Căn cứ tiêu chí quy định tại Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2023-2025, Hà Nam có 13 xã, phường phải thực hiện sắp xếp do không bảo đảm tiêu chí (gồm: 4 phường, 9 xã), trong đó, 2/13 xã chưa thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù là xã Tiên Ngoại (Duy Tiên) và 1 xã đề nghị thực hiện sắp xếp vào giai đoạn 2026-2030 là Thụy Lôi (Kim Bảng). Ngoài các xã, phường không bảo đảm tiêu chí phải thực hiện sắp xếp còn 8 xã liền kề liên quan đến sắp xếp.
Như vậy, toàn tỉnh có 19 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp gồm 11 đơn vị diện phải sắp xếp và 8 xã liền kề liên quan đến sắp xếp. Sau sắp xếp, Hà Nam có 6 ĐVHC cấp huyện (1 thành phố; 2 thị xã và 3 huyện); 98 ĐVHC cấp xã (65 xã; 29 phường và 4 thị trấn), giảm so với trước 11 ĐVHC cấp xã (trong đó: Phủ Lý giảm 7 đơn vị; Bình Lục giảm 2 đơn vị; Duy Tiên giảm 1 đơn vị; Kim Bảng giảm 1 đơn vị). Số cán bộ, công chức cấp xã dự kiến bố trí ở ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp là 198 người (trong đó, cán bộ: 88 người, công chức 110 người); toàn tỉnh sẽ dôi dư 143 người (cán bộ: 92 người, công chức: 51 người); số người hoạt động không chuyên trách dự kiến bố trí ở ĐVHC cấp xã mới sau khi thực hiện sắp xếp là 128 người, dôi dư 55 người.
So với nhiều địa phương trong cả nước, Hà Nam khá thuận lợi khi thực hiện sắp xếp do số ĐVHC thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 không nhiều; số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại các xã sắp xếp ít; hiện một số xã, phường, thị trấn đang thiếu một số vị trí cán bộ, công chức. Với mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, chủ động phương án, giải pháp giải quyết việc bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường dôi dư sau sắp xếp. Các huyện, thị xã, thành phố có các xã, phường thuộc diện sáp nhập đều đã có phương án, bố trí sắp xếp như: nghỉ hưu đúng tuổi; nghỉ hưởng chế độ hoặc điều động đến công tác tại các xã, phường, cơ quan, đơn vị còn thiếu biên chế, bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, năng lực công tác…
Cán bộ công chức bộ phận “một cửa” xã An Ninh (Bình Lục) giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh: Đức Anh
Ông Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết: Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh đã xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 về quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã; viên chức; người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2023-2025. Việc ban hành kịp thời chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã với mức hỗ trợ cao hơn trước và cao hơn nhiều địa phương khác trên cả nước sẽ góp phần tạo điều kiện, động viên các trường hợp dôi dư khi sắp xếp không thể bố trí lại được.
Dự kiến đến tháng 12/2029, 143 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sáp nhập ĐVHC cấp xã sẽ được giải quyết xong thông qua điều động, luân chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ thôi việc… Đối với 55 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư, dự kiến giải quyết xong trong năm 2025 thông qua vận động nghỉ công tác, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 03/6/2023 của Chính phủ; Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND, ngày 15/5/2024 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2023-2025; hoặc bố trí thực hiện các nhiệm vụ khác ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo các chức danh quy định tại Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND, ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh về quy định chức danh, mức phụ cấp và kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ đối với người thực hiện nhiệm vụ khác ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Như vậy, việc bố trí, sắp xếp, xử lý cán bộ dôi dư do sáp nhập ĐVHC cấp xã được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 35/2023/NQ- UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Để việc thực hiện sắp xếp và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 của HĐND tỉnh Hà Nam quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2023-2025.
Thực hiện tốt việc điều động, tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã có đủ điều kiện, tiêu chuẩn lên công tác tại cấp huyện, thị xã, thành phố; chuyển vị trí cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sang vị trí công chức và điều chuyển sang các xã, phường, thị trấn khác trong huyện, thị xã, thành phố; thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ công tác theo quy định tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 của HĐND tỉnh Hà Nam...
Thu Thảo