Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 10/5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về 3 dự án Luật, gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhất trí với ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH về việc pháp luật về quy hoạch hiện nay rất phức tạp, QH khóa XIV đã ban hành Luật Quy hoạch; Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng đến nay có nhiều vấn đề ách tắc.
“Lần này, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là làm sao để hoàn thiện hệ thống quy hoạch tích hợp và đồng bộ, bảo đảm liên kết giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, tránh chồng chéo, mâu thuẫn”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH, quy hoạch là phải bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ. Phải quy định công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến Nhân dân, đặc biệt là lấy ý kiến đối với nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quy hoạch; thiết lập cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ.
Về phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, theo Chủ tịch QH, Luật lần này phải đổi mới mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng.
Theo đó, phân cấp thẩm quyền của QH cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Chủ tịch QH đề nghị đánh giá cụ thể những vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến cần phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch.
“Các đại biểu đã nêu những vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017. Thời gian qua, chúng ta cũng đã điều chỉnh bằng một số nghị quyết của QH, nhưng vẫn chưa triệt để. Luật, nghị quyết, nghị định thì cũng là do chúng ta ban hành, nếu ách tắc chỗ nào thì chúng ta phải sửa. Ủy ban Kinh tế và Tài chính phải phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát những vướng mắc ở cả quá khứ, hiện tại và dự báo trong tương lai để tháo gỡ", Chủ tịch QH yêu cầu.
Riêng đối với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, Chủ tịch QH nêu rõ, trường hợp cần phân cấp cho Chính phủ thì cần nghiên cứu để tích hợp một số nội dung quan trọng của 2 quy hoạch này vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm quyền giám sát, quyết định của QH đối với các nguồn lực đặc biệt, có tầm quan trọng quốc gia.
“Sửa gì thì sửa, nhưng phải bảo đảm không vi hiến, tuân thủ Hiến pháp”, Chủ tịch QH lưu ý.
Chủ tịch QH cũng cho biết, tới đây, nếu được QH thông qua chúng ta sẽ tổ chức chính địa phương theo mô hình 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã, trong cấp xã sẽ có phường, xã, đặc khu.
Do vậy, theo Chủ tịch QH, cần phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, tăng cường các yếu tố phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch...
Đồng tình, ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị bảo đảm tính ổn định, dài hơi của Luật, nhất là trong bối cảnh sắp xếp các đơn vị hành chính hiện nay. Theo ĐB, cần bổ sung bộ dữ liệu số, mở về quy hoạch đất đai, các vấn đề liên quan tới các dự án đầu tư lớn để cho nhà đầu tư, người dân có thể tra cứu trên một trang thông tin, vì hiện nay nhu cầu đó là rất lớn.
“Chúng ta cần phải công khai trang web hoặc những địa chỉ có dữ liệu mở để người dân, nhà đầu tư có thể tra cứu thông tin quy hoạch tại một vị trí, địa điểm nào đó rất cụ thể. Vậy mới mang tính minh bạch”, ĐB đề xuất.
Góp ý về kế hoạch thực hiện quy hoạch, ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), cho rằng, nhiều quy hoạch được phê duyệt nhưng không đi kèm kế hoạch thực hiện cụ thể, dẫn đến quy hoạch “treo”. Do đó, cần bổ sung quy định với mỗi quy hoạch được phê duyệt, phải đính kèm danh sách dự án ưu tiên theo phân kỳ, chỉ rõ nguồn vốn và yêu cầu kiểm toán sau 3 năm thực hiện.
Nguyên Thu