Bảo đảm sự phát triển bền vững

Bảo đảm sự phát triển bền vững
2 ngày trướcBài gốc
Lãnh đạo thành phố chỉ đạo tập trung triển khai Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (thực hiện Kết luận số 127-KL/TW về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị), ngoài các nguyên tắc chung, Hà Nội cũng xác định một số nguyên tắc riêng của Thủ đô để bảo đảm việc thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Trong đó, thành phố sẽ chọn năm vùng động lực, năm trục phát triển để bảo đảm tính lâu dài; tổ chức lại các đơn vị hành chính có tính đến yếu tố quy hoạch cả cho hiện tại và tương lai theo định hướng phát triển: Hai đô thị trực thuộc Thủ đô (phía bắc và phía tây thành phố). Đồng thời, xác định phải giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (Thăng Long, xứ Đoài, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng...); bảo đảm được chức năng của từng địa phương (như đơn vị hành chính cơ sở Ba Đình là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, đơn vị hành chính cơ sở Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa 36 phố phường của kinh thành Thăng Long xưa...).
Thành phố cũng bảo đảm về địa giới đơn vị hành chính cơ sở, xác định đi theo các trục đường giao thông chính, ranh giới tự nhiên (như sông ngòi, đường phân thủy,...) để địa bàn không bị chia cắt, thuận lợi cho công tác quản lý.
Việc đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp được đề xuất theo hai cách. Một là, đặt tên theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, thí dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2... Hai là, đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô. Lựa chọn một đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp. Thí dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu-Quốc Tử Giám).
Thành phố sẽ lựa chọn trung tâm hành chính của một trong số các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay là trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới; có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển, dễ dàng kết nối với các đơn vị hành chính khác trong thành phố, kết nối giữa trụ sở của đơn vị hành chính và cộng đồng dân cư trong đơn vị hành chính đó.
Căn cứ báo cáo đề xuất của Đảng ủy Ủy ban nhân dân thành phố, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ thống nhất chủ trương về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí và dự kiến số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp; chỉ đạo thực hiện quy trình lấy ý kiến của lãnh đạo các sở, ban, ngành; các quận, huyện, thị xã về dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Căn cứ ý kiến các cấp, Ủy ban nhân dân thành phố hoàn thiện phương án; tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương trước khi trình Chính phủ.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, hiện thành phố tập trung triển khai thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp đơn vị hành chính. Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp nhưng thành phố luôn xác định phải gương mẫu, trách nhiệm cao trong thực hiện. Đây là việc lớn, việc khó nên phải nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự thống nhất, đồng thuận.
Nhiệm vụ đặt ra đối với các quận, huyện, thị xã trong những ngày tới là rà soát, thống kê tổng thể đội ngũ cán bộ để cùng các cơ quan hình thành được cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ cán bộ toàn thành phố; đồng thời đề xuất về công tác cán bộ với tinh thần công tâm, khách quan; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong việc phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ.
Bài và ảnh: QUỐC TOẢN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bao-dam-su-phat-trien-ben-vung-post873275.html