Để ứng phó với hạn, mặn, ngay từ đầu năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, toàn tỉnh Long An xuống giống 242.773,2ha. Đến nay, nông dân thu hoạch hơn 121.795,4ha, năng suất lúa đạt 63,58 tạ/ha. Dự kiến đến cuối tháng 4, nông dân sẽ cơ bản thu hoạch xong lúa.
Theo nhận định của ngành chức năng, năm nay, tình hình xâm nhập mặn không nghiêm trọng như những năm trước, mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng, mực nước trên các kênh, sông còn khá cao. Do đó, nguồn nước có khả năng bảo đảm phục vụ sản xuất.
Ngay từ đầu vụ Đông Xuân năm nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng lịch thời vụ và kịch bản điều tiết nước để phòng, chống hạn, mặn. Theo đó, các địa phương căn cứ các kế hoạch của Sở xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và tích cực tuyên truyền cho nông dân về thời gian xuống giống cũng như các biện pháp ứng phó với tình trạng hạn, xâm nhập mặn.
Nguồn nước bảo đảm, nông dân an tâm sản xuất lúa Đông Xuân 2024-2025
Tại huyện Cần Giuộc, vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, toàn huyện gieo sạ 3.525ha, đã thu hoạch 100% diện tích. Bên cạnh đó, huyện có hơn 1.400ha rau màu được trồng luân phiên, tập trung tại các xã vùng thượng của huyện, các diện tích này nằm trong hệ thống đê bao nên không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cần Giuộc, để ứng phó với hạn, mặn, bảo vệ sản xuất, từ đầu năm 2025 đến nay, huyện phối hợpTrung tâm Thủy lợi và Nước sạch tỉnh điều tiết nước và cấp nước bổ sung 2 lần vào hệ thống kênh Rạch Chanh - Trị Yên; đồng thời, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê bao, các công trình thủy lợi và các cống ngăn mặn để có kế hoạch duy tu, sửa chữa kịp thời. Đến thời điểm này, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cơ bản bảo đảm.
Kiểm tra vận hành các cống đầu mối, bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, để việc điều tiết nước phát huy hiệu quả, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động theo dõi diễn biến nguồn nước; đồng thời, phối hợp các địa phương tuyên truyền và thông báo lịch điều tiết nước để nông dân biết và chủ động trong sản xuất.
Thời gian tới, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn và các đợt xâm nhập mặn theo đỉnh triều. Do đó, để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, các đơn vị trực thuộc và các địa phương cần tăng cường công tác thông tin về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn và tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả./.
Minh Tuệ