Bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
3 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Ưu tiên xử lý điểm nghẽn về thể chế
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội đã quán triệt thực hiện tối đa phương pháp tiếp cận mới, tư duy mới trong việc xây dựng pháp luật.
Theo đó, Ủy ban đã rà soát toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý, bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nâng cao năng lực thực thi; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho người đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội; giao Chính phủ, các Bộ quy định nhiều nội dung theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết; hạn chế tối đa việc quy định trùng lặp với nội dung đã được quy định trong các dự luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật đã làm rõ những nội dung ưu tiên xử lý điểm nghẽn về thể chế trong lĩnh vực bảo hiểm y tế liên quan đến các vấn đề: đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế (Điều 12, Điều 13 sửa đổi, bổ sung); quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (Điều 21, 22, 26 và 27 sửa đổi, bổ sung); quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Một trong những mục tiêu của sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần này là bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm xã hội...
Theo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật, đối với quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (Điều 21, 22, 26 và 27 sửa đổi, bổ sung), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ các hình thức khám bệnh, chữa bệnh mới được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà (điểm a khoản 1 Điều 21 sửa đổi, bổ sung).
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật, dự thảo Luật hiện đang được thiết kế theo hướng quy định quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản; khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ bảo hiểm y tế cho cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tại Điều 26; quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính tại Điều 27.
Quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ “địa giới hành chính” trong khám bệnh, chữa bệnh theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ ổn định mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Thanh toán khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế phải dễ dàng hơn
Một trong những điều mà cử tri quan tâm là sửa Luật Bảo hiểm y tế lần này có giúp thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế dễ dàng hơn không? Phản ánh ý kiến của cử tri, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu thực tế, nhiều khi tiền đóng bảo hiểm y tế được trừ luôn vào lương nhưng đến khi chi trả, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế lại rất khó khăn. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục ban hành những văn bản quy định hướng dẫn chi tiết việc thi hành luật và tổ chức giám sát, đánh giá thường xuyên việc thanh toán bảo hiểm y tế; đồng thời, thực hiện công khai Quỹ Bảo hiểm y tế để người dân biết.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, cử tri quan tâm tới việc sửa Luật Bảo hiểm y tế lần này có khắc phục được tình trạng phân biệt đối xử giữa khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ và khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế bởi thực tế nhiều khi khám bệnh bằng bảo hiểm y tế rất chậm trễ. Khẳng định rằng hiện tượng này không phổ biến nhưng có tồn tại, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị cần khắc phục tình trạng này.
Tại khoản 16, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, qua rà soát dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhận thấy, chưa có quy định bổ sung cách thức thanh toán cho những đối tượng là người tham gia khám bệnh, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh từ xa; người tham gia hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và khám bệnh, chữa bệnh tại gia đình. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung này, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi của việc mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Dự thảo Luật bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định về các đối tượng không được áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật quy định tại điểm b khoản 2 của điều này. Tuy nhiên, ở khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật đã quy định cụ thể các mức bảo hiểm y tế đối với từng nhóm đối tượng. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị làm rõ căn cứ, cơ sở quy định các đối tượng không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, dự thảo Luật có phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, nhất là về thủ tục hành chính để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát kỹ thuật văn bản và gửi đại biểu Quốc hội theo quy định, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ trước khi Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối Đợt hai của kỳ họp này.
Nhật An
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bao-dam-linh-hoat-trong-quan-ly-dieu-hanh-va-dap-ung-duoc-yeu-cau-thuc-tien-post396467.html