú ý tại dự thảo Luật lần này, là đã phân cấp cho Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí được trích cho cơ quan thanh tra và chế độ đối với người làm việc trong cơ quan thanh tra (Khoản 1, Điều 59), song không quy định cơ quan nào quyết định “mức trích” này.
Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 112 của Luật Thanh tra hiện hành quy định “các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra”. Trên cơ sở quy định tại Luật, trong Nghị quyết số 855/2023/UBTVQH15 về quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định việc trích này bao gồm “mức trích” và “việc quản lý, sử dụng kinh phí được trích”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước. Ảnh: Hồ Long
Trong khi đó, dự thảo Luật phân cấp cho Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng khoản kinh phí này, song không quy định về cơ quan nào quyết định “mức trích”. Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đề nghị, cần giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức trích từ khoản tiền thu hồi qua hoạt động thanh tra, trên cơ sở đó Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng đối với khoản này.
Quan tâm đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nhận thấy, tại điểm i khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật quy định Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đình chỉ hoặc bãi bỏ văn bản quy định pháp luật do Bộ trưởng ban hành trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và trái với văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Thanh tra Chính phủ.
“Theo quy định hiện hành, văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của Tổng Thanh tra Chính phủ có hiệu lực pháp lý ngang nhau. Trong khi đó, không phải mọi trường hợp khi văn bản của Bộ trưởng mâu thuẫn với văn bản của Tổng Thanh tra Chính phủ, thì văn bản của Bộ trưởng là sai, bị đình chỉ, bãi bỏ”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đề nghị, dự thảo Luật không nên đặt vấn đề văn bản của Bộ trưởng trái với văn bản của Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng thời, nghiên cứu chỉnh lý quy định tại điểm i khoản 2 Điều 1 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Về quản lý, sử dụng kinh phí được trích cho cơ quan thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thống nhất giữ quy định của Luật hiện hành, tức là Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức trích và nhiệm vụ chi. “Khi tham gia liên quan đến nội dung này của các cơ quan đặc thù không phải thanh tra, tôi có ý kiến là phải giữ như quy định của Luật Thanh tra hiện hành”, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ tiếp thu, rà soát, nghiên cứu để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ phù hợp với thực tiễn.
Trong kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tán thành với việc giao Chính phủ quy định xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra với nhau; đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật quy định rõ hơn nguyên tắc về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán. Cùng với đó, cần có quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành và giám sát để tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, không gây phiền hà cho đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, bị giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp để rà soát, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự án Luật; bảo đảm tính thống nhất với toàn bộ hệ thống pháp luật; rà soát các nội dung quy định về chuyển tiếp để không tạo ra "khoảng trống" pháp luật khi sắp xếp lại hệ thống tổ chức, cơ quan thanh tra.
Thanh Hải
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bao-dam-khong-chong-cheo-giua-hoat-dong-thanh-tra-voi-kiem-tra-chuyen-nganh-post411564.html