Thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp
Tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Đình Hùng (Cục trưởng Cục Thuế) nhấn mạnh, năm 2024, với nhiều giải pháp quyết liệt, Thanh Hóa đạt được thành quả cao nhất về thu ngân sách từ trước tới nay với số thu ước đến hết ngày 31.12.2024 đạt 55.300 tỷ đồng, vượt 55% dự toán được giao. Tuy nhiên, qua theo dõi của ngành thuế, thu ngân sách của tỉnh nhiều năm nay vẫn phụ thuộc vào 2 nguồn thu chính là thuế nhập khẩu dầu thô của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất. Hai động lực chính này liên tục chiếm tới 64 - 69% tổng thu ngân sách toàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2024. Năm 2024, con số này ước tính là 68% khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành vượt công suất, nguồn dầu thô nhập cao hơn các năm trước.
Chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII. Ảnh: Minh Hiếu
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới năm 2025 dự báo vẫn rất nhiều thách thức; các nguồn thu thuế từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất đã phát huy rất cao dư địa khai thác trong nhiều năm nay, đại biểu Hùng đề xuất để duy trì tốc độ tăng trưởng thu ngân sách các năm tiếp theo, cần thúc đẩy phát triển hạ tầng KCN, CCN, nâng cấp Sân bay Thọ Xuân đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để tạo nền tảng hạ tầng tốt, thuận lợi cho thu hút đầu tư. Đối với phát triển hạ tầng KCN, CCN, “bức tranh” hạ tầng KCN, CCN vẫn còn dang dở khi mới chỉ có 7 KCN trong Khu Kinh tế Nghi Sơn gắn với các dự án lớn và 2 CCN đã hoàn thiện toàn bộ hạ tầng; 6/8 KCN ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa được đầu tư đồng bộ theo đúng quy định.
Khẳng định công nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh, đại biểu Lê Minh Nghĩa (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhận định, để có mức tăng trưởng đứng thứ 2 cả nước, lĩnh vực công nghiệp đóng góp tới hơn 50%. Tuy nhiên, tiến độ triển khai ở nhiều KCN, CCN có tiến triển, song vẫn còn chậm, dẫn đến thiếu mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư. Vấn đề này đã được nhận diện rõ và đã có sự chỉ đạo nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Khẳng định doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng có đóng góp lớn vào ngân sách của địa phương, các đại biểu cho rằng, tỉnh cần thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì ổn định và có bước phát triển. Đây cũng là giải pháp căn cơ bảo đảm ổn định nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Đại biểu Cao Tiến Đoan (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa) nêu thực tế, hiện nay giá vật liệu xây dựng tăng cao là một trong những điểm "nóng", mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá đúng thực trạng cung cầu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cấp phép đủ trữ lượng vật liệu tại các mỏ, giúp doanh nghiệp hoàn thành tiến độ dự án an toàn, thuận lợi.
Bên cạnh khó khăn về giá vật liệu xây dựng, đại biểu Cao Tiến Đoan nhấn mạnh, hiện nay các doanh nghiệp bị coi là nợ đọng tiền đất, nhưng trên thực tế dự án đang được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan rà soát pháp lý, nên việc giao đất cho doanh nghiệp không thể tiến hành, nhưng cơ quan thuế vẫn tiếp tục áp dụng thu tiền sử dụng đất, vẫn treo nợ, phạt chậm nộp tiền đất, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vẫn phải chịu nợ đọng tiền đất trong thời gian dự án đang rà soát. Để tránh tình trạng “ngành nào biết ngành đó”, thiếu sự liên thông và cập nhật đồng bộ trong hệ thống, đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, sớm có giải pháp thiết thực, giải quyết kịp thời vấn đề này.
Đánh giá cao các ý kiến thảo luận của đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam khẳng định, các ý kiến thảo luận đã làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đặc biệt là những khó khăn, thách thức trước mắt. Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm, căn cơ để bảo đảm tốc độ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; bảo đảm sự ổn định nguồn thu - chi ngân sách, tạo cân bằng xã hội; ổn định đời sống của người dân. Các đề xuất, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh sẽ là nguồn tham khảo chất lượng để UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu HĐND tỉnh gợi nhớ một trong những cột mốc đáng nhớ đối với thu NSNN của tỉnh là năm 2022, lần đầu tiên Thanh Hóa chính thức nằm trong nhóm các tỉnh, thành có số thu ngân sách từ 50 nghìn tỷ đồng trở lên, với tổng thu cụ thể hơn 52 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu đến từ việc sụt giảm các nguồn thu từ đất, dầu thô, Thanh Hóa “tụt hạng”, rời khỏi bảng xếp hạng với số thu đạt gần 42 nghìn tỷ đồng. Bước sang năm 2024, số thu ước đạt trên 55.000 tỷ đồng đến 31.12.2024 đang cho thấy sự tăng trưởng, chuyển động tích cực, bền vững của nền kinh tế; đồng thời phản ánh nỗ lực, cố gắng từ phía cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.