Tinh gọn bộ máy là công việc khó, phức tạp, bởi chạm đến con người, nên cùng với các phương án sắp xếp, vấn đề còn là chế độ, chính sách công bằng, hợp lý đối với người lao động khi bộ máy tinh gọn.
Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị là đòi hỏi tất yếu khách quan với những yêu cầu đặt ra cao hơn trước, không chỉ là cắt giảm một cách cơ học mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm.
Hiện các cấp, ngành đang đưa ra những phương án theo định hướng chỉ đạo của T.Ư để bảo đảm mục tiêu “tinh và gọn”, nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả hoạt động; loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự phù hợp. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN; đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trong phát triển hiện nay.
Khi tinh gọn bộ máy, bài toán về sắp xếp cán bộ dôi dư cũng là vấn đề được quan tâm. Đây thực sự là bài toán khó vì động chạm đến quyền lợi của con người, nhất là cán bộ đã làm lâu năm có quá trình cống hiến. Hiện chưa thống kê được số lượng cán bộ, công chức, viên chức có thể bị tác động bởi việc sắp xếp. Bởi các đơn vị đang xây dựng khung về bộ máy, sau đó mới có phương án, tính toán điều chuyển, sắp xếp công việc cho từng bộ máy theo nguyên tắc là con người gắn với nhu cầu công việc; nhưng chắc chắn, trong quá trình sắp xếp, không tránh khỏi lao động dôi dư. Từ đó, đòi hỏi từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp.
Việc có được những chính sách cụ thể, nổi trội liên quan tới giải quyết chế độ cho cán bộ tự nguyện hoặc dôi dư sau sắp xếp; tạo điều kiện cho tất cả mọi người có điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm mới rất quan trọng. Để không chỉ tạo ra sự đồng thuận từ cán bộ, công chức, viên chức vì lợi ích của tập thể mà mỗi người đều cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước.
Được biết, hiện Bộ Nội vụ đang tiếp tục xây dựng các dự thảo nghị định, khẩn trương đánh giá tác động nhiều chiều, kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của chính sách sau khi ban hành. Việc này nhằm bảo đảm có cơ chế giải quyết cán bộ, công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang khu vực khác không phải là cơ quan Nhà nước với cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng thời cũng có cơ chế giữ chân người tài, nhằm xây dựng nền công vụ theo hướng thực tài.
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Để thực sự đạt hiệu quả, ngoài những phương án sắp xếp hợp lý, khoa học, cần cả những giải pháp đồng bộ xuất phát từ yêu cầu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, để những quyết tâm cao và tinh thần nhân văn đều sẽ đạt được.
Hà Bình